Dù mới sáng sớm nhưng nhiệt độ ngoài trời lên cao khiến không ít công nhân, người lao động mệt nhoài, không thể tiếp tục làm việc.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, ngày 21/5, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây nên nắng nóng tiếp tục gay gắt, đặc biệt là ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ. Theo đó, nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, riêng vùng núi phía Tây của Trung Bộ có nơi lên đến 41-42 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-17 giờ.
Tại Hà Nội, trong ngày hôm nay nắng nóng gay gắt và nhiệt độ phổ biến từ 28 đến 40 độ C. Đây cũng là đợt nắng nóng đỉnh điểm nhất kể từ đầu năm 2020 tới nay.
Nắng nóng khiến cuộc sống người dân đảo lộn, đặc biệt là những người có công việc thường xuyên di chuyển ngoài đường.
Do ảnh hưởng của nắng nóng, lượng người di chuyển trên đường, cũng như người lao động ngoài trời khá vất vả. Nhiều người đi làm từ 5h30 sáng và đến khoảng 9 giờ sáng đã phải nghỉ hoặc làm cầm chừng vì không thể chịu được nắng nóng.
Những công nhân xây dựng vừa làm, vừa nghỉ dù chưa đến 9 giờ sáng.
Anh Trần Văn Hiển (Hà Đông - Hà Nội) làm nghề xây dựng, điện dân dụng cho biết do thời tiết nắng nóng nên anh đốc thúc công nhân đi làm từ lúc 5 giờ 30 phút, đến khoảng 10 giờ sáng sẽ cho nghỉ. Tuy nhiên, do đặc thù công việc và nhiệt độ tăng mạnh ngay từ sáng sớm nên anh đã phải cho công nhân nghỉ sớm hơn 1 tiếng.
“Thật sự không thể cố được với thời tiết này. Nếu cứ ép anh em công nhân làm thì không đảm bảo kỹ thuật, có khi bị say nắng ốm lại mất thêm người. Mới 9 giờ sáng mà đứng ngoài trời 15 phút đã thở dốc, như muốn ngất ngay tại chỗ”, anh Hiển chia sẻ.
Chị Hoa cố vật lộn với cái nắng, cái nóng để hoàn thành sớm công việc.
Dù mới 8 giờ sáng nhưng chị Hoa cố đạp chiếc xe thồ đi lấy nốt chuyến hàng cuối cùng về giao cho khách. Chiếc áo bảo hộ của chị thấm đẫm mồ hôi và tốc độ đạp xe cũng giảm dần vì mất sức do nắng nóng. Chị Hoa chia sẻ: “Mình muốn đi làm sớm cũng không được vì cửa hàng chưa mở cửa. Còn đi làm muộn thì cả buổi chỉ được 2 chuyến hàng, không đủ cơm ăn, nắng nóng quá cũng không thể cố được”.
Những người làm công việc tự do như bán hàng rong, nhặt ve chai tìm mọi cách để chống nóng khi làm việc.
Làm công việc tự do, chị Nhi lững thững dắt theo chiếc xe đạp cũ đi dọc đường Láng nhặt từng chiếc ve chai. Dùng chiếc khăn lau những giọt mồ hôi trên trán, chị Nhi chia sẻ: “Nắng ai cũng mệt, nhưng tôi làm chẳng ai quản lý nên thích là nghỉ, còn sức thì cứ đi”. Hàng ngày, chị đi nhặt ve chai khắp phố phường, nếu nắng quá lại đi vào các khu dân cư, có nhà cao tầng vừa làm được việc, vừa tránh được nóng. “Khi thấy mình vất vả nhiều người còn cho cốc nước mát”, chị Nhi nói.
Các công nhân môi trường miệt mài làm việc dướng nắng nóng.
Tại đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) những công nhân môi trường vẫn đang miệt mài với công việc của mình. Nắng nóng họ được trang bị ô, áo bảo hộ, mũ bảo hộ nhưng chỉ đỡ được phần nào. Nhiều công nhân tìm mọi cách để hạ nhiệt cơ thể như dội nước vào quần áo, dùng nước đá lạnh.... Một công nhân cho biết, để đảm bảo tiến độ công việc họ phải làm việc đúng ca, đủ giờ đến 11 giờ trưa mới được nghỉ.
Với thời tiết nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân đặc biệt lưu ý khi ra đường, làm việc khi nắng và nhiệt độ cao. PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp đến những người thường do làm việc kéo dài trong môi trường, đi dưới trời nắng lâu khiến cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, rối loạn chuyển hoá nhiệt do tiếp xúc nhiệt độ cao trong thời gian dài khiến cơ thể bị tăng thân nhiệt, đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng. PGS Chi khuyến cáo người dân nên tránh làm việc ngoài trời nắng thời điểm gay gắt nhất từ 12 – 16 giờ hàng ngày, thời điểm này đi đường, làm việc lâu ngoài nắng sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não. Hãy luôn uống thật nhiều nước bởi khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, làm việc dưới nắng nóng, không có phương tiện bảo hộ, không bù đủ nước cần thiết sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng say nóng, mất nước toàn thể… nếu không phát hiện, cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, để phòng say nắng, khi ra ngoài nắng cần mặc áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi, có mũ che đỉnh đầu, che kín gáy. Với những người có đặc thù công việc phải thường xuyên ở môi trường nhiệt độ cao phải mặc quần áo chuyên dụng và có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý. |