"Mình quay cuồng đầu óc, không hiểu hở hàm ếch là gì vì xưa giờ có đọc báo hay xem ti vi đâu. Chỉ đến khi mình nhìn hai con mới biết nó như thế nào? Thực sự mình thấy đau đớn và thương vợ rất nhiều”, anh Rim nhớ lại.
Ở Đam Rông (Lâm Đồng) có cặp vợ chồng trẻ sinh 3 con gái, trong đó có cặp song sinh bị hở hàm ếch. Người dân không khỏi xót xa, chỉ mong phép màu diệu kỳ xảy ra để hai đứa trẻ có một gương mặt mới lành lặn.
“Họ nghèo lắm! Ruộng rẫy ở xa nhà, không mần ăn được gì. Họ phải đi làm thuê hoặc vào rừng hái cây đót về bán nhưng cũng chẳng đủ sống. Cuộc sống cứ chắp vá với hi vọng sinh đứa con thứ 2 sẽ khấm khá hơn. Ngờ đâu…”, anh K’rể - một người hàng xóm của cặp đôi thở dài.
Sau đó anh chỉ về phía căn nhà của hai vợ chồng: “Đó! Nhà của họ đấy. Nhìn xa sẽ thấy nhưng đường vào ngoằn ngoèo, bùn đất vô cùng. Mọi người cứ cố gắng chạy xe vào đó mất chừng nửa tiếng là tới”.
Quả thực đường vào nhà cặp đôi không mấy dễ dàng, thậm chí hao tốn sức lực rất nhiều. Căn nhà được dựng bằng gỗ, nền đất đỏ ba dan, bên trong chẳng có bất cứ đồ đạc nào đáng giá.
Thấy người lạ ghé tới, anh Rim (SN 1997) – người chồng trẻ từ tốn mời vào nhà uống nước. Sau đó anh kể về chuyện cặp song sinh hở hàm ếch: “Vợ chồng mình có một bé gái cũng 3-4 tuổi nên bàn tính sẽ sinh thêm đứa nữa để nhà cửa thêm vui, chị có em.
Năm ngoái vợ mang thai, mình vui mừng và háo hức từng ngày con chào đời. Mình có nói vợ đi siêu âm xem con khoẻ mạnh hay không? Song vợ tiếc tiền, lại phải xuống tận thị trấn nên đã không đi.
Cô ấy nói rằng đứa đầu tiên không đi khám cũng chẳng bồi bổ gì mà đẻ ra vẫn to, khoẻ mạnh. Vì thế đứa thứ 2 cũng vậy, dành tiền để mua tã bỉm, quần áo cho con sẽ tốt hơn”.
Thấy vợ nói có lý, lại biết phụ nữ trong làng mang thai không đi siêu âm – đẻ tại nhà, anh Rim đành nghe theo. Anh chăm chỉ làm lụng, mong chờ từng ngày con cất tiếng khóc. Song anh thấy vợ lần này bầu khác lần trước rất nhiều: bụng căng, to hơn; đi lại nặng nề… Anh tự thắc mắc có phải vợ mang song thai hay không? Vợ bảo sắp đến ngày sinh, cứ đợi đến lúc đó xem sao.
“Mình không dám để vợ để ở nhà hoặc trạm xá. Mình quyết định đưa vợ xuống trung tâm y tế huyện sinh con. Mình ngồi ngoài run cầm cập, lo lắng cho cả mẹ lẫn con.
Lúc sau bác sĩ hỏi mình có phải chồng hay không, rồi thông báo tin vui vợ đã hạ sinh hai bé gái. Mình ngỡ ngàng vì cuối cùng suy đoán của bản thân là đúng sự thật. Song mình chưa kịp định hình lại, bác sĩ tiếp tục nói “tin buồn” – đó là hai đứa trẻ cùng bị hở hàm ếch.
Mình quay cuồng đầu óc, không hiểu hở hàm ếch là gì vì xưa giờ có đọc báo hay xem ti vi đâu. Chỉ đến khi mình nhìn hai con mới biết nó như thế nào? Thực sự mình thấy đau đớn và thương vợ rất nhiều”, anh Rim nhớ lại.
Ngày anh Rim đón vợ con về nhà, bà con trong làng có lui tới ghé thăm và động viên. Cả hai thấy được yêu thương quá nhiều đã bật khóc, hi vọng một ngày nào đó có mạnh thường quân giúp đỡ, ủng hộ tiền để đi làm phẫu thuật cho hai con gái.
“Mình không rõ hở hàm ếch là gì, chỉ biết môi của con bị khiếm khuyết. Bác sĩ ở huyện giải thích rằng con có thể có gương mặt lành lặn nếu được phẫu thuật. Mình cũng hỏi chi phí nhiều hay không, họ bảo mất mấy chục triệu.
Mình nghe thấy buồn hẳn vì làm gì có từng đó tiền, vài triệu đồng còn xoay sở vay bà con được. Sau đó vợ chồng mình đã cầu cứu một YouTuber giúp đỡ. May mắn họ đã hỗ trợ 3.4 triệu đồng và đăng tải câu chuyện của gia đình lên mạng xã hội”, vợ anh Rim nhớ lại.
Chị vừa dứt lời, anh Rim nói tiếp: “Rất nhiều người thương cảm và giúp đỡ hai bé. Thậm chí có người ở ngoài Hà Nội gọi điện vào thông báo đồng ý phẫu thuật miễn phí cho hai đứa. Nhưng mình từ chối vì không thể lo được chi phí đi lại.
Sau đó Bệnh viện Đắc Nông cũng thông báo sẽ mổ miễn phí. Mình đưa con lên đó để thăm khám và chờ đợi ngày các con vào phòng phẫu thuật. Mình mừng lắm vì cuối cùng con đã có cơ hội sở hữu gương mặt hoàn chỉnh hơn”.
Nhắc đến chuyện hai vợ chồng mưu sinh bằng nghề gì, anh Rim cho biết vì không có đất nên toàn đi làm thuê cho người ta. Còn vợ anh vào rừng đi rẫy, lấy đót về bán cho thương lái với giá 5.000 đồng/kg. Có hôm không ai trông con, họ sẵn sàng đưa con vào rừng cùng, bất chấp thời tiết nắng mưa.