“Học phí tăng là phù hợp với khả năng chi trả của người dân tính theo thu nhập bình quân đầu người/tháng”, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay.
Bỗng dưng “cõng” thêm 33% học phí
Từ năm học 2016-2017, mức thu học phí đối với học sinh khu vực thành thị Hà Nội là 80.000 đồng/tháng/học sinh; đối với vùng nông thôn là 40.000 đồng/tháng/học sinh.
Ghi nhận của phóng viên, hầu hết các gia đình cho rằng, họ sẽ rất chật vật với việc chi tiêu trong gia đình khi mức học phí tăng thêm tới 33%. Bởi vào đầu năm học mới, đóng nhiều khoản chi phí (tiền sách vở, đồng phục, cơ sở vật chất…) nhưng năm nay học phí lại “cõng” lên 33% khiến họ khó khăn lại càng khó khăn.
Nhiều gia đình cho rằng, họ sẽ rất chật vật với việc chi tiêu trong gia đình khi mức học phí tăng thêm 33% (ảnh minh họa)
Tại Hà Nội, đại đa số là người làm công ăn lương, cả 2 vợ chồng tổng thu nhập chỉ từ 8-12 triệu đồng/tháng, nuôi các con ăn học đã rất vất vả, phải co kéo mới đủ, nay lại bù thêm 33% số tiền học phí như năm trước để cho con.
Chị Đỗ Thị Hòa (Hoàng Mai, Hà Nội) than thở: “Với những hộ gia đình khá giả, việc chi thêm vài triệu đồng đóng học phí đầu năm học là chuyện trong tầm tay. Tuy nhiên, những gia đình có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, thêm một đồng cũng phảy chạy vạy.
Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Lan (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đang có hai con học tiểu học, đóng rất nhiều khoản phí đầu năm. Với mức học phí mới, gánh nặng lại đè nặng lên vai phụ huynh. Nếu tăng thêm 33%, nhà có 2 con đi học, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi tiêu từ 1-3 triệu đồng.
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, mức tăng học phí 33% là quá cao, khó chấp nhận. Họ không đồng tình với việc lãnh đạo Hà Nội kết luận: Học phí tăng phù hợp với khả năng chi trả của người dân tính theo thu nhập bình quân đầu người/tháng.
Tăng theo thu nhập bình quân
Lý giải về mức tăng học phí, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, theo quy định, mức thu học phí phải phù hợp với địa bàn dân cư, khả năng đóng góp và tốc độ tăng chỉ số tiêu dùng.
Chính vì thế, từ năm 2016, 2017, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm (chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 tăng bình quân 0,63%,) theo đó khung học phí cũng tăng theo).
“Học phí tăng là phù hợp với khả năng chi trả của người dân tính theo thu nhập bình quân đầu người/tháng”, ông Độ cho hay.
Mức thu học phí đối với học sinh khu vực thành thị Hà Nội sẽ là 80.000 đồng/tháng/học sinh
Theo ông Độ, mức thu nhập bình quân của Hà Nội hiện nay là 3.746.000 đồng/tháng trong đó thành thị là 5.083.000 đồng/tháng, nông thôn là 2.804.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập này, việc tăng học phí năm 2016-2017 làm tăng khả năng chi trả việc học chỉ khoảng 0,37% so với thu nhập bình quân.
Ngoài ra, mức thu học phí tăng là phù hợp với khung quy định của Chính phủ và mặt bằng chung của 4 tỉnh thành thuộc Trung ương và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Vì thế, học phí sẽ được điều chỉnh đần hàng năm sao cho đến năm 2020-2021 mức thu học phí bằng mức cao nhất trong khung quy định. Hơn nữa, tăng học phí góp phần huy động từ nguồn thu của nhân dân, giảm phần chi ngân sách.
Trước ý kiến cho rằng, tăng học phí sẽ khiến nhiều phụ huynh phải gồng mình để lo tiền học cho con, ông Độ cho biết, tăng học phí không làm ảnh hưởng đến học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách. Bởi các đối tượng này đã được giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
Còn đối với bậc đại học, giáo dục nghề nghiệp, mức thu học phí hiện đang thấp hơn mức trần quy định của Chính phủ. Mặt khác, mức thu thấp nên các cơ sở giáo dục không đủ nguồn tài chính để bù đắp chi phí đào tạo, đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo.
“Do đó, việc tăng học phí sẽ tăng thêm nguồn tài chính để tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Là cơ sở để các trường chủ động xây dựng kế hoạch, nâng cao chất lượng để thu hút học sinh”, ông Độ cho hay.