Trong thời đại phát triển với vô vàn đồ chơi hiện đại thì ít ai biết rằng, thiên nga bông đã từng là mơ ước của nhiều thế hệ trẻ em. Đến nay vẫn có một gia đình vẫn “nuôi” hàng trăm chú thiên nga bông phục vụ những người hoài cổ mỗi dịp Trung thu về.
Trong căn gác nhỏ nằm sâu trên phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), gia đình bà Vũ Thị Thanh Tâm (88 tuổi) những ngày này đang tất bật với công việc làm thiên nga bông để kịp ngày rằm Trung thu.
Nhớ lại thời còn con gái, bà Tâm không khỏi tự hào vì thời đó, bà là công nhân nhà máy dệt may, tranh thủ nhặt được những miếng bông, mảnh vải cùng với đôi bàn tay khéo léo, gia đình bà làm ra hàng nghìn lẵng thiên nga bông mỗi năm.
Thấy bà Tâm làm được, người dân phố cổ ngày ấy cũng bắt chước nhau, thiên nga bông nhanh chóng được bày bán la liệt trên những phố lớn như Hàng Gai, Hàng Lược, Hàng Mã… trở thành món đồ chơi được nhiều thế hệ trẻ em yêu thích.
Giờ đây hầu hết các gian hàng tràn ngập đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, thiên nga bông cũng như nhiều món đồ chơi truyền thống khác không cạnh tranh được. Đến nay cả Hà Nội chỉ còn lại duy nhất bà Tâm và con dâu còn làm và bán loại đồ chơi này.
Theo bà Tâm, làm thiên nga bông không khó, nhưng công việc yêu cầu sự tỉ mẩn, khéo tay và chăm chút trong từng công đoạn.
Đôi bàn tay gầy guộc nhưng không có tuổi vẫn thoăn thoắt thổi hồn cho những tờ giấy, những miếng bông thành từng chú thiên nga trắng muốt, đến nay bà Tâm đã theo nghề làm thiên nga bông được hơn 70 năm.
Đầu và cổ thiên nga nắn bằng dây thép, quét hồ lên, sau đó xé dọc thớ bông, “ốp” vào, vuốt cho phẳng rồi phết nước cơm phủ bên ngoài. Sau đó, chúng sẽ được đem phơi nắng để khô lớp nước cơm.
Trước khi đưa vào “ổ”, những con thiên nga này sẽ được gắn mỏ và cánh. Mỏ làm bằng giấy bóng kính đỏ cuốn lại, còn cánh làm bằng xốp.
Những sắc màu rực rỡ tôn lên màu trắng kiêu sa của những chú thiên nga trong lẵng mây, trông như một góc hồ sinh động.
Điều làm bà Tâm băn khoăn nhất đó là sự tồn tại của nghề làm thiên nga bông. “Tôi đến nay đã gần 90 tuổi, không còn nhanh nhẹn nữa, chỉ còn người con dâu vẫn bám trụ với nghề nhưng chẳng biết duy trì được bao lâu bởi một phần sự cạnh tranh của đồ chơi Trung Quốc, một phần giới trẻ bây giờ cũng đâu còn đam mê làm mặt hàng truyền thống này”, bà Tâm tâm sự.