“Mỗi ngày nằm viện chi phí hết hàng triệu đồng. Vợ chồng nó (anh Cảnh – chị Hương) trước kia là lao động chính trong gia đình, giờ nằm một chỗ, không biết tính mạng thế nào nữa", bà Niên nói.
Con gái, con rể và cháu ngoại đều bị bỏng nặng từ vụ nổ, với bà Niên, đó là tai nạn “họa vô đơn chí”. Tai nạn đã khiến gia đình anh Đỗ Văn Cảnh (sinh năm 1987) và chị Hoàng Mai Hương (sinh năm 1993) đã khó khăn nay càng bi đát hơn.
Hiện anh Đỗ Văn Cảnh (sinh năm 1987) vẫn đang mê man bất tỉnh và trong trạng thái nguy kịch với hơn 90% cơ thể bị bỏng.
Vừa bế cháu ngoại trên tay (bé Đỗ Tiến Dũng, 16 tháng tuổi, bị bỏng 45% cơ thể), bà Niên vừa ngậm ngùi kể: “Mỗi ngày nằm viện bây giờ chi phí hết hàng triệu đồng tiền viện phí, thuốc men. Vợ chồng nó (anh Cảnh – chị Hương) trước kia là lao động chính trong gia đình, giờ nằm một chỗ, không biết tính mạng thế nào nữa. Hai bên nội ngoại thì đều nghèo, chúng tôi cũng lên đây để buôn bán đồng nát sắt vụn để kiếm sống thôi.
Vợ chồng nó lại không đóng bảo hiểm y tế. Nói thực là không ai dám nghĩ đến chuyện phải có ngày bị như thế này cả. Một lúc bỏ ra hàng triệu đồng để đóng bảo hiểm cho cả hai vợ chồng, số tiền lớn như vậy, lại trong lúc khó khăn nên thành ra ai cũng tiếc, vợ chồng nó không đóng. Chỉ có con là còn nhỏ nên được miễn viện phí thôi”.
Cũng theo lời kể của bà Niên, vợ chồng anh Cảnh và chị Hương lấy nhau đã được hơn 3 năm nay, cháu Đỗ Tiến Dũng là con trai đầu lòng của anh chị, mới được 16 tháng tuổi.
Theo lời bà Niên, tai nạn đã khiến gia đình bà đã khó khăn nay càng bi đát hơn.
Bà Niên kể: “Nhà hai bên nội và ngoại đều nghèo cả. Vợ chồng tôi lên Hà Nội buôn đồng nát sắt vụn đã được hơn chục năm nay, ông bà bên nhà Cảnh (tức bên nội-PV) cũng thế. Nhà nghèo nên khi cái Hương nhà tôi học xong cấp ba thì cho phải đi lấy chồng, chứ không dám cho thi đại học. Là chỗ quen biết, lại cùng quê nên hai bên gia đình mới mai mối con cái cho nhau và chúng cũng nên vợ nên chồng.
Vợ chồng nó cưới nhau xong thì lên Hà Nội. Ban đầu vợ chồng nó bảo với tôi là cho ra thuê nhà ở riêng và đi kiếm việc làm ở các công ty. Nhưng mà kiếm việc cũng khó, bằng cấp thì không có, làm tự do một thời gian thấy công việc cũng bấp bênh. Tôi bàn với hai vợ chồng nó thôi đừng đi làm thêm nữa, về đây làm cùng với bố mẹ bởi công việc thu mua phế liệu nhiều khi cũng bận. Hai vợ chồng nó cũng đồng ý. Hơn một năm trước, cái Hương sinh con và ở nhà từ đó đến nay”.
Khi được hỏi về nguồn thu nhập chính của gia đình, bà Niên giọng như nghẹn lại: “Thì tất cả đều trông chờ vào cơ sở thu mua phế liệu thôi mà chú. Vợ chồng tôi thuê cơ sở này cả chục năm nay rồi, khách quen cũng nhiều. Trước thì chúng tôi đạp xe đi thu mua, sau dành dụm được một ít vốn với vay mượn thêm nên thuê cơ sở này để thu mua từ những người khác. Nay bị nổ tan tành như thế, người thì bị bỏng nặng, sống chết thế nào còn chưa biết thì còn làm ăn được gì nữa. Sau vụ này chắc vợ chồng chúng tôi phải về quê thôi”.
Bà Niên cho biết cái khó nhất với gia đình bà hiện nay là ngay cả khi về quê bây giờ cũng “khó sống”. “Vợ chồng tôi với vợ chồng thằng Cảnh-cái Hương không còn ruộng để mà trồng lúa. Cách đây mấy năm, thấy trồng lúa không có lãi, với lại vợ chồng con cái đều buôn bán đồng nát ở trên Hà Nội nên chúng tôi cho người ta làm khoán lại ruộng. Sau rồi bán luôn cho họ. Giờ về quê cũng rất khó sống. Vợ chồng nó thì bị bỏng nặng thế, có lẽ cũng khó mà đi làm lại được như người bình thường, con thì còn nhỏ…”, bà Niên tâm sự.
Cũng theo lời bà Niên, điều đáng nói là từ khi xảy ra vụ nổ quán bia và khiến gia đình nhà anh Cảnh, chị Hương, cháu Dũng bị bỏng nặng phải nhập viện đến nay, chủ quán bia số 303 – 304 trên đường Tô Hiệu – Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy) vẫn không hề thấy đến bệnh viện để thăm hỏi.
“Chúng tôi chẳng đòi hỏi gì, nhưng mà một khi tai nạn ngoài ý muốn đã xảy ra, trước tiên là con cái chúng tôi không may mắn đã, nhưng ít nhiều nguyên nhân vẫn là do bên họ bất cẩn. Thăm hỏi nhau, đôi khi là để thể hiện cái tình người thôi”, bà Niên nói.