Hơn 15 năm qua, bà Zơ Râm Thị Nhoi (71 tuổi, trú thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã “biến” nhà mình thành nơi ở trọ miễn phí và dùng tiền lương hưu hàng tháng để nuôi học sinh miền núi ăn học.
Cô giáo biết 10 ngoại ngữ, có trí nhớ như 'từ điển sống'
Ông Đinh Xuân Quỳ, chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Thạnh Mỹ giới thiệu cho chúng tôi về bà Nhoi trong niềm vui và sự hãnh diện: “Ở địa phương này, không ai như bà Nhoi cả. Cống hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập dân tộc, về già bà lại mở tấm lòng mình đón các cháu học sinh vùng cao xa xôi vào nhà ở theo học con chữ. Thương các cháu gia đình nghèo khó không có tiền ăn uống, bà lại lấy luôn tiền lương hưu để nuôi các cháu. Tấm lòng bà Nhoi như tấm gương sáng soi về lòng tốt giữa núi rừng đại ngàn”.
Chia sẻ tận tình, ông Quỳ vội cắp chiếc cặp dẫn chúng tôi tìm về nhà bà Nhoi để gặp. Qua những khúc đường quanh co, chúng tôi cũng đến được ngôi nhà cấp 4, mái tranh, tường gỗ bao đời như những đồng bào vùng cao xây dựng. Bà Nhoi nở nụ cười tươi gặp chúng tôi khi vừa đi nhặt củi khô về nấu bữa cơm tối cho các cháu ở trọ.
Bà Zơ Râm Thị Nhoi, người phụ nữ hơn 15 năm nuôi các cháu học sinh miền núi ăn học.
Khi biết chúng tôi tìm hiểu về việc làm của mình, bà Nhoi tươi cười. Bà bảo: “Việc làm cũng không đáng là bao, con cháu trong nhà nên thêm người ở cho cuộc sống vui vẻ mỗi ngày thôi”. Nhớ lại những hồi ức của một thời bom đạn chiến tranh, bà Nhoi kể trong nỗi niềm của người đã về tuổi xế chiều.
Bà Nhoi là người dân tộc Tà Riềng, sinh ra khi đất nước đang đau thương chiến tranh. Như bao người con xóm làng, đến tuổi biết cầm cối giã gạo, bà Nhoi rời quê nhà ở xã La Dê tham gia lực lượng thanh niên xung phong rồi đi bộ đội.
Trong thời gian công tác và chiến đấu ở Cục Hậu cần Quân khu 5, máy bay B52 Mỹ thả bom khiến bà bị thương. Sau đó nhờ đồng đội phát hiện kịp thời tổ chức đưa bà ra miền Bắc điều trị. Bà Nhoi bảo: “Khi quân đội Mỹ ném bom, người mà tôi yêu thương đã che chở nên tôi mới sống…nhưng người đó đã mất”.
Tháng 12/1970, sau khi được chữa trị hồi phục, bà Nhoi xung phong tình nguyện trở lại chiến trường miền Nam. Ngày quê hương giải phóng, bà về công tác tại trường Văn hóa Hạ sĩ quan đóng tại Hội An. Tháng 8/1977, bà công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang) và nghỉ hưu năm 1986.
Về hưu, bà Nhoi sống một mình thủy chung với người mình yêu thương đã hi sinh trong chiến trận. Bà tham gia Hội CCB thị trấn Thạnh Mỹ cùng các đồng đội hăng hái xây dựng phong trào làm kinh tế, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống.
Năm 1999, trường phổ thông cấp hai ba được xây dựng để con em đồng bào dân tộc các xã vùng cao học tập. Là người con dân tộc Tà Riềng, chứng kiến con, cháu mình xuống huyện “học chữ” nhưng không có chỗ trọ, bà liền dọn dẹp căn nhà nhỏ của mình để đón các cháu vào ăn ở cùng mình.
Thương các cháu ham học, bà Nhoi dành dụm số tiền phụ cấp hằng tháng hơn một triệu đồng để chăm lo từng bữa cơm, quần áo, sách vở cho các cháu. Căn nhà bà Nhoi ở hiện giờ chỉ vỏn vẹn chừng 25m2 nhưng chúng tôi quan sát trong có đến ba chiếc giường. Khi các cháu xuống trọ học, nhiều em vì gia đình quá khó khăn, cha mẹ chỉ làm nương rẫy không đủ ăn nên đòi đưa các cháu về đi làm.
“Những lúc ấy, tôi bảo khi nào còn sức thì tôi còn lo cho chúng được bữa cơm, cuốn sách để học. Là con cháu đồng bào mình, tôi không thương thì ai thương. Thế nên năm nào tôi cũng đón các cháu vào ở với mình cả” – bà Nhoi kể.
Số tiền phụ cấp hằng tháng ít ỏi, sống một mình còn có thể tằn tiện trong chi tiêu, để nuôi các cháu, bà Nhoi tần tảo sớm hôm làm nương rẫy để kiếm thêm đồng tiền phụ giúp vào. Nhiều người thấy bà đã già, bao năm qua chưa một lần được nghỉ ngơi vui vầy mà làm lụng cực khổ nuôi “người dưng”. Nghe những lời như vậy, bà Nhoi không buồn mà cười bảo: “Sống ở đời giúp đỡ một ai đâu có cần trả ân huệ gì. Tôi chỉ mong các cháu được học tập tốt, không lo lắng gì cả. Mai này, nếu có thành tài, về giúp đỡ gia đình mình có cuộc sống tốt hơn, quê hương phát triển đổi mới là vui rồi!”
Khi được chúng tôi hỏi về những lứa học sinh được mình nuôi dưỡng, bà có còn nhớ được bao nhiêu cháu không? Bà Nhoi bảo, từ khi thành lập trường cấp hai ba (hiện đổi tên là THPT Nam Giang) đến nay, mỗi năm tôi nuôi cũng được 7 cháu. Vậy là hơn 15 năm qua gần 100 học sinh đã được bà Nhoi nuôi dưỡng để ăn học nên người.
“Hiện tại ở huyện Nam Giang này có hai cháu làm nghề bác sĩ, hai cháu cũng là y tá. Ngoài ra cũng có hơn năm cháu làm giáo viên dạy cấp một và cấp hai tại các địa phương vùng cao. Mỗi khi có dịp về huyện công tác lại ghé thăm hỏi. Tôi vui lắm, chỉ mong có thế thôi!” – bà Nhoi khoe.
Giờ đây, tuổi đã cao nhưng bà Nhoi vẫn còn nuôi dưỡng các cháu học tập tại nhà mình. Từng lứa học sinh trưởng thành là mái tóc bà điểm bạc thêm vì lo lắng trong từng miếng ăn, giấc ngủ, sách vở và quần áo cho các cháu. Thế nhưng, lúc nào trên gương mặt bà cũng nở nụ cười tươi khi nghe ai đó nhắc về các cháu được nuôi dưỡng ăn học thành tài.