Trại nuôi lợn vẫn bị ngập sâu trong nước và cô lập. Hiện đã có gần 6.000 con lợn chết đuối, đang phân hủy mạnh và bốc mùi hôi thối.
Hàng nghìn con lợn đủ chủng loại từ lợn thịt đến lợn nái, lợn giống bị chết vẫn đang nổi lềnh bềnh trong dòng nước lũ. Số lợn chết đã bắt đầu phân hủy mạnh, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Số lợn chết vẫn nổi trên nước, đang phân hủy mạnh và bốc mùi hôi thối nồng nặc
Ông Lê Ngọc Hùng - Giám đốc kinh doanh Công ty Thái Dương buồn rầu cho biết, đến thời điểm hiện tại, có đến gần 6.000 con lợn bị chết trong 4 chuồng nuôi quy mô lớn và chỉ có khoảng 200 con lợn được cứu sống.
Hiện mực nước tại trang trại tuy đã rút nhưng vẫn ở mức cao, ngập nửa người nên số lợn chết vẫn chưa thể thu gom để mang đi tiêu hủy mà nổi ở khắp nơi trong trại nuôi.
Hiện số lợn chết đã lên đến gần 6.000 con. Mực nước hiện tại vẫn đang ở mức cao, gây khó khăn trong việc thu gom xác lợn để tiêu hủy.
“Chúng tôi vẫn chưa thống kê được thiệt hại là bao nhiêu, nhưng ước tính trung bình mỗi con lợn có giá trị 4 triệu đồng/con, nhân với số con bị thiệt hại thì đã mất trắng nhiều tỷ đồng” - ông Hùng nói.
Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định, cho biết: “Hiện địa phương đang chỉ đạo, phối hợp với đơn vị chăn nuôi tiến hành di chuyển những con lợn còn sống lên chỗ cao. Còn lại, tiến hành thu gom hết số lợn đã chết để đưa đi tiêu hủy, đồng thời tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường".
Mới chỉ có khoảng 200 con lợn được cứu sống, đưa đến nơi cao hơn.
Được biết, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Thái Dương đóng tại khu vực Trại giam số 5, thuộc địa bàn Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định, Thanh Hóa) là trang trại nuôi lợn có quy mô lớn nhất huyện. Khi nước lũ lên nhanh, trại lợn lại nằm ở khu vực gần sông Hép nên bị nước dâng ngập sâu và cô lập.
Trung tá Trịnh Dũng Tiến, Đội trưởng Đội Tham mưu - Trại giam số 5 (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an; đóng trên địa bàn thị trấn Thống Nhất), cho biết mưa lũ những ngày qua khiến 2 phân trại của đơn vị bị ngập sâu trong nước và cô lập.
Không chỉ trang trại lợn mà nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp như lúa, rau, hoa màu... phục vụ lương thực phẩm cho phạm nhân và cán bộ trại giam cũng bị ngập nước. Ước tính ban đầu, lũ lụt đã gây hại gần 10 tỉ đồng.
Phân trại của Trại giam số 5 (Tổng cục VIII) đóng ở huyện Yên Định, Thanh Hóa mênh mông nước.
Hai phân trại số 2 và 3 của trại giam số 5 có khoảng 700 phạm nhân, nằm bên dòng sông Hép nên nước lũ lên nhanh ngập sâu hơn 1 m. Để đảm bảo an toàn, các phạm nhân đã được di chuyển lên gác 2 của các phân trại. Trại 5 đã huy động hàng trăm cán bộ ngày đêm túc trực, canh gách nghiêm ngặt và dùng ca nô để đưa cơm và nước cho các phạm nhân. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 17 giờ ngày 12/10, tỉnh Thanh Hóa đã có 14 người chết do mưa lũ, 5 người đang mất tích và 5 người bị thương. Mưa lũ cũng đã gây làm sập 36 ngôi nhà, hơn 17.000 ngôi nhà ngập trong nước… |
>>>XEM THÊM: Hàng nghìn con lợn chết đuối, nổi lềnh bềnh trong nước lũ