Hãi hùng trâu "báo oán" chủ lò mổ ở Hà Nội

Ngày 12/03/2013 09:23 AM (GMT+7)

Điều kinh dị như dự đoán xảy ra, con trâu bị sát hại vào tháng 2 thì đến tháng 4 người con trai của ông sinh năm 1968 tự dưng lăn đùng ra chết.

Con trâu là vật nuôi gắn bó với người nông dân Việt Nam từ hàng ngàn năm trước, nó là đầu cơ nghiệp, là biểu tượng của nền văn minh lúa nước, vì thế, người ta tin nó có linh hồn.

Ông thủ từ đền Giang Xá (Hoài Đức Hà Nội) Hồ Xuân Đức nói rằng: “Con trâu là loài làm thật ăn giả. Nó chỉ ăn cỏ, ăn rơm, mà làm ra lúa gạo, tiền của nuôi sống con người. Gia đình nào tốt bụng còn lấy bao tải mặc cho nó, rồi căng bạt, đốt lửa sưởi ấm cho nó vào những ngày giá lạnh. Vậy mà con người nỡ giết nó, thì nặng nghiệp lắm”.

Chuyện của ông thủ từ ngôi đền thờ vua Lý Nam Đế cứ rủ rỉ rù rì mà đầy thương xót loài vật nuôi gần gũi với nhà nông. Ông Đức bảo rằng, mấy chục năm nay, ông theo dõi chủ lò mổ trâu, bò, ngựa, những con vật ăn cỏ, là đầu cơ nghiệp của nhà nông và nhận thấy rằng, hầu hết những gia đình đó đều có hậu vận không tốt, gặp họa đến nhiều đời sau nữa. Còn kiếp sau của những đồ tể đó thế nào, thì chỉ có về thế giới bên kia mới biết được.

Rồi ông Đức kể chuyện về ông ba toa H., nhà ở làng Giang Xá, Đức Giang. Ông H. có lò mổ trâu nhỏ, mỗi ngày giết 1–3 con. Nghề mổ trâu có từ đời cha ông H. Bố của ông cũng là thợ mổ trâu có tiếng. Bố chết, ông H. nối tiếp nghiệp sát sinh này. Là bạn thân nên ông Đức thường xuyên trò chuyện, tâm tình với ông H. về nghề sát sinh, đặc biệt là sát hại loài trâu. Ông H. làm giàu bằng nghề này, nên không thể nào bỏ được. Nghe khuyên giải nhiều quá, nhiều lần ông H. còn nổi cáu với người bạn thân.

Một hôm cách đây chừng 10 năm, ông H. khi đó ngoài 50 tuổi, ra đền Giang Xá uống nước với ông Đức và mấy cựu chiến binh trong xóm. Vừa thắp nhang trong đền xong, ngồi uống được mấy chén nước, rít điếu thuốc lào, ông H. kêu tức ngực, khó chịu trong người và bảo: “Mấy ông ngồi đây, tôi về nghỉ tí”. Nói rồi, ông H. lững thững đi về. Lát sau, vợ ông H. hớt hải chạy ra đền, mặt mũi xám ngoét: “Các bác vào nhà tôi xem thế nào, ông nhà tôi bị làm sao ấy”.

Ông Đức chạy vào, thấy ông H. nằm bất động trên giường, lay không dậy, gọi không thưa. Lát sau, y tế đến, thì ông H. co giật đùng đùng, rồi hộc máu chết. Ông chết một lúc rồi, mà dòng máu tươi vẫn rỉ ra từ miệng. Nhìn cảnh ấy, ai cũng hãi. Ông H. chết đi, nghe lời khuyên của ông Đức, con cháu dẹp bỏ lò mổ, không theo nghề sát sinh này nữa. Ông Đức kể, ông đã theo dõi một số vụ chết chóc của những người giết mổ gia súc và thấy rằng, rất nhiều trong số họ, dù chết trẻ hay chết già, đều có máu tươi chảy ra đằng miệng.

Câu chuyện về những đồ tể mổ trâu, còn gọi là ba toa, mà ông Hồ Xuân Đức, thủ từ đền Giang Xá kể, khiến tôi tò mò, tìm hiểu về nghề mổ trâu bò. Tôi tìm về ngôi làng có truyền thống mổ trâu bò lâu đời nhất Việt Nam, đó là làng Phúc Lâm ( Hoàng Ninh, Việt Yên, Bắc Giang).

