Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa có văn bản chỉ đạo đóng cửa 44 cây xăng (12 cây xăng di dời, giải tỏa; 32 cây xăng nâng cấp, cải tạo) trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, nhiều cây xăng trong diện đóng cửa đã “thoát hiểm” nhờ quy chuẩn mới.
Hàng loạt cây xăng “thoát hiểm”
Sau vụ cháy lớn tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo vào đầu tháng 6/2013, TP Hà Nội đã lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Kết quả kiểm tra 52 cửa hàng xăng dầu đợt 1 (các quận nội thành) được Sở Công Thương báo cáo lên UBND thành phố ngày 25/6 cho thấy, chỉ có 7 cửa hàng đảm bảo các điều kiện kinh doanh; 30 cửa hàng cần phải khắc phục một số điều kiện để được kinh doanh và có tới 15 cửa hàng cần di chuyển, dỡ bỏ do không đủ điều kiện.
Tuy nhiên, trong báo cáo cũng của Sở Công Thương gửi UBND thành phố ngày 4/10, phần lớn các cửa hàng trong số 15 cửa hàng cần di chuyển, dỡ bỏ đã được chuyển sang diện “cải tạo để được tồn tại”. Lý giải cho việc những cửa hàng trên “bỗng dưng thoát hiểm”, Sở Công Thương cho rằng khi liên ngành tiến hành kiểm tra, rà soát cửa hàng xăng dầu đợt 1 căn cứ vào các quy chuẩn cũ, nhưng sau đó Bộ Công Thương đã ban hành quy chuẩn mới (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu có hiệu lực từ 1/8/2013) nên liên ngành đã tiến hành rà soát lại căn cứ theo các quy chuẩn mới và nhờ đó nhiều cây xăng đã “thoát hiểm”.
Cửa hàng xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo “thoát hiểm” nhờ quy định mới. Ảnh: L.Minh.
Cũng sau vụ cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo với cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố ngày 11/6, ông Phạm Ngọc Chuân - đại diện nhân dân và cử tri khu dân cư số 6 phường Phan Chu Trinh đã kiến nghị thành phố “di dời cây xăng số 9 Trần Hưng Đạo”. Ông Chuân cho biết, ngay từ khi tiến hành xây dựng cây xăng số 9 Trần Hưng Đạo, người dân đã phản đối và kiến nghị với các cơ quan chức năng. Sau khi cây xăng đi vào hoạt động, tại các lần tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố và đại biểu Quốc hội, cử tri cũng đã nhiều lần kiến nghị di dời nhưng vẫn không được. Trong kết quả kiểm tra đợt 1, cây xăng số 9 Trần Hưng Đạo đã được liên ngành kiến nghị “phải di dời, giải tỏa để đảm bảo an toàn”. Tuy nhiên qua rà soát lại, cây xăng nói trên được liên ngành kiến nghị “yêu cầu cải tạo lại”.
Cần nói thêm rằng, quy chuẩn mới của Bộ Công Thương có hiệu lực từ 1/8/2013 nhưng được ban hành từ ngày 18/6, trước thời điểm liên ngành TP Hà Nội tiến hành rà soát, kiểm tra các cây xăng đợt 1 trong 2 ngày 19 - 20/6.
Cửa hàng xăng dầu không có giấy phép trên Đại lộ Thăng Long bị yêu cầu đóng cửa. Ảnh: L.Minh.
20 cây xăng khu vực nội thành dừng bán sau 31/10
Đảm bảo nhu cầu của nhân dân Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã giao UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các ngành liên quan trong việc quy hoạch, đầu tư mới trên vị trí đất đã di dời các cửa hàng xăng dầu và nghiên cứu, đề xuất bổ sung các địa điểm cửa hàng xăng dầu mới thay thế các cửa hàng xăng dầu phải di dời để đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. |
Theo chỉ đạo của TP Hà Nội, 44 cửa hàng trong diện di dời và cải tạo sẽ được kinh doanh đến 31/10 để giải quyết hàng tồn kho và thanh lý hợp đồng mua bán xăng dầu đã ký kết từ trước. Trong số này có 20 cửa hàng nằm trong khu vực các quận nội thành (4 cửa hàng phải đóng cửa di dời, 16 cửa hàng đóng cửa để cải tạo).
Cụ thể, quận Hoàn Kiếm có 1 cửa hàng đóng cửa để cải tạo (cửa hàng xăng dầu số 4, tại số 9 Trần Hưng Đạo); Ba Đình có 1 cửa hàng phải di dời (cửa hàng xăng dầu số 11, số 280 Đội Cấn); Đống Đa có 2 cửa hàng di dời (cửa hàng xăng dầu số 17 - số 179 Đê La Thành và Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội số 2D Khâm Thiên); Thanh Xuân có 1 cửa hàng di dời (cửa hàng xăng dầu Kim Giang- Công ty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội)…
Với số lượng lớn các cửa hàng xăng dầu cùng lúc sẽ đóng cửa sau 31/10, việc mua xăng của người dân (đặc biệt khu vực nội thành) chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, Sở đã có kiến nghị với thành phố có phương án bổ sung ngay các địa điểm đảm bảo điều kiện để thay thế cửa hàng xăng dầu bị di dời. Đơn cử như đối với khu vực phố Đội Cấn, quận Ba Đình, xem xét bổ sung trạm xăng dầu nội bộ của quân đội tại 463 phố Đội Cấn vào quy hoạch mạng lưới kinh doanh để thay thế cho cửa hàng xăng dầu số 11 tại 280 phố Đội Cấn phải di dời...
Với diện tích đất của 12 cửa hàng xăng dầu phải di dời, thành phố yêu cầu doanh nghiệp phải có phương án chuyển đổi mục đích kinh doanh trước 30/11/2013 (khuyến khích chuyển sang kinh doanh rau và thực phẩm an toàn). 32 cửa hàng thuộc diện cải tạo nâng cấp, thành phố yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản gửi Sở Công Thương cam kết thời hạn hoàn thành.