Rất thường xuyên, những chuyện đáng buồn về cách hành xử giữa giáo viên và học sinh hoặc ngược lại vẫn xảy ra. Mà nguyên nhân đôi khi chỉ vì thiếu một chút lòng thành, một chút kiên nhẫn với nhau.
Cô giáo Trần Thị Thao đã công tác hơn 20 năm ở Trường tiểu học Ba Vì, xã Ba Vì, huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Chừng ấy năm dạy học sinh đồng bào, cô Thao có thể giao tiếp bằng tiếng H’Re ở mức phổ thông, tuy nhiên những tình huống dở khóc dở cười vẫn xảy ra.
Cô Thao kể, thời gian đầu công tác, một học sinh muốn xin phép cô giáo ra ngoài đi vệ sinh nhưng không biết từ “đi vệ sinh” trong tiếng Việt, em cứ ậm ờ tiếng mẹ đẻ khiến cô bối rối. Rồi sự bối rối chuyển từ gương mặt cô giáo sang gương mặt em, em “tè” ngay trong lớp. Mặt em đỏ bừng xấu hổ, cô giáo phải nghiêm giọng để ngăn những tiếng cười rõ to từ những bạn học vô tư trong lớp.
Đó chỉ là một tình huống giao tiếp điển hình của những giáo viên người Kinh lên mạn ngược dạy chữ cho học sinh đồng bào.
(Ảnh: Vietnamnet)
Giao tiếp đã khó khăn, thì việc học văn hóa còn khó biết chừng nào. Qua mỗi tình huống trớ trêu, cô giáo lại học thêm một từ vựng mới. Bản thân cô cũng tự nỗ lực giao tiếp nhiều hơn với đồng bào, bổ sung vốn từ để “kết nối” với các em.
Tôi gặp cô giáo Thao bên lề "Hội thi Tiếng Việt cho chúng em". Một hội thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thường niên trong những năm gần đây để đánh giá chất lượng dạy và học tiếng Việt của các trường tiểu học miền núi.
Trên sân khấu của buổi lễ khai mạc, một học sinh tiểu học của huyện Ba Tơ đang dõng dạc hùng biện bằng tiếng Việt về lịch sử hào hùng của vùng đất em đang sống. Phần hùng biện xuất sắc khiến những tràng vỗ tay tán thưởng dưới hội trường vang lên không ngớt.
Ánh mắt của cô giáo Thao không giấu nổi tự hào, bởi sự tán thưởng dành cho em cũng là sự đền đáp cho nỗ lực của những người giáo viên như cô.
Để học sinh đồng bào có thể tiếp cận kiến thức bằng tiếng Việt, ngành giáo dục đã tổ chức lớp tiếng Việt trước khi vào lớp một và nhiều tiết học tiếng Việt tăng cường. Nhưng để kết nối với các em, các thầy cô giáo vùng cao còn phải học “ngoại ngữ” của đồng bào. Đó là những nỗ lực âm thầm không có ai vỗ tay tán thưởng. Nhưng rào cản ngôn ngữ đã không còn là rào cản khi có lòng thành và nỗ lực kết nối từ hai phía.
Chúng ta tự hào có truyền thống tôn sư trọng đạo và ca ngợi tình thầy trò thiêng liêng. Nhưng rất thường xuyên, những chuyện đáng buồn về cách hành xử giữa giáo viên và học sinh hoặc ngược lại vẫn xảy ra. Mà nguyên nhân đôi khi chỉ vì thiếu một chút lòng thành, một chút kiên nhẫn với nhau.
Tôi đã thấy một cô giáo lên Facebook chế giễu những học sinh không yêu thích, không hiểu môn học của mình. Ở chiều ngược lại, bây giờ học sinh không chỉ lén lút bình phẩm, chê bai bài giảng của thầy bên hàng quán nước mà sẵn sàng lên mạng nói xấu giáo viên.
Và rất thường xuyên, ở vị thế người thầy, giáo viên biến học sinh thành nạn nhân cho sự nóng giận của mình. Cuối tháng 5 vừa qua, một cô giáo ở Tuyên Quang bị cho thôi việc sau khi đánh một học sinh lớp 2 đến tím chân, chỉ vì em viết đi viết lại không đúng một chữ trong giờ luyện chính tả.
Một năm học đã trôi qua và những vấn đề của ngành giáo dục vẫn còn đó. Có những vấn đề thuộc về lỗi hệ thống, chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Nhưng cũng có những điều mà chính giáo viên, học sinh có thể cải thiện, đôi khi chỉ là thêm một chút thiện chí, một chút kiên nhẫn, một hành xử đúng mực.
Giá mà người giáo viên đánh học sinh đến tím chân kia biết rằng ở một huyện miền núi xa xôi nào đó, có một cô giáo đã cúi xuống để lắng nghe em học sinh đang ngượng đỏ mặt vì bất đồng ngôn ngữ và học từ em hai tiếng “đi tè”.