Hãi hùng trâu quot;báo oánquot; chủ lò mổ ở Hà Nội - 1

Cả làng sống nhờ… trâu

Từ quốc lộ 1A cũ, rẽ vào đường liên huyện không xa, thì đến làng Phúc Lâm. Ngôi làng khá sầm uất, nhà cửa chen chúc, với cổng làng to tướng ghi rõ: Làng Phúc Lâm. Bước chân vào cổng làng, đủ thú mùi nồng nặc. Mùi thối của phân, khai của nước tiểu, tanh nồng của máu, mỡ, thịt chạy dưới những rãnh nước bốc lên xộc vào mũi. Tôi đang hí hoáy chụp cảnh rãnh nước ô nhiễm thì gặp ông Đỗ Văn Khuyến, phó thôn, từng là chủ lò mổ lớn nhất nhì làng Phúc Lâm, là tay buôn trâu, mổ trâu có hạng.

Ông Khuyến nhiệt tình tiếp đón chúng tôi trong căn nhà xây dựng kiểu cổ bằng gỗ rất đẹp, với đầy đủ sập gụ tủ chè. Tôi hỏi vui: “Chắc nghề buôn trâu mang lại cho đồng chí phó thôn sự giàu có, thịnh vượng?”.

Ông Khuyến xua tay: “Không có đâu nhà báo ạ. Ở làng này vốn cả làng làm nghề mổ trâu, lái trâu. Nhưng nói thật, làm cái nghề sát sinh ấy cũng bạc lắm, chẳng vương tướng gì đâu. Bao năm làm nghề, tôi nhẩm tính, nghề mổ trâu khắp cả nước này, chỉ thấy được vài phần ngàn là khá giả, còn lại đủ sống, đủ ăn thậm chí là thất bại nặng nề. Tôi vốn là thợ có tiếng, nhà có lò mổ to lắm, mỗi ngày giết 10 – 20 con trâu, lại đi buôn trâu xuyên Việt, nhưng nhận ra nghề này bạc lắm, nên tôi chuyển sang mở nhà hàng, cửa hàng cơ khí ngoài phố. Giờ tôi vẫn làm việc liên quan đến con trâu, nhưng chỉ là buôn da trâu thôi. Cả làng bán da trâu cho Trung Quốc, nghĩ mà xót xa, tiếc rẻ. Tôi bán cho họ giá 20.000 đồng một cân da. Nhưng 1 kg da trâu ấy, họ làm ra tấm áo da bán lại cho người Việt mình cả chục triệu đồng, thậm chí cả nghìn USD sang châu Âu. Rồi một bộ da trâu, sau khi chế biến, làm ra bộ ghế da, họ bán với giá cả trăm triệu đồng, đắt gấp mấy lần con trâu cũng là điều khiến tôi xót xa”.

Sau khi phân tích đủ thứ đau xót, tiếc rẻ về nguồn nguyên liệu da trâu, ông Khuyến quay về làng nghề mổ trâu có tiếng cả nước của mình. Làng vốn nằm cạnh ga Sen Hồ, là nơi trọng điểm bắn phá của cả Pháp và Mỹ. Người Pháp đóng chốt ở đây, bắn phá, càn quét làng, nên dân làng thường xuyên phải bỏ xứ đi nơi khác. Cũng chính vì đi nhiều nơi nên học được nhiều nghề, như làm bún, bánh đa, bánh dẻo … Nghề mổ trâu mới có ở làng 100 năm trước. Hai người đầu tiên đưa nghề mổ trâu về làng là ông cụ Đào và ông cụ Chắt người ở Lim (Bắc Ninh) lên đây.

Lò mổ của hai gia đình này phát triển mạnh, thuê mướn nhiều nhân công trong làng, nên dân làng từ đó học được nghề, rồi tự đứng ra lập lò mò, thu mua trâu về làm thịt. Từ hai lò mổ, tăng lên thành năm lò mổ và cứ thế, nghề mổ trâu ở làng Phúc Lâm lan rộng khắp cả làng. Thời kỳ cao điểm, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, gần như cả làng Phúc Lâm đều làm nghề mổ trâu. Có tới 90% số hộ dân trong làng làm nghề giết mổ gia súc, cung cấp thịt trâu cho các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và hầu hết các tỉnh lân cận.

