Tại các chợ có rất nhiều các loại khô lạ, đặc biệt như rắn, nhái, chuột, tắc kè… Theo các tiểu thương, khách mua những loại khô lạ này chủ yếu làm quà biếu và dịp Tết.
Đa dạng mặt hàng
Thời gian này, tiểu thương các chợ tại TP.HCM bắt đầu nhập hàng để bán mùa Tết Nguyên Đán. Theo ghi nhận, năm nay, thực phẩm khô được các chợ nhập về khá nhiều. Đến chợ Bình Tây (quận 6), có cả một khu lớn chỉ chuyên bán đồ khô. Trước mắt chúng tôi là một “rừng” đồ khô với vô vàn loại, từ cá nước ngọt như cá lóc, cá trê, cá dừa, cá kèo… cho đến cá nước mặn như cá khoai, cá đuối, cá chỉ vàng…
Các tiểu thương cho biết, cùng một loại cá khô nhưng có hai loại khô khác nhau. Một loại dùng chế biến các món nướng, chiên. Một loại dùng để làm các món gỏi, nộm. “Ngày tết, ăn nhiều thịt nên mọi người thường ngán. Do đó, họ tìm mua các loại cá khô để thay đổi khẩu vị. Hơn nữa, các món khô thường dễ chế biến, lại mất ít thời gian”, một nam tiểu thương nói.
Thực phẩm khô được các tiểu thương nhập về nhiều để bán Tết
Tại các chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ An Đông (quận 5), chợ Bến Thành (quận 1)… thực phẩm khô cũng được bày bán khá nhiều. Tại các chợ này, giá cả không chênh lệch nhau là bao nhiêu. Khô cá chỉ vàng, giá từ 250.000 đến 300.000 đồng. Khô cá bống từ 95.000 đến 130.000 đồng. Khô cá tra từ 100.000 đến 150.000 đồng…
Khô tôm lại có rất nhiều giá khác nhau. Tôm nõn loại 1 có giá 700.00 đồng, tôm nõn loại 2, 3 lại có giá giao động từ 250.000 đến 600.000 đồng. Tôm moi có giá 140.000 đến 200.000 đồng.
Ngoài ra, tại các chợ có rất nhiều các loại khô lạ, đặc biệt như rắn, nhái, chuột, tắc kè… Theo các tiểu thương, khách mua những loại khô lạ này chủ yếu làm quà biếu và dịp Tết. Khô rắn có khá nhiều loại như rắn trun, rắn bông súng, rắn râu, rắn nước… giá dao động từ 350.000 đồng đến 700.000 đồng. Khô chuột giá từ 170.000 đến 240.000 đồng. Khô nhái giá 550.000 đến 650.000. Có lẽ, đắt và hiếm nhất là khô tắc kè với giá bán mỗi con giá từ 50.000 đến 80.000 đồng.
Khi được hỏi, các tiểu thương đều cho biết, các loại thực phẩm khô này chủ yếu là hàng trong nước. Bên cạnh đó, có một số loại là hàng nhập từ Trung Quốc nhưng số lượng không nhiều. Các loại khô lạ và khô làm từ các loại cá nước ngọt như tra, lóc, trê được lấy từ các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Riêng các loại khô nước mặn như các đuối, cá khoai, các chỉ vàng… được lấy từ Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Mù mờ chất lượng
Tại thời điểm hiện tại, khách hàng tại các chợ chủ yếu là khách sỉ mua về để bán lại. Riêng khách lẻ vẫn còn rất ít. Tuy nhiên, theo dự đoán, từ đầu tháng Chạp, số lượng khách lẻ sẽ đông và các loại khô sẽ là sản phẩm thu hút đông người lựa chọn.
Điều đáng nói, trong quá trình lấy thông tin viết bài, chúng tôi nhận thấy, hầu hết thực phẩm khô đều được đựng trong thúng, nia, phía trên chỉ để một tờ giấy ghi số điện thoại, tên cửa hàng chứ không hề có nơi sản xuất, hạn sử dụng. Thậm chí, tên sản phẩm cũng không được ghi trên các tờ giấy này.
Nhiều tiểu thương tỏ ra bất ngờ khi được hỏi về thực phẩm khô có thương hiệu
Khi được hỏi, nhiều tiểu thương cho hay, các mặt hàng này chủ yếu được bà con nông dân đánh bắt, phơi khô rồi đem bán chứ không làm theo công nghiệp. Do đó, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Thậm chí, đến các khu chợ nhỏ, hỏi thực phẩm khô được bọc trong bao bì có thương hiệu, các tiểu thương tỏ ra khá bất ngờ. Họ cho hay, từ trước đến nay đều chỉ bán hàng trôi nổi như thế, nhập từ nông thôn lên bán. Bởi, hàng này ngon mà lại rẻ hơn rất nhiều so với hàng có thương hiệu?!.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh M. (chủ một sạp hàng khô) tiết lộ: “Từ trước đến nay, chúng tôi bán sản phẩm khô, khách hàng chẳng ai hỏi hàng có thương hiệu. Điều mà khách hàng quan tâm chỉ là hàng mới hay cũ? ngon hay không? mắc hay rẻ?... Còn giấy tờ chỉ là để đối phó với cơ quan chức năng”. Tại các chợ, có khá nhiều nơi thực phẩm khô bốc mùi, thậm chí bị mốc trắng. Thế nhưng, khi hỏi mua, các tiểu thương đều khẳng định: “Hàng mới về”.