Là người phụ nữ bình thường nhưng chị lại quyết định lấy một người tâm thần, nguyện cả đời chăm sóc anh, làm chỗ dựa tinh thần cho anh.
Câu chuyện đầy nhân văn giữa chị Nguyễn Thị Hằng và anh Nguyễn Đức Đăng (thôn Văn Hội, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) khiến không ít người phải rơi nước mắt. Người phụ nữ khốn khổ ấy chỉ có một mơ ước duy nhất, các con của mình biết chữ, biết viết tên của con mình sau này.
Đám cưới của một người tâm thần và một người "hâm"
Vừa bước đến cổng nhà, một người mẹ đang ẵm đứa con trên tay, vội vàng chạy giục đứa con gái lớn bê dẹp cái mâm lèo tèo mấy cái bát vào xó nhà.
Trên nền nhà ướt nhớp nháp bùn đất, bằng giọng điệu ú ớ, chị giải thích: "Tôi mới đi bắt cua, ốc về, chân tay chửa kịp rửa chạy vào nhà bế con. Cô chú xem, tôi không ở nhà thì mọi thứ cứ lung tung lên". Thấy nhà có người lạ, anh Đăng chồng chị cứ ngồi bệt trên nền nhà mà cười tủm tỉm.
Ba đứa con của chị Hằng.
Trước đây, anh Đăng là một thanh niên khỏe mạnh, hoạt bát. Năm 1975 anh nhập ngũ, cho đến năm 1978 được điều chuyển sang chiến trường Campuchia. Chiến đấu được hơn 1 năm thì mắc chứng bệnh tâm thần. "Chú Đăng là tinh ranh nhất nhà đấy, từ lúc bị một trận ốm sinh tử, khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì bệnh thần kinh càng ngày càng nặng.
Mỗi khi lên cơn, cứ nhảy múa, đập phá, chạy ra đường la hét đánh người, có khi bỏ nhà đi hàng tháng trời, tỉnh thì lại tha thẩn tự mò về nhà" cô Le, chị dâu anh Đăng tâm sự. Chạy chữa khắp nơi không đỡ, không còn tiền tiếp tế và thăm nom, cả nhà quyết định cho anh về xích vào chân giường và bàn tính chuyện tìm người chăm sóc anh.
Chị Hằng là người làng bên, từ khi sinh ra đã thiếu tình thương của mẹ. Nhà nghèo, sống cảnh con chồng nên tuổi thơ chị lang thang khắp nơi. Không chịu được cảnh gà trống nuôi con, bố chị quyết định đi bước nữa. Cuộc sống chị Hằng vốn khổ cực nay càng cay đắng hơn.
Không có tình yêu của người mẹ đẻ, người dì ghẻ đày đọa, cuộc sống của chị chìm trong tủi nhục. Không được đi học như chúng bạn, Hằng hằng ngày phải ở nhà đi mò cua bắt ốc. Thế rồi thời gian cứ thế bẵng đi, chị quên luôn cả việc lấy chồng.
Chị kể, trước đây, bộ đội có đến đóng quân tại làng, cũng có một vài người đến hỏi cưới vì thấy chị hiền lành, chịu khó. Nghĩ thân phận hẩm hiu của mình nên chị chẳng để ý đến ai, chị nghĩ sẽ ở vậy đến hết đời.
Một lần đến xã Văn Hội gặt lúa cho cô em, trong lúc giải lao, mọi người đùa vui, gán ghép chị với anh Đăng. Chị chỉ cười và nói, đời mình chẳng bao giờ nghĩ sẽ nên duyên chồng vợ với một người đàn ông có đầu óc không bình thường.
Thế nhưng, ông trời run rủi thế nào để chị gặp người đàn ông không bình thường ấy. Thấy anh Đăng hiền khô, ngồi chơi như một đứa trẻ khiến người phụ nữ quá lứa ấy mủi lòng.
Chị đã rơi nước mắt nhìn vào đôi mắt của anh, chẳng hiểu sao trong phút giây ấy chị lại muốn chăm sóc anh, muốn làm chỗ dựa cho anh đến cuối đời. Biết được chị Hằng có tình cảm với em mình, cô Le quyết định ngỏ lời muốn chị Hằng về bên này để cùng sống và chăm sóc em. Đến cô Le cũng không thể ngờ được, chỉ gợi ý thôi nhưng chị Hằng gật đầu mà chẳng cần suy nghĩ.
Chị Hằng chỉ mong các con được đi học thành người.
Cô Le, xúc động nhớ lại những ngày đi tìm vợ cho anh: "Tôi là tôi nghĩ đến cho bố mẹ già và em nó, mà chú ấy là đàn ông, có người vợ chăm nom cũng đỡ hơn. Thế là tôi liều một phen đi hỏi thử. Không ngờ khi hỏi cô Hằng ở làng bên, cô ý lại gật đầu ngay".
Cả nhà vừa mừng vừa lo, liệu rằng người con gái ấy có theo được anh không? Rồi những lúc trái nắng trở trời, chẳng đỡ đần được gì lại làm khổ vợ con. Hoàn cảnh ấy không biết vợ chồng sống với nhau được mấy ngày?
Sau nhiều băn khoăn, hai gia đình cũng đi đến quyết định để họ về ở với nhau. Đám cưới vội vã được hai họ chuẩn bị vỏn vẹn trong 10 ngày. Dù tổ chức không được linh đình, phần vì gia đình khó khăn phần vì anh chồng không được mạnh khỏe như người ta. Vậy mà, đám cưới ấy lại đông người đến dự nhất làng.
Ai cũng thương cho anh Đăng, cảm phục chị Hằng mà đến chúc phúc cho họ. Cô Le kể: "Đám cưới đông lắm, nhiều người thương cho cả hai nên đến chúc phúc. Họ hàng, làng xóm mỗi người cho một ít những mong họ vượt qua được khó khăn''.
Nhìn cái cách mà chị Hằng chăm sóc chồng con mới thấy nghị lực phi thường của người phụ nữ ấy lớn thế nào. Chị chỉ lặng lẽ nói: "Cái số em nó khổ, chứ em được nhà anh Đăng hỏi là em mừng lắm. Chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng, có nhà mà cứ phải lang thang không được về. Hơn 30 tuổi đầu không lấy được chồng, lại mù chữ…", nói đến đây, chị bỏ lửng không nói tiếp.