Gặp người bỏ nghề Y về quê nuôi trẻ bị bỏ rơi

Ngày 16/03/2014 08:23 AM (GMT+7)

"Tôi thấy những đứa trẻ bị bỏ rơi và có gia cảnh khó khăn không ai chăm sóc nên tôi nhận về nuôi thôi, chứ có gì đâu mà chú phải đến đây để hỏi thăm", sơ Trần Thị Hiện - vốn tốt nghiệp loại giỏi ngành y.

Bước chân ra khỏi cánh cửa trường Đại học với tấm bằng giỏi về chuyên ngành y đa khoa, những tưởng cô bé Trần Thị Hiện sẽ thực hiện giấc mơ làm bác sĩ của mình để cứu giúp người nghèo. Thế nhưng, Hiện lại có một quyết đinh táo bạo hơn: Bỏ lại giấc mơ làm bác sĩ để về quê nhận nuôi dưỡng và chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi, những trẻ em nghèo. 

Khi chúng tôi ra đến TP.Đông Hà (Tỉnh Quảng Trị) hỏi đường về mái ấm tình thương Lâm Bích do sơ Trần Thị Hiện quản lý, thì người dân nơi đây ai ai cũng biết, và họ sẵn sàng bỏ cả công việc để đem chúng tôi đến tận nơi. Bởi lẽ, trong mắt mọi người thì hình về sơ Hiện như là một vị "chúa sống" cứu giúp những đứa trẻ bị bỏ rơi và những đứa trẻ có gia cảnh khó khăn.

Gặp người bỏ nghề Y về quê nuôi trẻ bị bỏ rơi - 1

Sơ Hiện đang chăm sóc bé Lâm Bích Phương Thảo.

Nuôi các em nhỏ là sứ mạng

Sơ Trần Thị Hiện (sinh năm 1955) đón tiếp chúng tôi tại mái ấm tình thương Lâm Bích (đường Lý Thường Kiệt, TP. Đông Hà, Quảng Trị). Khi được chúng tôi hỏi về việc nuôi dưỡng những đứa trẻ ở đây thì sơ bảo rằng: "Sống ở đời thì phải giúp đỡ nhau thôi chứ có gì đâu chú. Tôi thấy những đứa trẻ bị bỏ rơi và có gia cảnh khó khăn không ai chăm sóc nên tôi nhận về nuôi thôi, chứ có gì đâu mà chú phải đến đây để hỏi thăm". Nói đoạn sơ nở một nụ cười nồng hậu, rồi dẫn chúng tôi đi thăm những đứa trẻ và trung tâm.

Xuất thân trong một gia đình nhà nông nghèo ở huyện Hương Điền (TT. Huế), bố mất sớm nên cô bé Hiện đã chịu cực khổ từ khi sinh ra. Năm 12 tuổi, Hiện vào Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế. Năm 1976, Trần Thị Hiện chính thức tham gia vào đời sống tu hành. Cuộc đời của sơ gắn liền với "sứ mạng" thiện nguyện giúp người nghèo, người mù từ đó.

Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Huế, sơ không như những người khác là chọn cho mình một công việc tốt ở một bệnh viện hay trạm xá nào đó để kiếm tiền nuôi gia đình mà tình nguyện đi khám chữa bệnh khắp nơi cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù công việc nặng nhọc, nhiều khó khăn nhưng sơ chưa hề than thở một tiếng nào.

Sau nhiều năm rày đây mai đó làm công việc thiện nguyện, vào năm 2008, được sự hỗ trợ của hội Dòng, sơ Hiện xây dựng mái ấm tình thương Lâm Bích và đón nhận các em nhỏ bị bố mẹ bỏ rơi, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ tàn tật về nuôi.