Làng Phúc Lâm có cả một đội quân lái trâu đi khắp cả nước, từ miền núi đến vùng xuôi, tận trong nam ngoài bắc, sang cả Lào, Campuchia, thậm chí Thái Lan để tuyển lựa, thu mua trâu. Trong những phiên chợ gia súc trên Hà Giang, Lào Cai, dân lái trâu Phúc Lâm còn đông hơn cả lượng đồng bào dắt trâu đi bán. Họ thu gom trâu, dồn lên những chiếc xe tải cỡ lớn chở về làng xẻ thịt.

Giết mổ rùng rợn

Để tận mắt chứng kiến cảnh tượng mổ trâu, 2h sáng trong vai người buôn bán, tôi hòa vào dòng người đông đúc đến làng Phúc Lâm. Ban ngày, làng Phúc Lâm khá êm đềm nhưng nửa đêm về sáng nhộn nhịp như một cái chợ lớn. Hàng trăm người tấp nập ra vào, điện sáng trưng ở các lò mổ. Trâu rống ấm ĩ làng xóm.

Lò mổ nhà anh B., có 5 trâu mộng buộc ở cọc. Chỉ có mỗi vợ chồng anh làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm này. Anh B. dắt trâu vào sân, cột chặt lại. Chú trâu ngái ngủ, khuôn mặt ngơ ngác, như thể chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Như lực sĩ, anh vung chiếc vồ thép đập bốp trúng đầu. Con trâu mộng trúng nhát búa, choáng váng ngã khụy xuống nền gạch. Chị vợ đưa cho anh con dao nhỏ xíu, chỉ cỡ hai đầu ngón tay. Đây là dao mổ trâu sao? Cầm con dao nhỏ xíu, anh B. xiên một nhát thật ngọt ở cổ. Máu ồng ộc chảy ra, ngập 2 chiếc chậu lớn, tràn cả ra nền sân. Cảnh tượng quả thực vô cùng rùng rợn.

Cũng vẫn con dao nhỏ đó, anh B. rạch một đường ở cổ. Cứ một tay kéo da, một tay lướt con dao nhỏ rất điệu nghệ, bộ da trâu rất lớn tuột khỏi con trâu, lồ lộ một đống thịt. Anh B. bảo, dưới da trâu có một lớp màng mỡ, không dính liền với thịt, nên lột rất nhanh. Nói không ngoa, có tận mắt chứng kiến mới thấy, thợ mổ trâu ở Phúc Lâm lột da trâu nhanh như lột da gà. Cũng chỉ với con dao nhỏ xíu đó, từng tảng thịt được lóc ra. Đầu, chân, xương lần lượt được tách rời. Tính ra, mất 15 phút, con trâu to tướng chỉ còn lại đống bầy nhầy lòng phèo nằm giữa sân, thịt xương đã thành đống riêng biệt. Con trâu khác được dắt vào. Anh B. lại vung búa …

4h sáng, hàng chục lái buôn trâu đã đổ về lò mổ nhà anh B. Người chất thịt lên xe, người lấy xương, người lấy chân, đầu, gân cơ. Riêng nội tạng cũng có mấy người gom hàng, mỗi người lấy một món riêng biệt. Hàng chục con người vật lộn với đống bầy nhầy, người yếu bóng vía nhìn cảnh tượng máu me này chắc ngất xỉu.

Đại gia đình bỏ nghề vì sợ trâu “báo oán”


Sau khi chứng kiến cảnh sát trâu kinh hãi tôi trở lại gặp gỡ phó thôn Đỗ Văn Khuyến. Ông bảo rằng: “Ngẫm cho cùng, việc mổ trâu quả thục kinh hãi. Bao năm làm nghề, đến lúc cuối đời, tôi mới nhận ra nên bỏ nghề giết mổ này càng sớm càng tốt. Và tôi đã thưc hiện được. Không chỉ vậy, nhiều gia đình ở làng đã bỏ nghề”. Theo ông, thập kỷ 80 của thế kỷ trước, có tới 90% hộ dân dính dáng đến chuyện sát hại con trâu. Tuy nhiên, nghề mổ trâu ngày một mai một. Hiện tại cả làng với 500 hộ dân, chỉ còn cỡ 50 lò mổ. Số lượng trâu bỏ mạng ở làng Phúc Lâm cũng ít hơn xưa.

