Giao thừa là gì và những phong tục truyền thống bạn cần biết

Ngày 04/02/2019 06:00 AM (GMT+7)

Giao thừa là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Đêm giao thừa truyền thống của người Việt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và linh thiêng với những phong tục ai cũng cần nắm rõ.

Giây phút lâng lâng, cảm xúc dạt dào khó tả là điều bất cứ ai trong đời cũng sẽ trải qua vào giờ phút giao thừa thiêng liêng nhất, khoảnh khắc kết thúc năm cũ sang năm mới với nhiều điều ước tốt đẹp.

1. Giao thừa và đêm giao thừa là gì

Giao thừa bắt đầu từ thời khắc 0 giờ: 0 Phút: 0 giây, là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bước sang ngày đầu tiên của năm mới đánh dấu kết thúc năm cũ theo âm lịch.

Đêm giao thừa hay còn gọi là đêm Trừ Tịch từ 11h đêm ngày 30 đến 1h sáng mùng 1 Tết là đêm linh thiêng nhất của mọi gia đình Việt, cùng làm lễ thắp hương cúng gia tiên để tiễn năm cũ đón năm mới, cầu sức khỏe, may mắn tài lộc, an khang thịnh vượng cho tất cả thành viên trong gia đình.

2. Ý nghĩa đêm giao thừa

Đêm giao thừa luôn có ý nghĩa đặc biệt trong tâm trí người Việt, cả những người xa xứ luôn hướng về quê hương.

Đêm cuối cùng của năm cũ và khoảnh khắc chuyển sang năm mới là lúc rũ bỏ những xui xẻo, ám vận cả năm, giúp tâm hồn được thanh tịnh loại bỏ muộn phiền, hy vọng vào một năm mới có nhiều đổi thay tốt hơn so với năm cũ. Gia đình ấm êm hạnh phúc, khỏe mạnh là những điều cơ bản mà ai cũng mong muốn.

Đêm giao thừa cũng là lúc gắn kết tất cả các thành viên trong gia đình, tổng kết lại một năm nay đã làm được gì và những điều còn chưa thực hiện được, cùng đặt ra mục tiêu sang năm mới thực hiện tốt hơn.

Giao thừa là gì và những phong tục truyền thống bạn cần biết - 1

3. Phong tục truyền thống đêm giao thừa

Cúng giao thừa

Là phong tục ý nghĩa nhất trong những ngày tết mà bất kỳ gia đình nào cũng thực hiện một cách trang nghiêm và thành kính.

Trên bàn thờ gồm có mâm ngũ quả, con gà, chai rượu, bánh chưng, nến, hoa, nước, trầu cau, bánh kẹo,... và những đặc sản vùng miền khác được dâng lên tổ tiên thành tâm nhất.

Lễ cúng giao thừa được thực hiện vào đúng khoảnh khắc bước sang năm mới giờ chính Tý tức 0h ngày mùng 1 Tết. Gia chủ làm lễ khấn, sám hối với trời đất tổ tiên, mời các cụ quá cố về nhà cùng ăn tết đồng thời cầu mong sự may mắn, an lành, năm mới làm ăn phát đạt.

Lễ cúng giao thừa còn có ý nghĩa xua đi những xui xẻo, vận đen đeo bám từ năm cũ, đón năm mới sẽ tốt đẹp hơn. Cầu mong con cái mạnh khỏe, học hành đỗ đạt, công danh thăng tiến.

Chọn hướng xuất hành

Sau khi làm lễ, gia chủ thường xem ngày giờ hợp phong thủy, xem hướng xuất hành đem lại may mắn dễ làm ăn. Ngày nay thì nhiều người không còn quan trọng vấn đề này nữa.

Lễ chùa hái lộc đầu năm

Thắp hương làm lễ cúng giao thừa xong, mọi người thường rủ nhau đến đình, chùa làm lễ cầu may xin thần phật phù hộ độ trì, giải vận, cầu tài cầu lộc, cầu sức khỏe bình an. Tiếp đó nữa là rút quẻ xem năm nay tài vận thế nào.

Đi lễ đình chùa xong, trước khi ra về người ta thường hái lộc trước cửa đình chùa là những cành lá sung, sanh hoặc si vì có sức sống mãnh liệt, không bị héo khi mang về cài vào lọ hoa trên bàn thờ, với niềm tin sẽ mang lại tài lộc may mắn cho cả năm. Nhưng theo các nhà nghiên cứu phật học, việc hái cành lá mong muốn mang lộc về nhà là không hay bởi có những vong vất vưởng trên những cành cây không nơi trú ngụ, khi hái mang về có thể ám vận xui cho gia chủ.

Hương lộc

Đối với những người làm ăn buôn bán thì thay vì bẻ cành hái lộc đầu năm trong đêm giao thừa thì họ sẽ xin lộc bằng cách đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ. Sau đó mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ Công ở nhà với niềm tin sẽ được trời phật phù hộ bởi ngọn lửa tượng trưng cho sự thăng tiến, thành công.

Giao thừa là gì và những phong tục truyền thống bạn cần biết - 2

Mua muối đêm giao thừa

Các cụ có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là tục lệ truyền thống từ xưa đến nay vẫn được duy trì. Sau khi lễ chùa, mọi người hay mua túi muối nhỏ mang về nhà với ý nghĩa xua đuổi tà ma, xui xẻo, khởi đầu năm mới thuận lợi. Muối mặn thể hiện sự gắn kết tình cảm quan hệ gia đình, con cái khỏe mạnh, thuận hòa.

Theo sự lý giải của các nhà sử học, mua muối đầu năm là mua sự mặn mà về cho cả năm với mong muốn thuận lợi và bình an.

Xông đất

Xông đất ngay sau khi cúng giao thừa là tục lệ không thể thiếu của người Việt. Người xông đất là người đến chúc tết đầu tiên của gia đình có thể là ngẫu nhiên đến hoặc được gia chủ lựa chọn trước sẽ hợp tuổi hợp mệnh, giúp gia chủ năm mới làm ăn phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn.

Chúc Tết

Ngay sau khoảnh khắc đón giao thừa là lúc mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, nâng ly rượu chúc mừng năm mới, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong không khí rộn ràng nhộn nhịp khi xuân về.

Mừng tuổi

Bước sang năm mới, thêm tuổi mới, cả gia đình quây quần đêm giao thừa sau khoảnh khắc thiêng liêng ấy là phong tục mừng tuổi hay lì xì.

Theo tục lệ, người lớn sẽ mừng tuổi trẻ em bằng những đồng tiền mới hoặc cho vào phong bao giấy màu đỏ. Tiền lì xì nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là ý nghĩa câu chúc của mọi người dành cho nhau. Con cháu chúc ông bà, bố mẹ sức khỏe an khang, trường thọ. Ông bà mong con cháu mạnh khỏe, học hành thành đạt, làm ăn buôn bán gặp nhiều may mắn.

Những phong bao lì xì đỏ chót mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, mạnh khỏe, bình an và tài lộc thể hiện sự gắn kết mọi người với nhau hơn, hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn.

Hình ảnh bất ngờ của đôi bạn trẻ bán hoa bị ế đêm giao thừa khiến nhiều người suy ngẫm
Cũng gặp tình trạng hoa ế, bị ép giá nhưng đôi nam nữ trong câu chuyện này không chọn cách đập phá hoa mà lại có cách xử lý khiến nhiều người tán...
Nguyễn Quyết
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết - Yêu đi đừng sợ