"Vui vẻ là một chuyện, nhưng Tết còn là ngày để thực hiện một loạt các nghĩa vụ với trời đất, ông bà tổ tiên, mà chúng ta không được phép làm sai về giờ giấc chứ chưa muốn nói là chuyển sang những ngày khác".
Đó là ý kiến của Giáo sư Xã hội học Đặng Cảnh Khanh (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, Giảng viên Đại học Thăng Long) xung quanh vấn đề nên hay không nên bỏ Tết ta, ăn theo Tết tây.
GS Đặng Cảnh Khanh cho rằng: Tết cổ truyền là ngày có ý nghĩa trọng đại nhất trong một năm với người Việt. Nếu Tết dương đơn thuần chỉ là Tết về hành chính, dùng để tổng kết lại công việc của năm, theo đúng tinh thần hội nhập của thế giới, thì Tết âm là ngày Tết của văn hóa truyền thống, ngày sum họp gia đình để tưởng nhớ đến nguồn cội. Và đặc biệt, nó gắn liền với những ngày tâm linh cúng bái trời đất, tổ tiên, diệt trừ tà ma, bạc ác vốn chỉ có thể gắn với âm lịch nên chúng ta không thể xem nhẹ.
Vợ chồng giáo sư Đặng Cảnh Khanh và giáo sư Lê Thị Quý trong ngày đón xuân
GS nhận định thế nào khi nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng nên gộp hai Tết làm một?
- Một số chuyên gia kinh tế khi trả lời báo chí đã tán đồng về vấn đề này bởi họ cho rằng gộp hai Tết làm một có thể mang lại hiệu quả giúp tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước. Khi phát biểu như trên chắc họ cũng tính toán kỹ rồi. Tôi không phải chuyên gia kinh tế cũng chẳng phải nhà quản lý nên không dám mạn đàm.
Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ, muốn đất nước phát triển thì ngoài các yếu tố về kinh tế cũng cần lưu ý đến các yếu tố được gọi là “phi kinh tế” như: Văn hóa, giáo dục, và nhất là truyền thống, những cái có liên quan đến các giá trị mà tổ tiên, ông bà đã xây đắp và truyền dạy cho chúng ta từ đời này sang đời khác…
Các yếu tố phi kinh tế này là nền tảng, duy trì sự phát triển bền vững của một quốc gia. Nếu chỉ quan tâm tới khía cạnh kinh tế thì đất nước có thể đạt tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa hẳn văn hóa-xã hội đã là phát triển.
Có những yếu tố người ta tưởng rằng không có giá trị kinh tế nhưng lại có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển, sự thống nhất ý chí và sự trường tồn của một quốc gia. Cái đã được gọi là truyền thống thì chắc chắn phải tồn tại bền vững từ rất lâu, phải vượt qua bao nhiêu thử thách mới giữ gìn được, bởi vậy thay đổi hoặc xóa bỏ nó, tức là làm thay đổi truyền thống thì phải cân nhắc kỹ.
Giáo sư nghĩ sao khi có người cho rằng ngay như Nhật Bản là một quốc gia phát triển nhưng họ vẫn rất tiến bộ trong việc chấp nhận gộp hai Tết làm một?
- Tôi không hiểu nhiều về văn hóa Nhật Bản. Nhưng người Nhật có những vấn đề về địa lý tự nhiên, lịch sử, văn hóa của riêng họ. Chúng ta có vấn đề của riêng chúng ta. Học hỏi các nước là quan trọng nhưng trước khi đi học, chúng ta cần phải biết mình như thế nào, cần phải phân tích kỹ về địa lý, con người, truyền thống, văn hóa, phong tục của tổ tiên ông bà, để dù có hội nhập với thế giới thì chúng ta vẫn là nước Việt Nam, văn hóa và con người Việt nam.
Giáo sư có thể nói rõ hơn cái được gọi là “vấn đề riêng của Việt nam” xung quanh cái Tết ta được không?
- Tết ta là ăn theo với lịch ta, mà lịch ta có lẽ cũng được cha ông ta chúng ta suy nghĩ ghê lắm khi sử dụng, bởi nó hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu, con người và đặc biệt là lịch làm đồng áng, ruộng vườn.
Lịch này cũng gắn liền với văn hóa truyền thống Việt nam, với những ngày mà chúng ta không thể dễ dàng chuyển sang ngày dương lịch được. Chẳng hạn là chúng ta không thể tìm dương lịch đổi để ngày giỗ tổ Hùng Vương, ngày giỗ tổ tiên, ông bà, các ngày lễ hội truyền thống địa phương, các ngày phải thờ cúng, phải kiêng kỵ…
Cũng theo lịch này, bên cạnh Tết nguyên đán, chúng ta cũng còn rất nhiều ngày Tết nữa, tết Hàn thực còn gọi là tết Thanh minh mùng ba tháng ba, tết Đoan ngọ mùng năm tháng năm, tết Trung nguyên còn gọi là ngày “xá tội vong nhân”, Tết Trung thu vào rằm tháng Tám, Tết Trùng thập mùng mười tháng mười.
