Dù có thể mở mắt nhìn xung quanh nhưng bé Vũ Anh không còn khả năng nhận thức, nằm bất động một chỗ và “sống” nhờ đường ống dẫn.
Tại phòng bệnh số 14, khoa Ngoại chỉnh hình, Bệnh viện (BV) Phục hồi Chức năng (Q.8, TP.HCM), cô Phạm Thị Được (55 tuổi, Ninh Thuận) đang cặm cụi dọn đồ để chuẩn bị đưa con gái – bé Vũ Anh (12 tuổi) sang BV Chợ Rẫy tiếp tục phẫu thuật ghép não.
Phận đời đắng cay của người đàn bà goá
Khi cha mẹ mất, cô Được nguyện ở vậy để chăm sóc người chị gái ruột mắc bệnh tâm thần. Bởi vậy, duyên đến nhưng cô không đón nhận tình cảm của bất cứ ai.
Năm 30 tuổi, cô tình cờ gặp một người đàn ông thấu hiểu được hoàn cảnh của mình. Sau thời gian ở bên, họ dọn về sống chung, cùng nhau chăm lo cho chị gái.
13 năm sau, cô Được mang thai đứa con đầu lòng. Quãng ngày ấy, hai vợ chồng cô mong ngóng từng ngày con chào đời. Thậm chí, họ đã chuẩn bị đồ dùng sơ sinh và dự định đặt tên cho con.
Cô Được buồn tủi khi nhìn đứa con gái bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não...
Ngờ đâu, cô đang mang thai ở tháng thứ 5 thì chồng bị xuất huyết não không qua khỏi. Cô Được nhớ lại: “Năm 2005, ông xã sốt nhẹ rồi biến chứng thành xuất huyết não nhưng hồi đó gia đình không đủ kinh phí để chữa trị. Cầm cự được thời gian thì ông ấy qua đời, bỏ lại tôi và đứa con trong bụng”.
Mất đi người đàn ông trụ cột gia đình, cô Được cố giấu đau đớn, gắng gượng đi bán vé số, kiếm tiền chuẩn bị sinh con. Với cô, đứa bé trong bụng chính là niềm hy vọng duy nhất để sống tiếp.
4 tháng sau, người đàn bà goá đau bụng trở dạ và hạ sinh một bé gái đáng yêu. Giây phút ấy, cô Được vỡ òa hạnh phúc và thầm hứa với người chồng quá cố sẽ nuôi dạy con lớn khôn, trưởng thành.
Dường như con gái thấu hiểu được bao vất vả, cơ cực mà mẹ phải trải qua nên bé rất ngoan ngoãn, chăm học và biết yêu thương mẹ. Ngoài giờ học, bé thường xin mẹ cho đi phụ giúp bán vé số.
Ngày bé Vũ Anh chưa gặp tai nạn
Tưởng chừng cuộc sống của hai mẹ con cô Được và người chị tâm thần cứ êm đềm trôi qua. Ngờ đâu, trong một lần đi học thêm để chuẩn bị lên lớp 8, bé Vũ Anh bị xe tông gãy chân, chấn thương sọ não.
Chưa biết bao giờ con mới phục hồi
Bé Vũ Anh điều trị tại BV tỉnh hơn 2 tháng rồi được đưa lên BV Chợ Rẫy mổ cấp cứu. Tuy nhiên, bé không còn khả năng nhận thức, lúc tỉnh lúc mê và thường xuyên bị co giật khiến chân tay co rút lại.
Con bé sinh ra đã mồ côi cha, giờ tai họa đến trở thành người…thực vật. Tôi phải sống sao khi không biết lúc nào con mới phục hồi?
- Eva.vn
”Sau đó, các bác sĩ đã chuyển bé qua BV Phụ hồi Chức năng để tiếp tục điều trị. Cô Được xót xa: “Con bé qua đây đã nửa tháng nhưng bệnh vẫn vậy. Nó phải ăn uống, đi đại tiểu tiện nhờ đường ống dẫn. Giờ, hai chân của con bé dần bị co rút lại, đùi trái còn sưng to.
Tôi cũng chẳng biết phải làm sao nữa. Bác sĩ nói nó quá nhỏ tuổi không thể phẫu thuật được nên sẽ đưa lại BV Chợ Rẫy và chưa biết bao giờ mới phục hồi”.
Suốt câu chuyện kể về hoàn cảnh quá bi thương của mình, đôi mắt cô Được cứ ngân ngấn nước. Cô bảo những ngày qua đã khóc rất nhiều vì thương con. Thậm chí, cô như bị kiệt sức và không thể đứng lên nổi mà bước đi.
Mỗi lần thấy con gái nằm mở mắt ngơ ngác nhìn xung quanh và ăn bằng ống dẫn truyền là hai hàng nước mắt cứ tuôn chảy khiến cô không kìm nổi lòng mình. Có lẽ, tình mẫu tử của người mẹ với đứa con gái bé bỏng nay chỉ là nỗi đau đớn tột cùng - những giọt nước mắt chứa đầy xót thương.
Hai chân của bé dần bị co rút lại, đùi trái còn sưng to
Cô Được cho biết, gia đình người tông xe chỉ lo viện phí và thuốc men cho bé Vũ Anh. Mọi chi phí khác như: tã lót, tiền ăn uống,…cô phải tự tay lo nhưng tiền không đủ. Hầu hết những ngày ở viện, cô phải đi xin cơm từ thiện về ăn hoặc nhịn đói. Đặc biệt, từ ngày vào viện chăm con gái, cô phải đưa người chị gái đến BV tâm thần nhờ họ chăm sóc.
“Mấy tháng nay, tôi không rõ chị ấy sống trong viện tâm thần có tốt không? Tôi chỉ mong con sớm khỏe lại rồi về đón chị về nhà đoàn tụ”, cô Được buồn rầu.
Từ ngày Vũ Anh gặp tai nạn, “nguồn sống” của người mẹ già chẳng còn, thậm chí mong manh như que diêm đứng trước gió. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn hy vọng phép màu diệu kỳ đến và đưa bé trở lại với cuộc sống đời thường.