Sự việc vừa xảy ra trên phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội. Sau đó, nam thanh niên đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Chiều ngày 11/6, khi xe buýt số 26 mang BKS 29B - 127.75 đang vào bến đón khách trên phố Phạm Ngọc Thạch bất ngờ bị ném một viên gạch vỡ kính. Cú ném khiến một hành khách trên xe ngồi ngay cửa kính đã phải nhập viện.
Theo các nhân chứng kể lại, vào thời điểm trên họ trông thấy một đôi nam nữ trẻ cãi vã tại bến xe buýt. Người nam thanh niên dọa nếu bạn gái bước lên xe buýt sẽ ném vỡ cửa kính.
Nói làm làm, khi cô gái vừa bước lên xe, nam thanh niên đã cầm gạch ném. Viên gạch sau khi làm một thủng 1 lỗ to đã làm vỡ đầu 1 hành khách trung niên ngồi sát cửa kính.
Tại hiện trường ngoài vệt kính vỡ, viên gạch còn rất nhiều vệt máu loang trên thành xe.
Hiện trường nơi xảy ra sự việc và tấm kính xe buýt bị vỡ.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, nhân viên xe buýt cùng hành khách đã truy đuổi nam thanh niên manh động trên nhưng hắn đã chạy thoát. Cô gái đi cùng đã được mời về CA phường Kim Liên, quận Đống Đa làm rõ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề pháp lý sau khi xảy ra sự việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, thanh niên này có dấu hiệu phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản người khác theo Điều 143 BLHS và Tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS.
Theo phân tích của LS Thơm, xuất phát từ mâu thuẫn với bạn gái nên khi thấy cô gái bỏ đi lên xe buýt thì đối tượng đã bực tức cầm viên gạch ném vào cửa kính xe. Hành vi của đối tượng là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến 2 khách thể BLHS bảo vệ đó là sức khỏe của con người và quyền sở hữu của người khác.
“Tuy đối tượng không có mong muốn gây thương tích cho hành khách trên xe nhưng buộc phải nhận thức khi cầm gạch ném vỡ cửa kính bên trong có người ngồi sẽ gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác.
Lỗi của đối tượng trọng vụ gây thương tích là lỗi cố ý gián tiếp. Hậu quả xảy ra đến đâu thì đối tượng phải chịu trách nhiệm đến đó. Nếu hậu quả chết người xảy ra thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về Tội giết người theo Điều 93 BLHS”, LS Thơm phân tích.
Theo LS Thơm, để có căn cứ xử lý đối tượng, cơ quan điều tra cần định giá trị giá tài sản hư hỏng. Nếu trị giá tài sản trên 2.000.000 đồng thì đối tượng có thể bị xử lý theo Điều 143 BLSH. Đối với hành vi gây thương tích cho hành khách cũng cần phải giám định tỷ lệ % thương tích để làm căn cứ.