Những cái tết này thì dứt khoát không thể chuyển sang ngày Tây được, chẳng hạn Tết Trung thu không thể chuyển vào tháng tám dương lịch, bởi khi đó rất có thể sẽ chẳng có trăng sao và trời sẽ tối đen như mực. Bên cạnh đó lại còn rất nhiều vấn đề tâm linh khác.
Thưa giáo sư, vậy còn ngày tết Nguyên Đán có thể chuyển sang tết tây được không?
“Cháu gái tôi mười tuổi, thấy ông đăm chiêu về chuyện này thì an ủi “không phải lo ông ạ, chúng ta còn có mười ngày nghỉ phép mà ông, chúng ta sẽ không đi biển nữa và dành ngày đó cho Tết cũng có sao đâu”. Đúng vậy, rồi mỗi người đều sẽ có cách tuân thủ của mình, khó mà đoán trước được. Riêng bản thân tôi và gia đình thì chắc sẽ phải làm theo ý kiến của cô cháu gái vậy. Bởi nếu mời thần linh và tổ tiên về dự Tết ta vào cái ngày Tây nào đó, lỡ các cụ không về thì lo lắm”. |
- Theo ý kiến của cá nhân tôi thì không. Người ta bảo mấy vị nghiên cứu văn hóa cứ động đến tâm linh là hay nhát gan, tôi cũng vậy.
Vui vẻ là một chuyện, nhưng Tết còn là ngày để thực hiện một loạt các nghĩa vụ với trời đất, ông bà tổ tiên, mà chúng ta không được phép làm sai về giờ giấc chứ chưa muốn nói là chuyển sang làm vào những ngày khác.
Ngày 23 tháng chạp phải có lễ cúng Táo quân. Ngày 30 Tết là ngày trừ tịch, có nghĩa là ngày trừ ma quỷ và đón tổ tiên về chung vui ngày Tết. Tổ tiên sẽ ở lại với con cháu cho đến ngày mùng bốn- ngày lễ tạ, tức là làm lễ để tiễn gia tiên.
Ngay trong ngày 30 Tết, đối với các nhà gia giáo, việc tuân thủ đúng giờ giấc, phép tắc cũng không thể được xem thường. Bởi vậy, giao thừa của Tết ta cũng không thể chuyển sang Tết tây được bởi nó gắn với biết bao nhiều điều phải thực hiện, thậm chí phải kiêng kỵ. Rồi lại còn phải chọn giờ xuất hành, chọn giờ khai ấn, giờ khai bút, nhà nông thì giờ động thổ, nhà buôn thì giờ mở cửa hàng…thiêng liêng lắm, ngày, giờ dương lịch làm sao thay được.
Đã vậy khi đón Tết sớm theo dương lịch thì đào chưa nở, mưa xuân chưa lại, thịt nấu chưa đông, lại còn phải mặc áo đẹp chờ sẵn cả tháng sau thì ngày xuân thực sự mới tới để mà đi dự các lễ hội vui xuân của làng xã…
Vậy nếu như các cơ quan chức năng vẫn cho tiến hành gộp hai ngày Tết làm một, bất chấp số đông người dân không tán thành thì điều gì sẽ xảy ra thưa ông?
- Đúng là việc được bàn thì ta cứ bàn, có sao đâu, chứ đã là một công dân tốt thì chúng ta cứ phải chấp hành nghiêm quyết định của trên thôi. Tuy nhiên, hàng năm rồi những ngày “Tết chính thống”, dù đã được xóa bỏ bằng hành chính vẫn cứ đến. Vào ngày thiêng liêng đó, tôi e ngại rằng ngoại trừ những người can đảm lắm, thấm nhuần thật sâu sắc cái lợi thu được về kinh tế mới giám bỏ qua thôi. Những người “miệng hùm gan sứa” như tôi chắc chắn vẫn phải làm một cái gì đó, chẳng dám khinh suất.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng: “Kể cả khi chỉ có số ít tán thành, nhưng cái gì hay, cái gì đúng và có lợi thì phải thuyết phục” giáo sư nghĩ sao về điều này?
- Bà Phạm Chi Lan đã nói rất đúng. Cái gì hay và cái gì đúng thì chúng ta phải làm thôi. Tôi chỉ băn khoăn một điều là, trong trường hợp “chỉ có số ít người tán thành” thì cái số ít đó cũng nên xem lại ý kiến của mình xem nó có thật hay, thật đúng, thật lợi không thôi?
Tôi nghiên cứu xã hội học, luôn phải đo đếm dư luận, nên cứ hay buộc mình phải tuân thủ ý kiến của số đông. Vả lại, các cụ bảo muốn thành công thì phải có Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa. Muốn có Nhân hòa mà lại chỉ nghe số ít e rằng cũng hơi khó.
Xin cảm ơn Giáo sư về buổi trò chuyện!