Liên tiếp các vụ bạo hành, mắng chửi, thậm chí ép học sinh súc miệng bằng nước xà phòng cho thấy giáo viên nhận thức chưa rõ về các ứng xử cần thiết đối với học trò.
Theo PGS Văn Như Cương, người mà mắng chửi, mạt xát học trò như cô giáo “cung bọ cạp” không có tố chất làm giáo viên.
Còn đối với trường hợp cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng xà phòng là hành vi không thể chấp nhận được.
PGS Văn Như Cương cho rằng, người giáo viên đi dạy mà có hành vi đánh, mắng học sinh đã là không được, thậm chí bị truy tố trước pháp luật.
“Việc học sinh nói bậy, ngỗ nghịch thì cũng có nhiều lý do và việc xác định thế nào là hỗn, ngỗ nghịch đôi khi chỉ từ ý kiến chủ quan của cô giáo.
Nhà trường là nơi cấm ngặt những hình thức kỷ luật xâm phạm thể xác, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Theo tôi, cần tuyên truyền, nêu vấn đề trong toàn ngành để tránh xảy ra những trường hợp tương tự như vậy” - PGS Văn Như Cương cho biết thêm.
Ngày càng nhiều giáo viên đánh, chửi học sinh cho thấy giáo viên cũng cần phải học lại cách ứng xử với học trò.
Trước hàng loạt vụ giáo viên, bảo mẫu ngược đãi trẻ mầm non gần đây,TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cần phải trang bị cho thầy cô giáo có đủ năng lực, trình độ, nhất là quan điểm giáo dục phải rõ ràng.
Các cô giáo trong những vụ bạo hành trẻ vừa rồi là không có kĩ năng giữ trẻ. Một số cô lại không có trách nhiệm, thiếu lương tâm mới dẫn đến việc trói chân trói tay, đánh đập trẻ.
Để khắc phục tình trạng nói trên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm: “Trước tiên, phải phải đào tạo giáo viên, người giáo viên phải nhận thức được vai trò của mình đối với trẻ, có lương tâm nghề nghiệp.
Phải có kĩ năng để xử lý các tình huống mà thường xuyên xảy ra, đòi hỏi phải có hiểu biết về trẻ. Cần rà soát lại giáo viên hiện nay xem đào tạo đúng chưa, đào tạo rồi có tiếp thu được hay không. Nếu không thì sẽ vẫn còn xảy ra tình trạng bạo hành trẻ”.