Gặp người bỏ nghề Y về quê nuôi trẻ bị bỏ rơi - 2

Mỗi đứa con là một số phận bi đát

Mái ấm tình thương Lâm Bích có năm sơ cùng nhau chăm sóc các em. sơ Hiện là người chị cả, người mẹ cả quán xuyến mọi việc trong ngoài.Tính đến nay, sơ Hiện đã nhận nuôi 30 người con. Người con cả là anh Hồ Văn Long (1984), đã lập gia đình và sinh một em bé kháu khỉnh (5/2013) ngay tại mái ấm tình thương này. Sơ Hiện cười trong niềm hạnh phúc nói: "Đó là đứa cháu nội đầu tiên của sơ". 

Cũng vào tháng 5 năm 2013, sơ chính thức có người con thứ 30 - bé út Lâm Bích Phương Thảo. Sơ Hiện kể lại: "Bé thảo bị bỏ rơi ở gần chùa Sắc Tứ, tình trạng sức khỏe yếu ớt, cả tay chân đều bị tật, cứ co rút lại như con Nhím không duỗi thẳng ra được. Người dân phát hiện em trong tình trạng suy kiệt, tím tái, ốm yếu. Các sơ đem em về nuôi và phải điều trị cho em hơn 4 tháng trời. Hàng ngày, sơ và các sơ khác thay nhau túc trực, chăm sóc em. Hiện giờ, sức khỏe của em đã khá hơn, các sơ mừng lắm!".

Tất cả những người con của sơ Hiện đều mang họ Lâm Bích. Khi đi làm giấy khai sinh cho các em, rất nhiều người hỏi sơ Hiện tại sao không lấy họ khác mà lại lấy họ Lâm Bích. sơ giải thích rằng: "Lâm Bích chính là tên người đã sáng lập ra đời sống tu hành của Hội Mến Thánh Gía. Vì thế sơ đặt tên các con theo họ Lâm Bích".

Mỗi đứa con của sơ đều có một số phận kém may mắn. Em Trần Thanh Nga năm nay học lớp 8 được sơ nhận nuôi vì ba bị mù, mẹ bị ung thư máu nên không đủ sức nuôi em. Em Nga xúc động: "Chính sơ Hiện đã cho em cuộc sống mới, sơ đã cưu mang, dạy dỗ em nên người".

Từ khi gặp sơ, các em nhỏ có cuộc sống ổn định, có tương lai tươi sáng hơn. Ngoài việc cho các em đi học văn hóa ở các trường, sơ Hiện còn tạo điều kiện để các em đi học nghề như thêu thùa, may vá, làm đồ thủ công mỹ nghệ,...

Tuy công việc lu bu nhưng sơ luôn dành sự quan tới từng chuyện nhỏ nhất của các con, chăm lo các con từ bữa ăn đến giấc ngủ. Có những hôm các em bị đau ốm, sơ hiện cùng các sơ khác phải thay phiên nhau túc trực để chăm sóc cho các em. Sơ Hiện cười hiền: "Sơ và các chị em ở đây thức ngủ để chăm các em nhỏ quen rồi nên cũng không thấy mệt".

Tình người trong hoạn nạn

Ngoài việc chăm sóc các em ở mái ấm tình thương, sơ Hiện còn là người tiên phong trong các phong trào từ thiện của tỉnh Quảng Trị. Sơ thường xuyên khám và cấp phát thuốc miễn phí cho hội người mù huyện Gio Linh, Triệu Phong, Đăk-rông... Sơ là người khởi xướng và thực hiện các phong trào "Gạo tình thương" cho người già neo đơn, "hơi ấm tình thương" cho trẻ em bại liệt, "học bổng tình thương" cho những trẻ con nhà khó khăn học giỏi,...Bàn tay tình nguyện của sơ Hiện đã đến với hầu khắp các thôn bản trên tỉnh Quảng Trị.

Ngoài việc giúp đỡ về mặt tinh thần, sơ Hiện còn giúp hội người mù các huyện trên địa bàn có công ăn việc làm để kiếm đầu ra đầu vào, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người. Sơ trải lòng: "sơ thấy người mù chịu nhiều thiệt thòi lắm, vì thế sơ muốn giúp cho anh em người mù có cái nghề, kiếm đồng ra đồng vào cho gia đình, để họ không còn tự ti mình là gánh nặng nữa".

