Trên dải đất hình chữ S có hai người đàn ông kỳ quái đến độ tự lập bàn thờ chính mình, thắp hương và cúng cơm, hoa quả...
Người Việt Nam thường cúng gia tiên, người đã khuất vào ngày Sóc (mồng Một) – Vọng (Rằm), lễ Tết, giỗ hoặc bất cứ lúc nào cần được tổ tiên phù phộ như kết hôn, làm nhà, sinh con... Đó là cách thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Và chúng ta xưa nay chỉ thờ cúng tổ tiên, chứ không có chuyện lập bàn thờ người sống. Vậy mà trên dải đất hình chữ S có hai người đàn ông kỳ quái đến độ tự lập bàn thờ chính mình, thắp hương – cúng cơm, hoa quả vào ngày Sóc – Vọng, thậm chí còn “thiết lập” ngày giỗ…
Đại gia Cần Thơ lập bàn thờ với 6 tấm di ảnh
Đó là ông Phú Tia (SN 1947, ngụ Thốt Nốt) – có tính cách kỳ quái, lạ lùng nhưng giàu có. Ông sở hữu khối tài sản “siêu khủng” song chỉ thực sự nổi tiếng khi chục năm trước tự lập bàn thờ để tang chính bản thân mình.
Ông Tia từng nhận mình là người đàn ông “lắm tài nhiều tật”. Ông nhận chữ "tài" bởi làm kinh tế giỏi. Ông chính là người khai sinh ra công thức ủ rượu mận (tức quả roi – PV) nức tiếng miền Tây, góp phần giải quyết đầu ra nông sản cho bà con vùng sông nước.
“Sau 3 năm đầu “khởi nghiệp”, bà xã đã phát hiện ra tôi đang nghiên cứu công thức làm rượu mận. Tôi đành phải khai thật đã tốn tiền tỷ nhưng chưa có kết quả. Tôi cứ ngỡ sẽ được vợ động viên và khích lệ tinh thần, song ngược lại, bị chì chiết nặng nề. Tôi chán nản bỏ ra ngoài lán ở hẳn không về nhà”, ông Tia từng kể.
Thời điểm dọn ra ở riêng, ông Tia đã quen biết một người phụ nữ khác và sau này trở thành "vợ bé". Người này ủng hộ, ở bên ông suốt 3 năm còn lại mà vợ con ông không hề hay biết.
Ông Tia và 6 tấm di ảnh thờ chính mình.
Năm 2012, khi mẻ rượu mận thành công đầu tiên ra lò, vợ con đã công nhận tài năng và thành quả của ông Tia. Họ chủ động đến xưởng ủ rượu thăm ông, đồng thời phát hiện bí mật mà ông giấu kín bấy lâu.
“Vợ con phát hiện tôi có vợ bé liền cấm cửa. Khi đó tôi mới bừng tỉnh, ân hận và mong được tha thứ. Nhưng tôi không thuyết phục được, do đó đã tự lập bàn thờ của chính mình. Bên trên thờ cha mẹ tôi, còn bên dưới để 6 tấm hình với 6 sắc thái là 6 giai đoạn trong cuộc đời tôi đã trải qua. Tôi coi quá khứ đã chết, để tang những sai lầm khiến cha mẹ khốn khổ, vợ con hắt hủi”, người đàn ông kỳ quái tâm sự.
6 bức ảnh thờ ông Tia không chỉ đơn giản là ảnh thờ bởi bên dưới mỗi tấm là dòng chú thích ghi lần lượt: “Ăn chơi quậy tối đa, tía mạ nhìn không ra”, “Ai ơi nhìn thấy Năm Cam, anh ta còn chết mình ham nỗi gì”, “Ráng tu thân tích đức, hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, “Đời đen bạc, thế gian có một không hai, đụng qua thực tế đắng cay trăm bề”…
Ông Tia bảo ông làm vậy để tự nhắc nhở bản thân, cũng muốn vợ con biết rằng ông đã biết lỗi. Vậy mà đến giờ con trai vẫn chưa tha thứ cho ông, quyết không kế thừa những gì ông đã dày ông dựng xây.
Người đàn ông cô độc lập bàn thờ cho mình đỡ tủi
Ông Tùng (SN 1954, An Giang) nổi tiếng khắp chân ngọn núi Sam là người kỳ quặc và có thói quen độc lạ. Ông tự thờ chính mình, hàng ngày thắp hương, tự cúng bia và trái cây lên trước di ảnh rồi “thụ lộc”. Thậm chí có hôm ông còn vừa uống bia vừa lẩm nhẩm gì đó, giống như đang tâm sự với chính mình khiến hàng xóm không khỏi xót xa.
Người dân quanh đó kể rằng, ông Tùng vốn có một gia đình hạnh phúc. Chục năm trước, vợ ông không chịu nổi cảnh nghèo khó đã bỏ nhà đi tìm người đàn ông khác. Ông chấp nhận hiện thực, một mình gồng gánh nuôi con trai lớn khôn với hi vọng về già có chỗ nương tựa. Vậy mà số phận đứa con hẩm hiu, qua đời khi vừa tròn 25 tuổi.
Ông Tùng tự thờ chính mình, hàng ngày thắp hương, tự cúng bia và trái cây lên trước di ảnh rồi “thụ lộc”.
Nhắc đến chuyện vì sao lại lập bàn thờ chính mình, chú Tùng trầm ngâm cho biết, năm 1978, chú rời quê nhà Bình Định đi bộ đội rồi biệt tăm không một tin tức. Gia đình hỏi thăm khắp nơi vẫn không có tin liên quan đến việc chú còn sống hay đã chết. Do đó cháu của chú đã lập bàn thờ cúng mấy năm trời.
Năm 1983, chú Tùng bỗng trở về quê nhà khiến gia đình không khỏi hoảng sợ. “Đứa cháu nói với tôi rằng ngày đó ngỡ tôi đã chết ở chiến trường nên lập bàn thờ để cúng giỗ. Nó bảo sẽ gỡ xuống nhưng tôi từ chối vì xưa nay làm gì có ai lập bàn thờ rồi lại phá bỏ đâu chứ. Vì thế tôi đã đặt tấm ảnh mới nhất của mình lên đó”, chú Tùng nói.
Vài tháng sau, chú Tùng nghĩ lại, nghe lời người thân liền lấy tấm di ảnh xống. Ngờ đâu vài hôm sau chú bỗng tái phát bệnh đau dạ dày, đau khớp… Chú nghĩ ngay đến chuyện gỡ di ảnh có điều chẳng lành nên đã đặt lại vị trí cũ. Trùng hợp là bệnh của chú khỏi luôn.
Sau này chú Tùng nhiều lần lấy tấm di ảnh của chính mình xuống. Nhưng lần nào lấy chú cũng phát bệnh đến mức không thể gượng dậy nổi. Chú đành để lại chỗ cũ, chấp nhận đó chính là số mệnh của bản thân.
“Ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày giỗ của ông tôi. Tôi thường làm mâm cơm cúng rồi mời vài ba người bạn tới ăn uống và chung vui. Thực sự gần 40 năm qua, tôi càng ngẫm càng thấy việc lập bàn thờ cho chính mình là hợp lý bởi trước sau gì cũng phải lập. Khi ấy làm gì có ai lập cho, cũng chẳng có ai thờ cúng như hiện tại”, người đàn ông An Giang nói.