Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có

Ngày 20/05/2020 09:30 AM (GMT+7)

Tại Hà Nội hiện vẫn còn lưu giữ 1 số giếng cổ, có những giếng chỉ mang tính chất tín ngưỡng, văn hóa gắn với khu dân cư; cũng có những giếng đến nay vẫn cung cấp nước cho người dân sử dụng.

Giếng nước làng nơi các mẹ mới sinh mất sữa ra xin

Người dân gốc ở làng Trung Kính Thượng (tổ 11, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) hầu hết đều biết chiếc giếng cổ nghìn năm ở nơi đây. Nó nằm ngay sát mép đường, hiện đã được người dân trùng tu làm rào chắn, mái che kiên cố.

Theo các cụ cao niên trong làng, giếng nước này là nơi cung cấp nước cho cả 1 làng mà không bao giờ hết nước. Kể từ khi sông Tô Lịch được cải tạo, lòng sông vét sâu hơn đáy giếng thì mới bị mất nước.

Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có - 1

Khuôn viên giếng cổ được người dân phục dựng để bảo vệ.

Ông Phan Đăng Liêm (68 tuổi - là tổ trưởng dân phố và là người sinh ra và lớn lên tại làng) cho biết giếng nước này cạn chưa lâu bởi thế hệ các ông vẫn dùng giếng nước làng này. Ngoài cung cấp nước cho dân làng, giếng nước cổ có từ lâu đời này còn được người dân lập ban thờ “thần giếng”. Ông Liêm cho biết, giếng nước này gắn với tục xin sữa rất hiệu nghiệm.

Theo lời kể của ông Liêm, nếu người phụ nữ sau khi sinh nở bị mất sữa, họ ra xin thần giếng rồi ngắt hai cành cây sữa ở bên cạnh, gánh nước mang về rồi treo ở đầu giường thì ngay lập tức sẽ có sữa cho con bú.

Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có - 2

Miệng giếng cổ vẫn giữ được nét cổ xưa vốn có.

Giờ đây dù tục xin sữa không còn nữa, cây vú sữa cũng đã già cỗi đã chết đi nhiều năm nay. Giếng nước cũng đã cạn chỉ còn là nơi trưng bày, lưu giữ văn hóa làng xã, vì thế những người cao niên trong làng vô cùng tiếc nuối vì không giữ được tục xin sữa này.

Cụ Nguyễn Bá Toàn (86 tuổi, một cao niên trong làng) cho biết tục xin sữa ở giếng cổ của làng là có thật. Theo cụ Toàn, chiếc giếng cổ này đã có từ rất lâu, theo gia phả lập làng giếng này phải trải qua hàng nghìn năm tuổi. “Theo gia phả còn chép lại, làng Kính Chủ xưa (nay là Trung Kính Thượng) được đặt tên từ thời Hùng Vương thứ 18. Nếu cứ theo thông lệ, lập làng - khơi giếng thì chiếc giếng này phải có từ thời đó”, cụ Toàn chia sẻ.

Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có - 3

Cụ Toàn cho biết, giếng nước cổ đã có hàng nghìn năm.

Cụ Toàn cũng cho biết, thứ quý giá nhất của giếng cổ còn giữ được lại đó là khối đá nguyên tảng trên thành giếng. Ở đó có mấy chục đường rãnh được tạo nên, đó là do dây kéo lấy nước qua thời gian làm mòn đá , có những rãnh để lọt cả ngón tay.

Ngoài ra, dưới giếng cổ còn được xây dựng rất độc đáo. Đó là những chiếc cối đá được xếp chồng lên nhau tạo nên khối vững chắc. Khối đá này vừa bảo vệ giếng, vừa giúp mọi người lên xuống giếng để thau rửa, khơi thông dễ dàng hơn.

Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có - 2

Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có - 5

Những vết tích cổ xưa bên giếng cổ ở Trung Kính Thượng.

Nên duyên vợ chồng nhờ giếng nước làng

Ngoài chiếc giếng cổ nghìn năm tuổi đã nói ở trên, tại làng Trung Kính vẫn còn 1 chiếc giếng khác cũng nổi tiếng không kém. Nơi đây cũng được người dân lập miếu thờ thần giếng. Đặc biệt, giếng nước này hàng ngày vẫn cung cấp nước cho người dân ở khắp một vùng.

Khuôn viên giếng sạch sẽ, được trồng cây xanh mát mẻ xung quanh. Nước giếng trong xanh, mát lành và là nơi tập trung của người dân vào mỗi buổi sáng - chiều.

Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có - 6

Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có - 7

Nhiều người dân hàng ngày vẫn ra sinh hoạt bên giếng nước làng.

Theo lời kể của người dân bản địa, giếng nước này đã có từ lâu, nếu tính tuổi cũng lên đến vài trăm năm. Điều đặc biệt là dù các giếng khơi, giếng đất ở quanh khu vực đều mất nước vì đô thị hóa, nhưng giếng nước này chưa bao giờ cạn.

“Có khoảng chục gia đình bơm nước về nhà sử dụng. Mỗi khi mất nước cả mấy làng kéo xe mang thùng đến đây lấy nước về dùng, thế mà không bao giờ giếng cạn”, bà Trần Thị Liệu - 65 tuổi, là người dân địa phương cho biết.

Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có - 8

Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có - 9

Giếng nước chưa bao giờ cạn, là nơi cung cấp nước cho nhiều gia đình.

Gia đình bà Liệu dù có nước máy nhưng hàng ngày vẫn ra giếng nước giặt quần áo, rửa rau… Người phụ nữ này chia sẻ, với những người sống nhiều đời ở đây, giếng làng như ngôi nhà thứ 2 của mình, không ra thì rất nhớ. Thậm chí, có những người nên duyên vợ chồng bên chiếc giếng làng này.

“Đó là hai vợ chồng đứa cháu tôi, nó đã lên duyên vợ chồng từ chiếc giếng cổ này. Hồi trước có bà trong xóm hay ra giếng lấy nước để dùng, hàng ngày cháu gái tôi cũng ra rửa bát, giặt đồ đạc. Rồi chồng nó bây giờ cũng hay ra mổ con gà, con vịt… chính sự gần gũi hàng ngày đó hai đứa đã bén duyên rồi nên vợ nên chồng. Bây giờ gặp tôi vẫn cứ nói rằng nhờ có cái giếng này mới lấy được nhau”, bà Liệu cười nói.

Giữa Hà Nội có một giếng cổ nghìn năm, bà đẻ bị mất sữa ra xin là có - 10

Bà Liễu cho biết giếng nước là nơi sinh hoạt văn hóa tập thể, có những người còn nên duyên vợ chồng.

Giờ đây, khi xã hội phát triển, bóng dáng những chiếc giếng làng xưa kia dần dần bị lãng quên. Thế nhưng, với những thế hệ sinh ra từ làng, được nuôi sống từ mạch nước giếng khơi, dù đi bất cứ nơi đâu, ở trong hoàn cảnh nào, hẳn sẽ không bao giờ quên cây đa giếng nước sân đình..., không bao giờ quên quê hương nguồn cội.

Chuyện về giếng nước cổ kỳ lạ, trai gái còn trinh mới được lấy nước đêm giao thừa
Đó là câu chuyện có thật tại giếng cổ làng Phú Diễn xưa, nay giếng vẫn còn nhưng chỉ là biểu tượng tâm linh của người dân địa phương nơi đây.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức Hà Nội