Đó là thông tin được TS Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 8/9.
Theo đó, ông Hạnh cho biết, tính đến ngày 6/9 vừa qua, toàn thành phố đã có 1.537 trường hợp mắc sốt xuất huyết ở 29/30 quận, huyện, đứng thứ sáu trên toàn quốc, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các quận, huyện có nhiều người mắc sốt xuất huyết gồm Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoài Đức.
Trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, ông Hạnh thông tin thêm: “Về kinh phí cho phòng chống sốt xuất huyết, mỗi năm thành phố dành 6 đến 9 tỷ đồng cho công tác này. Tuy nhiên với tình hình dịch diễn tiến như năm nay, Sở Tài Chính đã đồng ý cấp thêm kinh phí dự trù”.
Theo ông Hạnh, trong 4 tháng cuối năm, tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nóng bức, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
TS Hoàng Đức Hạnh thông tin về tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.
Để phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, tới đây Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tổ chức phun hóa chất triệt để ổ dịch; đồng thời triển khai chiến dịch phun hóa chất tại các vùng có nguy cơ cao với sự tham gia vào cuộc của các ngành nhằm vận động tất cả các hộ gia đình trong khu vực phun hóa chất tiêu diệt muỗi mang mầm bệnh với tỷ lệ cao và hiệu quả.
"Bình thường nếu ở nhiệt độ 26 độ, từ trứng muỗi nở thành bọ gậy mất 16 ngày, nhưng nếu nhiệt độ từ 32-35 độ C, chu trình này chỉ mất 4 ngày, sau đó thêm 2 ngày nữa bọ gậy thành muỗi trưởng thành và có thể sống suốt 30 ngày sau đó", ông Hạnh phân tích.
Cuối cùng, ông Hạnh lưu ý sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền, chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu. Ổ bọ gậy là nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước như chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can... tại các hộ gia đình.
Do vậy, người dân cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, dọn bụi rậm, tích cực phối hợp với ngành Y tế thực hiện các biện pháp phun hóa chất diệt muỗi, ngăn chặn nguồn lây bệnh.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên khi đã phát triển thành dịch, việc điều trị là vô cùng khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Thể bệnh nhẹ: (thường là thể sốt dengue, chủ yếu bị ở người lớn, khu vực thành thị, những nơi mật độ dân số cao, ít khi dẫn đến tử vong). - Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.- Có thể có nổi mẩn, phát ban. Thể bệnh nặng: (thường là thể sốt xuất huyết dengue, chủ yếu bị ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao (30 – 40%) Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết - Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy: Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. + Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. + Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt loăng quăng/bọ gậy. + Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. + Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. + Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông. - Phòng chống muỗi đốt: + Mặc quần áo dài tay. + Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày. + Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, vợt điện diệt muỗi, kem đuổi muỗi.. + Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. + Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. - Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết. |