Khi các bé đang bơi thuyền vịt ở hồ, không may thuyền bị lật khuyến 2 bé gái đuối nước tử vong.
Sự việc trên xảy ra tại vào tối ngày 14/10 tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Một số người dân cho biết vào thời điểm trên 2 bé gái bơi thuyền vịt nhưng không may bị lật. Khi phát hiện ra sự việc, nhiều người đã lao ra ứng cứu nhưng đã bất thành.
Sáng 15/10, lãnh đạo UBND xã Lại Yên xác nhận thông tin trên và cho biết ngay sau khi nhận được thông tin lực lượng chức năng lặn xuống hồ tìm kiếm và đã vớt được cả 2 nạn nhân. Nạn nhân được xác định một cháu 7 tuổi và một cháu 4 tuổi. Cả 2 là chị em họ hàng với nhau.
Khi thi thể 2 cháu bé xấu số được đưa lên bờ, nhiều người thân đau xót gào khóc tại hiện trường. Lực lượng công an sau đó cũng đã có mặt điều tra làm rõ nguyên nhân.
Nơi phát hiện hai cháu bé tử vong.
Được biết, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng trên 3.000 ca tử vong do đuối nước được ghi nhận mỗi năm.
Đáng lưu ý, trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Thời gian vàng để cứu sống trẻ bị đuối nước chính là lúc sơ cứu trẻ. Vậy mà trong dân gian vẫn còn tồn tại những cách sơ cứu sai lầm khiến trẻ bớt đi cơ hội sống
Ths.BS Phạm Ngọc Toàn – Khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi Trung ương) cho biết, thực tế cho thấy rất nhiều trẻ bị đuối nước khi được vớt lên bờ người lớn thường dốc ngược hoặc vác, chạy nhằm cho nước ra ngoài... Tuy nhiên, đó là cách sơ cứu hoàn toàn sai lầm. Khi trẻ bị đuối nước, BS Toàn khuyên người dân cần phải làm theo các bước sau:
Bước 1: Đưa nạn nhân ra khỏi nước. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
Bước 2: Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Gọi hỏi nạn nhân xem còn tỉnh táo hay không. Đồng thời, gọi người đến hỗ trợ cấp cứu.
Bước 3: Bắt mạch nạn nhân ở tay, cổ hoặc bẹn của nạn nhân, kiểm tra bệnh nhân còn thở hay không bằng cách áp tai vào miệng và quan sát lồng ngực..
Bước 4: Dùng 2 tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.
Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Bước 5: Tiếp tục bắt mạch, nếu nạn nhân tỉnh lại, cho nạn nhân nằm nghiêng để đẩy nước và dị vật còn sót ra ngoài, sau đố chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cấp cứu. Trường hợp nạn nhân chưa tỉnh, tiếp tục thực hiện các biện pháp hà hơi, ép tim ngoài lồng ngực trong lúc chờ các cán bộ y tế tới.