Hà Nội: Học sinh đánh vật với 'tiết 0'

Ngày 18/03/2015 14:23 PM (GMT+7)

Thức dậy từ lúc gà gáy, chuẩn bị mọi thứ để đi học, có khi vội vã mà chưa kịp ăn sáng để kịp giờ học lúc 6h30… Đây là hình ảnh quen thuộc của học sinh lớp 9 của một số trường THCS ở Hà Nội đang áp dụng “tiết 0”.

Đảo lộn mọi sinh hoạt

 

Chương trình học “tiết 0” được một số trường THCS công lập, nhất là ở các quận nội thành Hà Nội triển khai từ tháng 3 vừa qua, để bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh khối lớp 9 đạt kết quả tốt trong kỳ thi vào lớp 10 THPT diễn ra vào tháng 6 tới. Đáng chú ý, các trường này đều bắt buộc 100% học sinh phải tham gia. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần thực hiện, chất lượng học tập chưa biết đến đâu nhưng phụ huynh cảm thấy chán nản, còn học sinh thì mệt mỏi bởi mỗi ngày phải đến lớp từ sáng sớm.

Có con học lớp 9 tại một trường THCS tại quận Hai Bà Trưng, phụ huynh Nguyễn Hải cho biết: “Tôi đã phải đóng hơn 2 triệu đồng/3 tháng tiền học “tiết 0” của con vì nhà trường bắt buộc. Con tham gia tiết học này khiến cuộc sống gia đình đều đảo lộn hết cả. Mỗi ngày tôi đều phải dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị bữa sáng cho con, đồng thời gọi con dậy vệ sinh cá nhân, ăn uống…

Dù biết con vẫn còn thèm ngủ nhưng vẫn phải cố để cho con tỉnh táo, ăn uống thật nhanh, đạp xe đi học cho kịp 6h30. Bữa trưa tôi phải nấu sớm một chút để con tan học về kịp ăn, tranh thủ ngủ một lát rồi chiều lại đi học tiếp ở trường. Thời gian này, vợ chồng tôi phải dành nhiều thời gian cho con. Thấy con mệt mỏi, nên ngoài việc học, hầu như không bắt con làm việc nhà nào khác”.

Em N.T.T (học sinh lớp 9, Trường THCS Hai Bà Trưng) cho biết: “Khối lớp 9 của trường em vào học lúc 6h35 nên sáng nào em cũng phải dậy sớm từ lúc 5h30. Vì nhà ở xa trường nên em phải đạp xe thật nhanh để kịp vào giờ học. Buồn ngủ mà chúng em vẫn phải căng mắt ra để ôn tập tiết sớm, có hôm học xong tiết đầu mới đi ăn sáng. Thời gian này luôn cảm thấy thiếu ngủ. Nhiều bạn trong lớp cứ đến giờ ra chơi là tranh thủ ngủ tại bàn học”.

Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, để vào học “tiết 0” từ lúc 6h30 hoặc 6h35, học sinh khối lớp 9 của một số trường sẽ phải thức dậy lúc 5h30, thậm chí là 5h sáng (tùy khoảng cách từ nhà tới trường) mới kịp vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đến trường. Buổi trưa, các em tan học khoảng 12h - 12h15 về nhà ăn cơm. Nghỉ đến 13h15 lại tức tốc đạp xe đến trường để học thêm (bắt buộc) lúc 13h45. Buổi tối, các em làm bài tập, ôn tập các môn Văn, Toán... Đó còn chưa kể, nhiều em còn học thêm ngoài trường vào các buổi tối hoặc học kèm với gia sư.

Học "tiết 0" để làm gì?

Hà Nội: Học sinh đánh vật với tiết 0 - 1

Học sinh khối lớp 9, Trường THCS Hai Bà Trưng bắt đầu giờ học từ lúc 6h35. Ảnh: Q.A

Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, một số giáo viên tham gia dạy “tiết 0” đều than về sự mệt mỏi, vì thay đổi sinh hoạt gia đình... Tham gia dạy “tiết 0” là giáo viên các môn liên quan đến kỳ thi vào lớp 10 THPT như Văn, Toán. Các giáo viên được phân công dạy theo lớp và môn học, trung bình 3 “tiết 0”/tuần.

Nhiều năm quản lí ở trường công lập, NGƯT Đặng Đình Đại cho biết, vài năm gần đây, “tiết 0” đã được áp dụng ở một số trường THCS. Tiết học này thường bắt đầu từ 6h hay 6h30 sáng. Xuất phát từ mong muốn của phụ huynh, nhà trường muốn học sinh tăng tốc học tập để có kết quả tốt trong kỳ thi vào lớp 10. Tiết học từ sáng sớm này chủ yếu là để kiểm tra bài vở, chuẩn bị trước cho buổi học ngày hôm đó.

Cũng theo NGƯT Đặng Đình Đại, nếu học sinh có học lực yếu, trung bình thì đây là cơ hội để các em nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, không nên áp dụng đối với các học sinh có học lực giỏi vì tiết học này không cần thiết. Ngoài ra, không nên áp dụng ở các trường tổ chức học 2 buổi/ngày, cũng không nên thu tiền của phụ huynh học sinh để phục vụ hoạt động này. Chắc chắn cũng không mấy giáo viên thích dạy “tiết 0” vì phải dậy sớm, trong khi đa phần đều có gia đình, con nhỏ.

“Phụ huynh cũng không nên quá áp lực mà tạo ra căng thẳng, mệt mỏi đối với con cái. Thời gian này chỉ có thể giúp các em học lực từ yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá, từ khá lên giỏi, chứ không thể từ trung bình mà lên giỏi được. Do đó, việc chọn trường để thi vào lớp 10 cần cân nhắc, lựa chọn theo năng lực thực tế của con em mình. Chọn trường vừa sức với khả năng học tập của con. Yêu cầu con học nhiều, học quá sức sẽ gây căng thẳng, mệt mỏi cho các con mà lại không hiệu quả”, NGƯT Đặng Đình Đại chia sẻ thêm.

“Tiết 0” - một cách dạy và học đang được áp dụng tại một số trường THCS công lập cho học sinh lớp 9 - cho thấy sự căng thẳng, thực trạng học cốt chỉ đi thi... đã phổ biến trong nhà trường hiện nay. Phải chăng học sinh chỉ là những cỗ máy học ép, chín ép để “chạy” theo thành tích của nhà trường và sự kỳ vọng thái quá của phụ huynh?

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2015-2016, đảm bảo 100% học sinh đã tốt nghiệp THCS có nhu cầu được tiếp tục đi học. Tuy nhiên, tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập vẫn tổ chức theo hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Theo số liệu của Sở, năm học tới, số học sinh dự tuyển vào lớp 10 dự kiến tăng thêm 10.000 học sinh. Dự kiến sẽ có 68% chỉ tiêu cho các trường công lập, số còn lại sẽ phải học ở các trường dân lập, trung tâm GDTX…

Theo Quang Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan