Sau khi ngôi mộ của người chồng đầu tiên được khai quật để khám nghiệm, tội ác của người phụ nữ mới được hé lộ.
Yvonne Fletcher là một người phụ nữ nổi tiếng tại Úc nhưng không phải theo nghĩa tích cực. Bà ta có 2 đời chồng nhưng cả 2 người chồng đều chết dưới bàn tay tàn ác của vợ. Yvonne đã sử dụng một "vũ khí hoàn hảo" để đầu độc 2 người chồng mà không hề bị phát hiện, đó là chất độc thallium. Vụ án này nổi tiếng đến mức sau đó, rất nhiều người phụ nữ tại Úc đã học theo cách thức này để sát hại chồng mình.
Vào năm 1952, khi người chồng thứ hai của bà Yvonne, ông Bertram Henry Fletcher, qua đời, những người đưa tang đã xếp hàng dài bên ngoài ngôi nhà nhỏ ở thành phố Sydney, nước Úc, để tỏ lòng thành kính với ông.
Sau đó, những người hàng xóm bắt đầu đồn thổi về những điểm tương đồng giữa cái chết của ông Bertram với cái chết của người chồng đầu tiên của bà Yvonne, ông Desmond George Butler, người từng trải qua 9 tháng sau đớn vì tổn thương thần kinh, nội tạng và não trước khi qua đời. Sau khi những lời đồn này đến tai cảnh sát, họ đã tìm ra một số chứng cứ đủ để được phép khai quật ngôi mộ của ông Desmond. Ngày 19/5/1952, bà Yvonne bị bắt giữ và sau đó bị kết tội giết người.
Bà Yvonne và người chồng thứ 2 Bertram.
Quay trở lại tháng 11/1947, người chồng đầu tiên của bà Yvonne là ông Desmond, khi ấy 29 tuổi, bắt đầu có những dấu hiệu đổ bệnh. Các bác sĩ nhận thấy ông có những dấu hiệu như bị cúm nặng, đau dạ dày mà không hề phát hiện ra rằng ông đã bị ngộ độc thallium.
Nhiều tháng trôi qua, tình trạng của ông Desmond ngày càng tồi tệ hơn. Ông bị đau bụng dữ dội, đau chân, suy nhược, rụng tóc, suy giảm chức năng nhận thức và bắt đầu không kiềm chế được cảm xúc. Nỗi đau của ông khủng khiếp đến mức hàng xóm có thể nghe thấy tiếng la hét của ông mỗi ngày.
Cuối cùng, ông Desmond được đưa tới Bệnh viện Hoàng gia Alfred để chữa trị. Các bác sĩ tại đây vô cùng bối rối trước những triệu chứng bệnh của người đàn ông này. Họ kết luận ông mắc chứng trầm cảm và rối loạn thần kinh, sau đó chuyển ông tới Bệnh viện tâm thần Callan Park. Một thời gian sau, ông Desmond được đưa về nhà ở Newtown rồi qua đời vào năm 1948.
Những người hàng xóm kể lại rằng khi nghe tin chồng sẽ về nhà, bà Yvonne đã phàn nàn: "Họ đang gửi ông ta về nhà. Tôi không muốn nhìn thấy ông ta. Tôi sẽ không chăm sóc ông ta". Tuy nhiên, chẳng một ai nghi ngờ bà Yvonne.
Tới năm 1952, 4 năm sau khi người chồng đầu tiên qua đời, bà Yvonne đã lặp lại hành vi giết người với người chồng thứ hai, ông Bertram Henry Fletcher. Thông qua những lời tố cáo của hàng xóm, cảnh sát nhận thấy cái chết bí ẩn của ông Bertram có nhiều điểm tương đồng với cái chết của ông Desmond. Chính ông Bertram cũng từng kể rằng vợ mình đã đầu độc ông bằng bánh mì nướng buổi sáng và pha chất độc vào nước uống buổi trưa.
Ông Bertram (trái) và ông Desmond đều chết dưới tay bà Yvonne.
Cảnh sát đã khai quật ngôi mộ của ông Desmond và kiểm tra hồ sơ y tế của ông Bertram và tìm thấy dấu vết của một loại thuốc diệt chuột phổ biến vào thời điểm đó, thallium.
Thallium là một chất độc không mùi, không màu và không vị, có bán tại tất cả các siêu thị, hiệu thuốc và cửa hàng ở Sydney để giúp hạn chế sự xâm nhập của chuột vào cuối những năm 1940, đầu những năm 1950.
Từ năm 1952-1953, có khoảng 10 người chết và 36 người nhập viện vì ngộ độc thallium ở bang New South Wales, Úc. Tuy nhiên theo tác giả Tanya Bretherton, người đã nghiên cứu về những cái chết này trong cuốn sách "The Husband Poisoner" (tạm dịch: Người đầu độc chồng), số người chết là khoảng 50 người. Bà Tanya Bretherton nói rằng việc vụ án của Yvonne được công khai đã mở ra một loạt vụ đầu độc bắt chước ở Úc, chủ yếu là do phụ nữ, vì thallium là vũ khí giết người quá hoàn hảo.
Hầu hết các nạn nhân đều nằm ở bệnh viện vào thời điểm họ qua đời, cách xa thủ phạm, vì vậy chẳng ai nghi ngờ gì và không ai nhận ra họ không được chẩn đoán chính xác. Một số trường hợp ngộ độc thallium được cho là biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, một số trường hợp khác còn là do loét dạ dày hoặc tuổi già. Vì thế, đó là một cách thức giết người hoàn hảo để trốn tội.
Tuy nhiên, bà Yvonne không may mắn như vậy. Việc 2 người chồng đều qua đời với dấu hiệu giống nhau đã dẫn đến việc bà ta bị nghi ngờ và bị cảnh sát bắt giữ. Ngày 24/9/1952, Yvonne bị kết án tử hình tại Tòa án Hình sự Trung ương. Bà trở thành người Úc đầu tiên bị kết tội giết người do đầu độc thallium. Thẩm phán cho biết bà Yvonne đã phải chịu đựng nhiều đau khổ dưới tay người chồng thứ hai khi liên tục bị bạo hành, chửi bới nhưng không có dấu hiệu bạo hành ở người chồng thứ nhất. Nhưng dù thế nào, tội giết người là không thể dung thứ.
Đến năm 1955, bang New South Wales bãi bỏ mức án tử hình nên bản án của bà Yvonne cũng được chuyển thành chung thân. Sau một thời gian thụ án, bà Yvonne được đủ điều kiện thả ra. Những năm 1960, bà tái hôn với người chồng thứ ba và sống cuộc đời bình lặng.