Đề văn gây sốt xứ Trung và bài làm đạt điểm tuyệt đối khiến dân mạng thốt lên: "Thiên tài!"

Ngày 29/06/2019 00:09 AM (GMT+7)

Được đánh giá là một đề văn hay và vô cùng khó, nhưng bài viết của thí sinh này đã đạt 150/150 điểm - số điểm tuyệt đối khiến nhiều người kinh ngạc.

Được đánh giá là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới, Gaokao - kỳ thi đại học tại Trung Quốc - đã kết thúc và đang đến giai đoạn công bố kết quả thi. Trước đó, nhiều đề văn trong kỳ thi này đã khiến mọi người sững sờ bởi độ khó nhưng cũng vô cùng thú vị. Thậm chí, đề văn tại tỉnh Giang Tô còn "gây sốt" bởi sự sáng tạo của nó. 

Đề văn như sau: Dựa theo tài liệu bên dưới, chọn góc độ, tự nghĩ đề bài, viết bài văn trên 800 chữ, không hạn chế thể văn (trừ thơ).

"Mỗi vật đều có 1 tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua ngọt cay nhạt mặn, năm vị điều hoà, cùng tồn tại hoà trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế".

Đề văn này đòi hỏi thí sinh phải có khả năng sáng tạo lớn, tư duy đặt ra vấn đề và giải quyết vấn đề một cách mạch lạc. Thí sinh không chỉ vận dụng tốt các kiến thức trường lớp mà còn phải hiểu thấu các vấn đề xã hội và nâng đến tầm triết học. Đề thi được đánh giá là khó không chỉ với học sinh mà với cả những người lớn.

Đề văn gây sốt xứ Trung và bài làm đạt điểm tuyệt đối khiến dân mạng thốt lên: amp;#34;Thiên tài!amp;#34; - 1

Thế nhưng khi điểm số được công bố, có một bài viết đã xuất sắc giành được số điểm tối đa 150/150 điểm cho đề văn này. Ngay lập tức, bài văn được chia sẻ rầm rộ đã khiến cả cộng đồng mạng xứ Trung sững sờ vì quá nể phục. Một bài viết ngắn gọn thể hiện sự thông minh và kiến thức sâu rộng của thí sinh này.

Khi được chia sẻ trên các trang mạng xã hội Việt Nam, dân mạng liên tục để lại bình luận khâm phục khả năng của người viết bài văn này. Nó thực sự xứng đáng có được số điểm tuyệt đối.

Nickname Sam Savi bình luận: "Để làm ra cái bài văn này thì tầm hiểu biết đúng là không đùa được. Đọc quá nhiều và trích dẫn cái nào là cái đấy, chuẩn chỉ luôn. Mọi lập luận đều logic và liên kết, đỉnh thật!"

Bạn Thư Huỳnh ngưỡng mộ: "Phải nói là siêu đỉnh. Lập luận dẫn chứng cái nào là chắc cái đó. Cái này người ta gọi là thiên tài!"

Ngọc Dương cảm thán: "Má ơi văn cao siêu quá, quá triết lý và có lập luận rất thực tế, đâu như ở nước mình văn toàn mấy cái triết lý vô bổ không thực tế".

Bên cạnh đó có nhiều người nhìn lại đề thi trong nước và ngán ngẩm: "Mình không hiểu vì sao đề thi nước mình luôn bắt học sinh phải phân tích đi phân tích lại bấy nhiêu tác phẩm trong mười mấy năm qua mà đặc biệt xem nhẹ cái phần đạo lý - xã hội. So ra mình thấy phần đạo lý xã hội còn có ích hơn nhiều. Phân tích tác phẩm rập khuôn mấy chục năm trời cũng vậy, còn đạo lý xã hội mỗi người mỗi ý có khi còn giúp người khác mở mang tri thức. Riết chán".

Nguyên văn bài làm đạt điểm tuyệt đối của thí sinh này như sau:

Đề bài tự đặt: "Củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác".

Bài làm:

Tom là một cậu bé chăn cừu, cậu có một đàn cừu thuần màu trắng như một đám mây cực lớn. Chính vì thế Tom cực kì ghét con cừu đen duy nhất trong đàn, cậu luôn hăm he làm thịt nó.

Vào một ngày mùa đông nọ, trời đổ tuyết lớn, đàn cừu màu trắng lẫn trong nền tuyết làm Tom không cách nào tìm được. Cuối cùng nhờ con cừu đen duy nhất đó mà Tom tìm về được đàn cừu của mình.

Từ đây Tom hiểu được một đạo lý, thuần tuý cố nhiên rất đẹp, thế nhưng cộng sinh hài hoà lại càng tốt hơn.

Trên thực tế, mỗi vật đều có tính chất khác nhau, có vẻ đẹp khác nhau. Hổ dễ nổi nóng, khỉ hấp tấp, cừu hiền lành, động vật đã vậy, thực vật lại càng thú vị hơn, trên đời này không bao giờ có hai chiếc lá giống hệt nhau, cả những thứ cùng loại cũng không phải nhất thành bất biến huống chi là những vật khác nhau hoàn toàn.

