Không chỉ VietJet Air phải chịu trách nhiệm về sự cố chở nhầm khách, Cục Hàng không Việt Nam còn đình chỉ công tác hàng loạt cá nhân và kiểm điểm các doanh nghiệp có liên quan do không thực hiện đúng quy trình, dẫn đến sai sót nghiêm trọng của chuyến bay VJ8575.
Hôm 10/7, cục Hàng không Việt Nam đã chính thức có kết luận về sự cố VietJet Air chở nhầm 200 khách mua vé Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng lại được bay đến Cam Ranh (Khánh Hòa) trên chuyến bay VJ8575.
Trước đó, tối 19/6, VietJet Air có 2 chuyến bay đi từ Hà Nội đến Cam Ranh (VJ8575) và Đà Lạt (VJ8861). Tuy nhiên, do máy bay trục trặc kỹ thuật nên hãng phải thay đổi lịch khai thác. Nhưng hãng chưa triển khai đồng bộ việc thay đổi kế hoạch bay đến tất cả các đầu mối liên quan nên chuyến bay VJ8575 có hành trình Hà Nội - Cam Ranh nhưng lại chở theo toàn bộ hành khách, hành lý, hàng hoá của chuyến bay VJ8861 có hành trình Hà Nội - Đà Lạt. Tổ lái không nhận được kế hoạch khai thác thay đổi nên vẫn chuẩn bị và thực hiện chuyến bay VJ8575 đường bay Hà Nội - Cam Ranh theo đúng kế hoạch bay không lưu đã được chấp thuận và còn hiệu lực. Các đơn vị có liên quan không thực hiện đúng quy trình nên không phát hiện ra sự nhầm lẫn của VietJet Air.
Trong quá trình thực hiện chuyến bay, tổ lái không nhận biết được sự nhầm lẫn hành khách trên tàu bay cho đến khi được Đài chỉ huy không lưu Cam Ranh thông báo vào giai đoạn tiếp cận chót (cách sân bay Cam Ranh 5 dặm bay – tương đương 8 km). Tiếp viên và hành khách không nhận biết được đang ở trên tàu bay đi Cam Ranh do quy chế khai thác tàu bay của Bộ Giao thông Vận tải, tài liệu hướng dẫn khai thác của VietJet Air không quy định việc phát thanh của cơ trưởng về thông tin hành trình bay cho hành khách; tổ lái không có nhiệm vụ nghe phát thanh của tiếp viên; tiếp viên không trao đổi, xin thông tin về hành trình bay từ tổ lái.
Máy bay VietJet Air tại sân đỗ Sân bay quốc tế Nội Bài
Từ sự cố này, Cục Hàng không Việt Nam đã đình chỉ Giấy phép người lái tàu của Cơ trưởng Pavel Ondrej, Cơ phó Amin Hassiri và Tiếp viên trưởng Phan Thị Hương Trang để VietJet Air thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm và huấn luyện lại các quy trình khai thác cũng như kỹ năng phối hợp tổ bay (CRM). Giám đốc Trung tâm điều hành bay (OMC) Elvis Gilbert của VietJet Air cũng bị đình chỉ công tác đến ngày 1/8 để công ty thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm và huấn luyện lại quy trình khai thác, lập và triển khai kế hoạch khai thác, kế hoạch bay không lưu.
Các cá nhân thuộc các đơn vị liên quan khác bị đình chỉ giấy phép gồm 2 nhân viên thủ tục bay của Cơ sở thủ tục bay Nội Bài thuộc là Phùng Thị Hương và Phạm Như Tùng để Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm và huấn luyện lại các quy trình thủ tục bay. Nhân viên trực hiệp đồng của Đài kiểm soát không lưu Nội Bài thuộc Công ty quản lý bay miền Bắc là Bùi Diệu Huyền cũng bị đình chỉ giấy phép điều hành không lưu để điểm trách nhiệm và huấn luyện lại quy trình hiệp đồng và thông báo bay. Thời gian đình chỉ giấy phép của các cá nhân nói trên là 30 ngày.
Cục Hàng không cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tập thể đối với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Cảng vụ Hàng không miền Bắc. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Phó giám đốc trực chỉ huy khai thác khu bay sân bay Quốc tế Nội Bài ngày 19/6. Đình chỉ công việc đối với Trưởng cơ sở thủ tục bay Nội Bài và Phó trưởng cơ sở thủ tục bay Nội Bài trực chỉ huy ngày 19/6 đến 31/7 để thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm và huấn luyện lại các quy trình thủ tục bay.
Đối với Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Lại Xuân Thanh yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan về công tác giám sát việc lập và triển khai kế hoạch bay tại cảng hàng không, sân bay, việc thanh tra bay đối với hãng hàng không. Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ thanh kiểm tra toàn diện hoạt động đối với các cơ quan thủ tục bay tại các cảng hàng không, sân bay và các bộ phận điều độ khai thác bay của các hãng hàng không sau sự cố hy hữu này.