Nữ lao công làm xuyên đêm mùa dịch COVID-19: Còn nhiều người vứt khẩu trang xuống đường

Ngày 01/03/2020 00:42 AM (GMT+7)

Chị Đỗ Thị Kim Hồng hằng ngày vẫn vui vẻ với công việc quét dọn đường phố suốt hơn 12 năm và còn tích cực hơn trong thời điểm cả nước đang phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Mỗi ngày, chị Đỗ Thị Kim Hồng, công nhân vệ sinh môi trường (thuộc Công Ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận Thủ Đức) cùng các thành viên trong tổ, bắt đầu ca làm vào 21 giờ và thường kết thúc vào 5 giờ sáng hôm sau ở gần khu vực chợ Thủ Đức.

Chi Hồng cho biết những ngày trước và sau Tết là thời điểm cực nhất trong năm bởi người dân tân trang nhà cửa, bà con tiểu thương cũng tăng cường buôn bán nên lượng rác thải ra rất nhiều... “Tối 30 Tết tôi làm xuyên sang sáng mùng 1. Không được ở nhà đón với gia đình cũng buồn lắm, nhưng mà nghĩ đầu năm đường phố sạch đẹp mọi người vui vẻ hơn nên tôi và anh em vẫn cố gắng", chị Hồng chia sẻ.

Nữ lao công làm xuyên đêm mùa dịch COVID-19: Còn nhiều người vứt khẩu trang xuống đường - 1

Công việc của chị Hồng bắt đầu khi đường phố dần thưa xe cộ

Công việc với khung giờ làm cố định đặc biệt như vậy thường sẽ gây ra nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình, nhất là đối với chị em phụ nữ như chị Hồng. Nhưng hơn 10 năm trong nghề, chỉ bảo “cũng quen rồi” nên không sao.

Chị vui vẻ chia sẻ: “Nhiều người mới vào làm không chịu được giờ giấc, khói bụi nên khó trụ lắm. Tôi thì những hôm nghỉ cũng còn quen giấc, cứ tới giờ là thức, qua giờ làm hàng ngày mới ngủ lại được”. Công việc cứ theo nhịp sống chung của thành phố, nên đôi khi dừng làm vài hôm chị bảo vừa thấy buồn tay, vừa thấy nhớ đường và đồng nghiệp.

Nữ lao công làm xuyên đêm mùa dịch COVID-19: Còn nhiều người vứt khẩu trang xuống đường - 2

Nữ lao công làm xuyên đêm mùa dịch COVID-19: Còn nhiều người vứt khẩu trang xuống đường - 3

Chị Hồng và Chị Ngân cùng tổ, trở lại công việc sau khi giải lao lúc 0h00

Tâm sự với chúng tôi, chị Hồng cho biết, làm công việc này chị chứng kiến nhiều chuyện buồn hơn là vui. Những rủi ro trong lúc lao động đa phần đến từ giao thông lúc về sáng, lúc làm cũng phải hết sức chú ý đến an toàn, nhưng cứ nhìn trước ngó sau hoài thì cũng khó hoàn thành việc được tốt.

Chị kể mình đã có nhiều năm cộng tác với Đội 911 tại Quận Thủ Đức (Đội cứu nạn giao thông tình nguyện) giúp người bị nạn trong đêm, đó cũng là một phần niềm vui trong công việc. “Có người thì hỏng xe, có người thì gặp tai nạn, cũng có người say xỉn ngủ quên ngoài đường. Tôi giúp được chút nào thấy vui chút đó thôi, mấy tháng nay thì tình trạng này có vẻ giảm nhiều.” chị nói thêm.

Nữ lao công làm xuyên đêm mùa dịch COVID-19: Còn nhiều người vứt khẩu trang xuống đường - 4

Nguy hiểm trong công việc thường đến từ vấn đề giao thông

Về môi trường đô thị những năm gần đây, chị Hồng cho biết người dân trong khu vực chị làm việc đã ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh chung của thành phố. "Những người bán hàng tự giác đặt các thùng rác ở bên cạnh để gom rác nên cũng giúp chúng tôi đỡ vất vả hơn trước nhiều. Thế nhưng, cũng có một bộ phận người dân, đặc biệt là người đi đường vẫn thường xuyên tiện tay ném rác xuống lòng đường", chị Hồng nói.

Nữ lao công làm xuyên đêm mùa dịch COVID-19: Còn nhiều người vứt khẩu trang xuống đường - 5

Theo chị Hồng, mọi người cần nâng cao ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường hơn, nhất là trong mùa dịch COVID-19

Trong mùa dịch COVID-19, chị Hồng cùng các đồng nghiệp cũng bận rộn hơn để giữ gìn môi trường sạch sẽ, thông thoáng, giúp mọi người tại khu vực chợ Thủ Đức cùng phòng bệnh. Thế nhưng, hằng ngày, chị vẫn thấy nhiều người vãng lai vứt bừa khẩu trang ra đường.

“Tôi xem báo thấy Bộ Y tế khuyến cáo người dân bỏ khẩu trang đúng nơi quy định, nhưng mỗi khi làm việc, vẫn thấy khẩu trang rải rác ngoài phố. Tôi nghĩ người dân nên có ý thức hợp tác hơn trong những thời điểm như vậy".

Nữ lao công làm xuyên đêm mùa dịch COVID-19: Còn nhiều người vứt khẩu trang xuống đường - 6

Nữ lao công làm xuyên đêm mùa dịch COVID-19: Còn nhiều người vứt khẩu trang xuống đường - 7

Vẫn còn những gia đình như của chị Hồng luôn sẵn sàng làm công việc kén người vì lợi ích chung của xã hội

Được biết, hiện con trai chị Hồng cũng làm công việc này và làm cùng đơn vị với chị. Chị tâm sự: “Nhiều lúc nghĩ việc không ai muốn làm thì mình làm, thấy nó cũng cao quý lắm. Con trai tôi cũng rất vui vẻ giới thiệu với bạn bè về công việc này. Tôi thấy rất tự hào về công việc của mình khi có thể giúp ích được cho nhiều người xung quanh như vậy”.

Khách sạn giảm giá đến 70% vẫn vắng khách, nhân viên được cho nghỉ về quê chờ hết dịch
Cho nhân viên nghỉ việc, quản lý bất lực trước hậu quả dịch bệnh gây nên là tình trạng chung của các khách sạn tại Việt Nam hiện nay.
T.A.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h