Theo ông, ngoài việc người ở đây nhận ra rằng, không thể làm giàu bằng nghề mổ trâu, thì có nhiều trường hợp bỏ nghề vì sợ hãi chuyện tâm linh. Những ngày đầu năm, rằm tháng 7, người dân làng đều nô nức lên chùa cúng bái, đốt vàng mã, giải hạn cho gia đình mình. Thế nhưng ở làng, vẫn xảy ra những chuyện không vui, khiến lòng người hoang mang. Ông chỉ nói vậy, chứ ông không dám nêu tên gia đình nào, bởi vấn đề này rất nhạy cảm.

Tìm hiểu ở làng, tôi được biết, có khá nhiều những cái chết bí ẩn ở ngôi làng này. Cõ những cái chết ở gia đình mổ trâu thì người dân liên hệ với chuyện bị oan hồn loài trâu báo oán, song cũng có cái chết liên quan trực tiếp tới con trâu, đặc biệt là bị trâu húc chết, khiến những người cầm dao mổ trâu cực kỳ sợ hãi.

Bi thương nhất trong chuyện bị loài trâu báo oán, phải kể đến gia đình ông K. Chuyện rằng, hai năm trước, ông K. vẫn là chủ lò mổ to nhất làng Phúc Lâm. Mỗi đêm, nhà ông hạ sát 15 - 17 con trâu lớn bé. Đại gia đình nhà oog có 4 người con trai làm công việc này. Người quanh năm suốt tháng lang bạt ở miền núi, để tìm những con trâu ngon, nhiều thịt, thậm chí sang cả Lào, Campuchia để lựa trâu. Hàng chục lái buôn trâu sục sạo khắp nơi mới cung cấp đủ trâu cho lò mổ nhà ông K. Cứ độ 12h đêm, một chiếc xe tải lớn lại chở mười mấy con trâu đến cổng lò mổ nhà ông, Với bề dày mấy chục năm giết mổ, đã có hàng vạn con trâu bỏ mạng tại nhà ông. Cũng vì thế, theo những người hiểu biết về tâm linh, sát khí ở mảnh đất này tỏa ra rất nặng.

Hãi hùng trâu quot;báo oánquot; chủ lò mổ ở Hà Nội - 2

Bữa đó, cũng như mọi ngày, chiếc xe tải chở 15 con trâu từ Hà Giang về, đỗ trước cổng lò mổ. Lần lượt từng con trâu bị hại sát. Đến con trâu cuối cùng, thì chuyện lạ xảy ra. Mấy người thay nhau kéo, nhưng con trâu nhất quyết không chịu xuống khỏi thùng xe tải, cứ ghì lại. Tức mình, cả chục người xông vào, trói con trâu lại rồi vần xuống khỏi xe tải. Khi vần trâu xuống khỏi xe, cởi trói, con trâu không chịu đứng lên, mà hai chân trước của nó quỳ xuống như phủ phục. Nó không rống lên, không giãy giụa nữa, nhưng nước mắt ứa ra. Một số người thấy con trâu có biểu hiện như vậy thì ngăn cản việc giết nó. Người làng Phúc Lâm vẫn tin rằng, những con trâu có biểu hiện như thế là có linh tính, tức nó mang linh hồn con người. Những con trâu như thế thường hiền lành, chịu khó cày bừa, thân thiện với con người và những thợ mổ tin vào thế giới tâm linh thường không giết hại nó. Tuy nhiên ông K. không tin vào chuyện đó. Mấy chục năm ông làm nghề, gia đình ông mỗi ngày thêm giàu có, chưa ai bị trâu báo oán, nên ông không tin, không sợ. Sau một lát bàn cãi, thì con trâu này cũng toi mạng.