Sơ Hiện đã mở ra chương trình sản xuất nước rửa chén cho hội người mù huyện Gio Linh, hướng dẫn làm hương (nhang) cho hội người mù Triệu Phong,...Sơ lo từ khâu nguyên liệu đến đầu ra sản phẩm cho họ. Gần đây, sơ Hiện và các sơ trong mái ấm thình thương cùng nhau mở "xe bánh Lâm Bích" bán bánh mì giá rẻ cho sinh viên trường Trung cấp nghề Quảng Trị. Gía bán rẻ hơn giá thị trường vài ngàn đồng nhưng đó là cả một tấm lòng của sơ Hiện.

Gặp người bỏ nghề Y về quê nuôi trẻ bị bỏ rơi - 3

Xe bánh Lâm Bích hỗ trợ một phần cho sinh viên xa nhà.

Em Lê Thị Ánh Hằng, vừa tốt nghiệp trường cao đẳng Y dược Huế chia sẻ: "Em sẽ giúp mẹ Hiện một tay trong công việc làm từ thiện chăm sóc, khám bệnh cho người nghèo, người tàn tật. Mẹ đã cho em biết tình người quan trọng đến nhường nào. Em sẽ không phụ tấm lòng của mẹ".

Trước đây, khi xây dựng mái ấm tình thương Lâm Bích, sơ Hiện chỉ thuê đất chứ chưa mua đất . Vì muốn các con có chỗ ở ổn định, lâu dài nên năm trước (2012) sơ đã xin hội Dòng cho mua mảnh đất này với tên chủ đất Trần Thị Hiện. Sơ nói: "Ý nguyện của sơ là chuyển quyền sử dụng đất cho hội Dòng để sau này nếu sơ không còn chăm sóc được các em nữa thì các em vẫn được ở đây và vẫn được hội Dòng, các sơ khác chăm sóc, nuôi nấng. Vì thế sơ đã tới sở Nội Vụ để chuyển quyền sử dụng đất sang cho hội Dòng".

Trong vòng ba năm trở lại đây, các cấp chính quyền đã có sự quan tâm và giúp đỡ mái ấm Lâm Bích. Trong những dịp lễ, tết,...sơ Hiện và các em nhỏ được các vị lãnh đạo chính quyền tới quan tâm, hỏi han ân cần và tặng quà hỗ trợ.

Nói về việc làm ý nghĩa của sơ Hiện, bà Hà sống cạnh trung tâm tâm sự "Sơ Hiện hình như sinh ra là để làm công việc ni chú ạ. Đứa trẻ nào bơ vơ, đói khát hay bị bỏ rơi là sơ nhận về cho ăn, cho học rồi tạo ra công ăn việc làm nữa đó. Nếu trên đời ni ai cũng được như sơ Hiện đây thì xã hội ni không có người nghèo khổ mô chú ạ".

Khi được hỏi ước muốn của sơ, sơ nhẹ nhàng nói: "Sơ chỉ muốn các em lớn lên được khỏe mạnh về tinh thần và thể xác, các em được đến trường và không thiều thốn thứ gì. Sơ mong muốn thấy nụ cười luôn nở trên môi các em để các em luôn tự tin bước đi trên đôi chân của mình, không mặc cảm hay tự ti với xã hội".

Sơ Hiện bế bé Lâm Bích Phương Thảo vẫy chào chúng tôi, trên đôi môi xinh xắn của bé Thảo nở một nụ cười thật tươi. Bước ra khỏi cổng, tôi thầm nghĩ, giá như có nhiều người như sơ Hiện thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao. Nhìn lên trời cao thấy bầu trời trong xanh lạ.

Theo Trần Thanh Tuyển (Dòng Đời)
Nguồn:

Tin liên quan