Sự việc một thầy giáo tại huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) bị kiểm điểm vì bán lại khẩu trang cho học sinh cao hơn giá mua được 400đ/cái khiến nhiều giáo viên bất ngờ và xót xa.
Xót xa trước cảnh "tình ngay lý gian" của thầy giáo, một giáo viên trường THCS Phương Canh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Thầy giáo mua 130 nghìn/hộp 50 cái thì tính trung bình 1 cái giá 2.600đ/cái. Học sinh muốn mua lại để sử dụng thì thầy chia lại 3.000đ là đúng rồi.
Bây giờ thầy giáo tìm đâu ra 400đ để trả lại học sinh? Đó là chưa kể, trên thị trường họ ra bán cả thùng 50 hộp mà giá hơn 20 triệu/thùng. Tức là tính ra mỗi hộp giá gần 400 nghìn đồng một hộp.
Thật tình, đọc thông tin về thầy giáo này tôi thấy xót xa vô cùng. Cùng là đồng nghiệp với nhau sao nỡ đối xử thế? Thầy có lòng tốt để lại khẩu trang cho học sinh dùng, chứ kinh doanh, buôn bán gì với số lãi hơn 8.000 đồng? Lãi 8.000 đồng các vị lôi ra làm kỷ luật để làm gương cho ai? Chỉ khiến chúng tôi – những giáo viên thấy lãnh đạo nhà trường thực sự tuyệt tình quá.
Chưa kể đến tiền xăng xe thầy chạy từ thành phố Cà Mau về Đầm Dơi. Lãi 8000 đồng! Đó gọi là buôn bán sao?
Chỉ mong lãnh đạo trường THCS Nguyễn Huân đừng quá máy móc, không nhìn thấu đáo sự việc và cư xử thiếu tình người với chính đồng nghiệp của mình”.
Báo cáo xử lý vụ thầy giáo bán khẩu trang của trường THCS Nguyễn Huân
Cũng liên quan đến sự việc, cô Lê Thị Loan –Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục cho hay): “Xét về lý thì hành động của thầy giáo là sai vì thầy không được phép bán khẩu trang, dù là chênh lệch có vài đồng.
Bởi lẽ, nếu là kinh doanh, buôn bán thì phải có giấy phép, sản phẩm phải được kiểm định, biết đâu thầy mua khẩu trang trôi nổi, không được chứng nhận về mặt y tế. Nhất là liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người.
Nếu thầy giáo mua hộ học sinh thì lại khác, còn ở đây thầy mua 2.600 đồng mà bán với giá 3.000 đồng thì về nguyên tắc là chưa đúng”.
Cô Loan phân tích thêm, ở đây chúng ta có thể nhìn thấy lòng tốt của thầy, có thể thầy giáo nghĩ như vậy là lòng tốt đối với học trò nhưng khi phân tích sự việc chúng ta phải dựa trên đúng sai. Có thể, nhà trường quá sốt sắng với việc kiểm điểm và yêu cầu thầy giáo này rút kinh nghiệm. Về việc này nhà trường cũng không sai với vai trò là nhà quản lý nhất là trong tình hình nhạy cảm phòng dịch Covid – 19 như hiện nay.
Cũng theo cô Loan, nhà trường chỉ nên nhắc nhở nhẹ nhàng với giáo viên, không nên đẩy vấn đề đi xa quá vì thầy giáo này không có động cơ kinh doanh khẩu trang với giá cao.
Trước đó, ông N.V.T., giáo viên trường THCS Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) đã bán lại khẩu trang y tế với giá 3.000-4.000 đồng/cái cho học sinh trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
Theo báo cáo của trường THCS Nguyễn Huân về vụ việc, ngày 2/2, khi đưa con đi học ở thành phố Cà Mau về, thầy T. ghé dọc đường mua 2 hộp khẩu trang y tế, với giá 130.000 đồng/hộp (50 cái).
Trong hai ngày sau đó, thầy T. đem về bán cho học sinh với giá 3.000 đồng/cái. Có lần, con gái ông bán giá 4.000 đồng/cái do “không có tiền thối lại”. Thầy giáo này đã bán lại tổng cộng 20 cái cho học sinh. Tính ra bán hơn 20 cái khẩu trang thầy giáo này lãi được 8.600 đồng.
Điều đáng nói, việc làm của thầy T. đã bị trường THCS Nguyễn Huân thống nhất kiểm điểm và đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được tái phạm.
Trả lời VietNamNet, thầy T. cho biết: “Tôi sai thì phải nhận sai, làm kiểm điểm cũng đúng thôi. Tôi mua khẩu trang về để chia lại cho học trò, nhưng 'tình ngay lý gian', lúc đó tôi cũng không biết giá thị trường thế nào. Cấp trên bảo mình sai rồi thì sai, sao cãi được”.
Trong khi đó, sáng 2/3, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết trên Tuổi trẻ rằng ông đã nắm vụ việc và xác định thầy T. chỉ "chia" lại khẩu trang trong thời gian mặt hàng này khan hiếm. "Sở dĩ có chuyện nhà trường mời thầy T. làm việc là vì có đơn tố cáo của phụ huynh là thầy T. bán khẩu trang giá cao. Nhiệm vụ của lãnh đạo nhà trường phải làm điều đó, theo quy trình xử lý đơn tố cáo" - ông Luân nói.