Vật đã thế, con người càng thế...

Tả Truyền từng viết, tư tưởng con người không ai giống ai, mỗi người một vẻ. Mà tư tưởng thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của người đó. Nếu muốn tôn trọng cái gọi là tư tưởng đó thì cần học cách khoan dung, đừng bao giờ vọng tưởng thống nhất tư tưởng, nó là điều phi lý.

Nhưng vấn đề là đã không cách nào thống nhất tư tưởng, vậy phải chung sống thế nào?

Có hai cách, một là tập hợp những người cùng chung chí hướng, những người cùng chung sở thích tập hợp với nhau, hình thành nên một quần thể có quan niệm chung.

Nhưng tiếc là chuyện này rất hiếm có, như củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác, làm sao có tư tưởng nào giống tư tưởng nào hoàn toàn.

Sự tham gia của nhiều tư tưởng giống mà khác nhau này còn phá vỡ sự cân bằng sản sinh ra biến hoá. Cát rơi vào miệng trai, thành trân châu quý giá, bụi trong hơi nước hoà thành mưa. Chính vì thế có một câu nói rất đúng rằng: “Người với người khác nhau, chưa chắc là chuyện xấu, chim diều không cần phải biến thành quạ mới có thể chung sống hoà bình.”

Nói cách khác là mỗi người một vẻ, tức là hoà hợp.

Từ bản thể triết học mà nói, hoà hợp là quy luật vận hành của vạn vật. Lão Tử nói: “Vạn vật đều có âm có dương, cân bằng âm dương chính là hoà hợp.”

Từ góc độ triết học mà nói, hoà hợp là cảnh giới cuối cùng mà con người theo đuổi. Lễ ký viết: “Những kẻ biết hoà hợp mới là kẻ làm chủ và đạt được cái đạo của thiên hạ”. Hoà hợp tạo ra sự xây dựng, sản sinh, thuận tiện, thành công và thịnh vượng.

Từ góc độ phương pháp luận triết học thì hoà hợp là quy tắc làm người cơ bản. Luận ngữ viết: “Quân tử hoà hợp nhưng cũng khác nhau.” Chỉ khi thuận theo quy tắc hoà hợp để diễn sinh phát triển thì mới có thể tồn tại lâu dài.

Từ góc độ sinh học thì cộng sinh là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong hệ sinh thái. Hai loại sinh vật cùng giúp nhau tồn tại, thiếu một bên, bên còn lại cũng khó sống nổi. Như tảo và nấm cộng sinh, cá sấu cộng sinh với chim bắt sâu, bò tót cộng sinh với chim ăn ruồi bọ.

Hoà hợp mà khác biệt, cái quan trọng nhất là phải chấp nhận và dung nhập vạn vật, thứ hai là biết chọn lựa và sử dụng những thứ phù hợp với đặc tính tự thân để hoàn thiện chính mình. Cuối cùng là đặt mình trong nhiều hoàn cảnh, tập cho bản thân tính phóng khoáng lạc quan.

Dù là một chỉnh thể bền chắc như thép cũng phải có một thứ khác biệt để điều hoà. Không ít những công ty quốc tế luôn giữ vài người có ý kiến trái ngược nhau trong hội đồng quản trị, những người này sẽ luôn soi mói làm khó dễ các quyết định được hội đồng đưa ra, thế nhưng chỉ có vậy mới có thể thúc đẩy hội đồng đưa ra những quyết sách chính xác và đúng đắn nhất.

Từ Tiểu Bình từng nói: “Với những người gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, trong nhóm có 3-4 người trung thành và 1 người luôn làm trái lại, chính là tổ hợp tuyệt vời nhất.”

Đạo lý này rất đơn giản, kẻ làm trái lại ấy đóng vai người điều hoà, anh ta phản bác, đánh thức, thúc tiến người lãnh đạo, như chim gõ kiến trên cây, vừa là bác sĩ vừa là kẻ gây tai hoạ. Nhưng nó sẽ luôn luôn tồn tại song hành với bạn.

Vậy vấn đề mới lại sinh ra, dung hợp có làm mất đi bản chất của mình không? Hoà hợp, chỉ là điều hoà, không phải hoà tan rồi làm mất bản thân. Bạn có thể đứng ở Trung Quốc nhìn ra thế giới, cũng có thể đứng ngoài thế giới nhìn vào Trung Quốc, nhưng đầu tiên bạn phải là người Trung Quốc là dân tộc Trung Hoa, sau mới là thế giới.

Muối bỏ vào nước sinh thành nước muối. Nước muối bỏ thêm vịt cũng chỉ là nước muối vịt. Mặc cho bạn dung hoà vào quần thể thế nào, bạn cũng phải biết mình luôn là muối, mỗi thứ mỗi vẻ, trăm vẻ dung hoà!

Thầy bảo trò nghe là chuyện xưa rồi, bây giờ học sinh nói chuyện với thầy cô thế này đây!
Thời nay học trò còn dám "quản" cả thầy cô bằng những cách cực kỳ đáng yêu!
H.M
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục