Các chuyên gia chia sẻ: Đối với những người bị ung thư hoặc điều trị các bệnh về nội khoa, đây là một giải pháp nhân văn để giúp họ yên tâm điều trị bệnh mà vẫn có thể thực hiện được thiên chức làm cha, làm mẹ của mình.
Bảo tồn tinh trùng ngay khi chớm mắc quai bị
BS nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Chuyên khoa nam học và Hiếm muộn Hà nội cho biết, bà có tiếp nhận một nữ bệnh nhân trên 50 tuổi, trước đó gia đình đã có đủ con trai, con gái nhưng không may người con trai 22 tuổi bị tai nạn tàu hỏa đã qua đời. Gia đình lúc này muốn sinh thêm con nhưng bà mẹ không còn trứng trong khi người chồng vẫn hoàn toàn có thể sinh con bình thường. Gần một năm nay, cả gia đình vẫn đang phải xin trứng ở nhiều nơi nhưng chưa thành công.
Trường hợp trên là một trong rất nhiều những người vì một hoàn cảnh nào đó, mong muốn có thêm con nhưng tuổi đã cao, việc sinh sản tự nhiên không thuận lợi. Bên cạnh đó, có nhiều người vì hoàn cảnh bệnh tật, tai nạn cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh sản. “Trong những lần khám, tôi thấy có nhiều trường hợp bị quai bị rất là thương. Có những bạn mới chỉ 20 tuổi nhưng do đã mắc quai bị nên bị tổn thương không hồi phục, không thể có con bằng chính tinh trùng của mình được”, BS Thu Hiền chia sẻ.
Khó khăn của người mẹ hơn 50 tuổi có thể được hóa giải dễ dàng nếu có nguồn dự trữ trứng của người mẹ. Và khó khăn của những chàng trai không may mắc quai bị biến chứng cũng có thể được hóa giải nếu đến ngay bệnh viện vào thời điểm chớm mắc bệnh. Việc bảo tồn sinh sản nên tiến hành khi người đó có điều kiện, còn khỏe mạnh, thậm chí khi mới bắt đầu bị quai bị có thể đến ngay bệnh viện để kiểm tra. nếu như lúc đó tinh trùng còn tốt thì mình tiến hành giữ lại để có thể lấy tinh trùng đó hỗ trợ sinh sản cho vợ của mình sau này.
BS Thu Hiền đang thực hiện một ca chuyển phôi tại bệnh viện (ảnh do bệnh viện cung cấp).
BS Hiền cho biết, hiện nay Bệnh viện đang tiến hành các hoạt động giúp mọi người bảo tồn sinh sản bằng các phương pháp đông lạnh tinh trùng, mô tinh hoàn (đối với nam giới) và đông lạnh noãn, phôi, trứng (đối với nữ giới). nếu trữ được trứng hoặc phôi từ trước tuổi 25 hoặc trước 30 tuổi thì chất lượng sẽ tốt hơn nhiều mà không ảnh hưởng tới chất lượng buồng trứng. Đặc biệt, đối với những người bị ung thư hoặc đang phải điều trị các bệnh nội khoa, cần lưu trữ trứng, tinh trùng trước khi điều trị để tránh chất lượng trứng và tinh trùng bị tổn thương khi phải làm hóa trị, xạ trị. Sau khi hoàn tất các kỹ thuật để lấy được trứng, các kỹ thuật viên đưa trứng vào trữ đông và khi cần sử dụng thì đem rã đông và thụ tinh trong ống nghiệm như thông thường. Theo BS Hiền, thời hạn sử dụng của trứng được bảo quản có thể kéo dài trong khoảng 10 năm.
Dự trữ trứng để phòng ngừa vô sinh
Theo GS.TS nguyễn Đình Tảo, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ phôi (Học viện Quân y), đã có những phụ nữ quyết định dự trữ trứng tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản để bảo vệ thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, số người quyết định dự trữ trứng chưa nhiều do chi phí khá đắt. Giá tại một bệnh viện tư ở Hà nội riêng chọc hút trứng đã gần 10 triệu đồng/ca, chi phí lưu trữ lên tới hàng chục triệu đồng.
Nhân văn nhất của việc lưu trữ trứng chính là với những người phụ nữ bị ung thư. Họ có thể yên tâm điều trị bệnh tật mà vẫn có thể thực hiện thiên chức làm mẹ của mình với những đứa con khỏe mạnh. Với những người chưa lập gia đình hay đang trong độ tuổi sinh sản, quá trình điều trị ung thư và các bệnh hiểm nghèo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thiên chức làm mẹ trong tương lai. Chẳng hạn như bạn bị ung thư phụ khoa và cần phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u ở buồng trứng, tử cung hay ống dẫn trứng, hoặc khi tiêu diệt tế bào ung thư, liệu trình xạ trị và hóa trị có thể làm tổn thương trứng và các tế bào khỏe mạnh trong bộ máy sinh sản. Chưa kể đến việc quá trình xạ trị có thể dẫn đến hiện tượng mãn kinh sớm. Vì vậy, các bác sĩ thường cân nhắc áp dụng các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản tùy thuộc theo liệu trình điều trị, tuổi tác và điều kiện sức khỏe của từng bệnh nhân.
GS nguyễn Đình Tảo cho biết, hiện những người có nhu cầu dự trữ trứng phần lớn là người có bệnh lý cần điều trị hóa chất, cần gửi trứng trước điều trị để tránh tổn thương thế hệ tương lai sau quá trình điều trị dài. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo, riêng bệnh nhân điều trị tuyến giáp thì không thể thực hiện, do quá trình lấy trứng trữ đông phải tiêm kích trứng, việc này sẽ đồng thời kích cả khối u tuyến giáp to lên.
Bên cạnh những người dự trữ trứng vì phải điều trị bệnh tật, có những người dự trữ trứng vì lo ngại cho khả năng vô sinh trong tương lai. Việc đông lạnh trứng, lưu trữ trứng được lựa chọn để sau đó người phụ nữ có thể mang thai muộn nhưng chất lượng của trứng có thể được đảm bảo không bị thoái hóa, bảo tồn chất lượng sinh sản. Trong thời gian gần đây, nhiều phụ nữ hiện đại thường tập trung phát triển sự nghiệp, đôi khi trì hoãn việc sinh con trong độ tuổi sinh sản đẹp nhất từ 25 – 30 tuổi. Có những người có công việc ổn định, họ dự định 36 – 37 tuổi mới có con và đã trữ trứng khi còn trẻ để sau này lập gia đình có thể sẽ dùng đến trong trường hợp khó mang thai tự nhiên.
Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng tại Việt nam. Hiện nước ta có 7,7% cặp vợ chồng bị vô sinh, tương đương với hơn một triệu cặp vợ chồng. BS Lê Thị Thu Hiền cho rằng, nhiều cặp vợ chồng còn thiếu thông tin, kiến thức về nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Có những cặp vợ chồng sau khi kết hôn, sự hiểu biết về sinh sản chưa được nhiều, có khi đến gặp bác sĩ được tư vấn, kiểm tra sơ bộ, hướng dẫn thời gian, thời điểm gần gũi là đã tăng khả năng thụ thai cao. nhiều cặp vợ chồng lo lắng đi khám tốn kém mà đã bỏ qua thời điểm có thai tốt nhất. Vì vậy, theo BS Hiền, các bạn không nên quá lo lắng về kinh phí, có những đợt khám tư vấn miễn phí không nên bỏ qua, có nhiều trường hợp sau khi được tư vấn đã có thai tự nhiên hoặc có được quyết định đúng đắn để có thể thực hiện được thiên chức làm cha, làm mẹ của mình.
Một cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà 6 tháng (với người dưới 30 tuổi) hoặc 12 tháng (với người trên 30 tuổi) chưa có thai thì được coi là hiếm muộn. Thực tế có đôi sau 2 - 3 năm mới đi khám, có cặp mới lấy nhau 3 - 4 tháng chưa thấy có thai đã sợ vô sinh. Các cặp đôi nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn để có thể mang thai tự nhiên hoặc hỗ trợ sinh sản ngay khi chưa quá muộn. |