Điều kinh dị như dự đoán xảy ra ngay khi giết hại con trâu có linh tính này. Con trâu bị sát hại vào tháng 2 thì đến tháng 4 người con trai của ông sinh năm 1968 tự dưng lăn đùng ra chết. Điều lạ lùng là anh này không theo nghề mổ của gia đình. Được ăn học tử tế, anh này tạo lập cuộc sống ở nơi khác. Bình thường, anh cũng không có bệnh tật gì cả. Thế nhưng, một hôm, đang ngồi xem ti vi trong nhà, anh đột nhiên kêu mệt nên vào giường ngủ. Nửa đêm, anh lên cơn co giật. Gia đình đưa đi bệnh viện nhưng không cứu được.

Cái chết của anh khiến gia đình hoang mang. Bà vợ ông đi xem bói, thầy phán rằng gia đình bị một oan hồn báo oán. Lúc này, gia đình ông mới liên hệ đến việc giết hại con trâu nọ. Khi trình bày điều này, ông thầy bói khẳng định chắc chắn là do linh hồn con trâu báo oán. Vợ ông cũng bái ghê lắm, sắm đủ các loại lễ, tốn kém hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, bà K. mời cả giá đồng về nhà cúng giải hạn, siêu thoát cho linh hồn con trâu.

Thế nhưng, sự cố gắng của bà K. không mang lại hiệu quả. Thời gian ngắn sau đó, một người con nữa của ông bà đột nhiên trở nên ốm yếu. Anh này vốn rất khỏe mạnh, mổ trâu nhanh thoăn thoắt, giỏi nhất nhà, nhưng cơ thể cứ ốm yếu dần. Gia đình đưa đi khắp các bệnh viện điều trị nhưng không hiệu quả. Thời gian ngắn sau đó thì anh trút hơi thở cuối cùng. Gia đình giữ bí mật, nên hàng xóm không ai biết anh chết vì nguyên do gì. Vậy là, tin đồn bị oan hồn con trâu báo oán lại lan ra, khiến cả làng sợ hãi.

Đỉnh điểm của nỗi sợ hãi là cái chết của cô con gái út. Cô con gái út của ông đang học ở Hà Nội. Gia đình giàu có, cô được đi học tử tế, không dính dáng gì đến công việc giết mổ trâu bò. Thế nhưng, theo lời đồn, thì linh hồn con trâu sẽ giết hại những người quan trọng nhất của gia đình. Hồi giữa năm 2012, trên đường từ Hà Nội về thăm nhà, đang lái xe máy, thì chiếc xe tải mất phanh đâm thẳng vào cô. Gia đình đến nhận xác con gái thì bàng hoàng khủng khiếp. Cô con gái út xinh đẹp, giỏi giang, mà giờ chỉ còn nhận ra qua chiếc áo.

Sự việc chết chóc liên quan đến với gia đình ông K., khiến ông không thể không để tâm đến những lời đồn đại của dân làng, lời khuyên can của … thầy bói. Gia đình ông đã đi làm lễ ở rất nhiều nơi, gặp rất nhiều thầy bói và đều nhận được lời khuyên như nhau, là gia đình cần phải làm lễ cầu siêu cho loài trâu, làm lễ giải hạn cho gia đình và bỏ ngay nghề giết mổ. Chỉ trong hai năm, gia đình ông K. mất 3 mạng người, quả là một mất mát quá lớn.

Bao năm mổ trâu, thu về bao nhiêu tiền bạc, cũng không bù lại được những mất mát khủng khiếp như thế. Đến lúc này, ông và những người con của mình, không còn đủ dũng cảm cầm búa đập chết loài trâu và lột da, moi bụng chúng nữa. Đại gia đình nhà ông đã quyết tâm bỏ nghề. Thậm chí những người con dâu, vốn chỉ làm nghề buôn da, đổ mối thịt trâu cũng bỏ luôn nghề. Cứ ngày rằm, mùng 1, gia đình lại đến chùa Phúc Lâm tụng kinh, gõ mõ, nhờ thầy cúng bái giải hạn.

Sau sự việc khủng khiếp ấy, không chỉ gia đình ông K mà mấy hộ gia đình ở cạnh cũng sợ hãi, đóng cửa luôn lò mổ trâu.

(Theo Gia đình và Cuộc sống)

Tin liên quan