Chỉ còn 3 ngày nữa là đến ngày vía Thần Tài nhưng giá vàng đang trên đà tăng liên tiếp, phá vỡ mọi kỷ lục và vượt lên mốc 63,5 triệu đồng/lượng.
Tính đến 16h chiều 07/02, giá vàng SJC đã tăng gần 1 triệu đồng so với trước Tết Nguyên Đán và lập đỉnh mới trong lịch sử giá vàng với mốc 63,5 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 62,85-63,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng so với phiên giao dịch ngày hôm qua ở cả 2 chiều.
Giá vàng SJC tại Việt Nam hiện chênh lệch với giá vàng thế giới quy đổi khoảng 13,8 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới hiện niêm yết ở mức 1.890 USD/ounce. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank tương đương 49,67 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Như vậy, giá vàng SJC của Việt Nam hiện đang cao hơn giá vàng thế giới gần 14 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch cao nhất trong lịch sử.
Năm nay, Ngày vía Thần Tài sẽ diễn ra vào thứ 5, ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 10/02/2022 dương lịch. Có thể nhận thấy, càng gần ngày vía Thần Tài, giá vàng càng tăng mạnh do nhu cầu mua vàng vào ngày này của người dân ngày càng lớn.
Người dân đổ xô đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài năm 2021.
Ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết, giá vàng có thể tăng tiếp và chạm mốc 65 triệu đồng/lượng do nhu cầu thực sự của thị trường.
Theo ông Khánh, năm nào vào ngày vía Thần Tài thì nhu cầu mua vàng vật chất ở Việt Nam cũng tăng mạnh. Thậm chí, có doanh nghiệp kinh doanh vàng từng cho biết họ bán ra được từ 1,5-2 tấn vàng vào dịp này.
“Dịp Tết Nguyên đán nhiều người nhận được lương, thưởng nên còn đang “rủng rỉnh” tiền. Trong khi đó, vàng lại là vật phẩm đại diện cho may mắn, giàu sang, phú quý nên nhiều người lựa chọn mua vàng vào dịp đầu năm cũng như vào ngày vía Thần Tài khiến giá vàng tăng mạnh”, ông Khánh nhận định.
Nhiều người lựa chọn mua vàng đầu năm để lấy may đã khiến giá vàng tăng mạnh.
Nhu cầu tăng trong khi vàng SJC lại khan hiếm do giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới không liên thông với nhau đã khiến giá vàng ngày càng biến động.
“Tức là kinh doanh vàng tại Việt Nam là hoạt động kinh doanh có điều kiện, vàng SJC do Ngân hàng Nhà nước quản lý việc nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Lượng vàng miếng SJC chỉ quanh quẩn có bấy nhiêu đó thôi nên ngày càng hiếm. Gọi là của quý hiếm rồi thì cửa hàng vàng muốn tăng bao nhiêu thì tăng, mặc kệ thế giới”, ông Khánh nói.
Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng, giá vàng sẽ nhanh chóng giảm, co hẹp mức chênh lệch với giá vàng thế giới sau ngày vía Thần Tài và giảm sâu vào quý II/2022 do nhu cầu của người dân không còn cao như hiện tại.
Ngoài sản phẩm vàng Thần Tài hay linh vật hổ thì các loại vàng trang sức cũng được nhiều người chọn mua nhân dịp đầu năm.
Chia sẻ với Pv về việc mua vàng ngày vía Thần Tài, Chuyên gia phong thủy Nguyễn Hoàng cho biết, từ lâu người dân nước ta đã thờ thần Lửa, thần Nước, thần Bếp, thần Thổ Địa, thần Lộc… và thần Tài cũng nằm trong hệ sinh thái tín ngưỡng thờ Thần.
Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng, thông thường, vào ngày vía thần Tài, người dân hay đi mua vàng để cầu may vì vàng là một trong những vật có giá trị nhất về mặt kinh tế, là biểu tượng cho sự tích lũy và giàu có. Việc mua vàng để cầu may vào ngày vía Thần Tài là một quan điểm có tính chất truyền miệng trong dân gian, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Thần của một bộ phận người Á Đông.
“Hoạt động mua vàng vào ngày vía Thần Tài mang nặng tính chất kỳ vọng riêng tư về mưu cầu lợi ích chứ hoàn toàn không có giá trị về mặt phong thủy hay năng lực tâm linh, mà đơn giản là được các tiệm vàng dẫn dắt để tăng doanh thu của họ”, chuyên gia Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.
Theo chuyên gia phong thủy, ngày vía Thần Tài không nhất thiết phải mua vàng với giá đắt đỏ để cầu may.
Vì vậy, theo chuyên gia Nguyễn Hoàng, nếu coi Thần Tài là một đại sứ được trời đất phân công để cai quản và trợ giúp tài lộc cho thế gian thì nhân ngày này, mọi người nên cảm tạ trời đất, ơn trên đã ban cho mình đồ ăn, thức uống và của cải.
Việc bày tỏ tấm lòng thành kính có thể thực hiện tại bất cứ đâu, vào lúc nào, vì người xưa cho rằng “trên đầu ba thước có thần linh” nên chỉ cần tâm khởi là thần biết, miễn sao thực lòng, chứ không câu nệ về hình thức.
Đối với những người thờ Thần Tài, nên dọn dẹp lau sạch ban thờ, rút tỉa chân nhang rồi chuẩn bị một lễ cúng gồm có hoa tươi, quả tốt, thịt heo quay và kẹo ngũ sắc, lạy 05 lạy rồi thành tâm khấn vái là được.
“Người dân cũng có thể mua một vật cầu may được Thần Tài ưa thích để chưng lên bàn thờ như tì hưu, thiềm thừ, bảo bình, túi tài lộc, tiền ngũ đế hoặc ra ngân hàng gửi một khoản tiết kiệm tượng trưng chứ không nhất thiết phải mua vàng với giá đắt đỏ”, ông Hoàng nhấn mạnh.