Hạnh phúc giản dị của người vợ bình thường lấy anh chồng tâm thần

Ngày 17/09/2017 11:22 AM (GMT+7)

Là người phụ nữ bình thường nhưng chị lại quyết định lấy một người tâm thần, nguyện cả đời chăm sóc anh, làm chỗ dựa tinh thần cho anh.

Lấy được anh Đăng, chị có một mái nhà để về, thêm một người để yêu thương. Những ngày anh lên cơn, chị khổ lắm, phải xích anh ở nhà không lại chạy ra đường đánh người, hay đi mất tích.

Thế mà dần dần qua bàn tay chăm sóc của chị, bệnh tình anh đỡ hẳn, giờ chỉ ngồi một chỗ không bỏ đi nữa. Một năm sau, bé Hiểu Ly ra đời, căn nhà có một người tâm thần, một người hơi hâm hâm ngày càng ấm áp.

"Phải cho con học để sau này biết viết tên của chính con mình"

Nhìn quanh quất nhà chị Hằng, chỉ có ngôi nhà mới xây là còn sáng màu sơn mới. Tất cả vật dụng trong nhà đều cũ kĩ sứt mẻ. Khi chúng tôi mới vào nhà, chị giục con bé lớn chạy sang hàng xóm mượn ghế để ngồi. Rồi chị nói: "Nhà chẳng có gì đáng giá, ngoài cái xe đạp cà tàng đi chợ, còn căn nhà này năm ngoái được bên xã cho 20 triệu, nên nó không còn hụt trước trống sau. Đồ đạc toàn là đồ thải của bà con cho đấy".

Mù chữ nên chị Hằng không có nghề, ngoài 1 sào ruộng, hàng ngày dù nắng hay mưa chị vẫn tha thẩn ở bờ kênh, con rạch bắt cua, bắt ốc.

Sức khỏe anh ngày càng yếu dần, dù những cơn điên giờ ít nổi hơn nhưng anh chẳng thể giúp chị được gì. Nhà nghèo lại càng nghèo hơn khi có thêm Hiểu Ly. Mấy năm trước, bố mẹ chồng chị lại chạy đôn chạy đáo khi chị sinh đứa thứ hai.

Những lúc tỉnh là anh Đăng vẫn có thể ngồi ôm đứa con nhỏ để cho vợ ra đồng. Tiền thuốc thang, học hành của anh và con đều chờ chị kiếm về.

Hạnh phúc giản dị của người vợ bình thường lấy anh chồng tâm thần - 1

Anh Đăng nhiều lúc không tỉnh táo.

Chị Hằng nói trong tiếng nấc: "Giấy tờ của nhà, bị anh ý xé hết, hai năm trước mới xin được cái giấy xác nhận hộ nghèo, các bệnh viện bảo phải viết đơn xin hỗ trợ thuốc cho anh Đăng, mà tôi không biết chữ, đã nghèo lại còn nghèo hơn".

Cuộc sống khó khăn thế mà chị vẫn kiên cường cho đến tận bây giờ cũng chỉ vì con cái. Ước mơ của chị Hằng là cái Ly được đi học và biết cái chữ, để nó không phải giống như chị. Giờ nó học cấp 2 cũng  giúp đỡ chị phần nào, biết quét cái nhà, trông em…

Được bà con chỉ dẫn, chị cũng biết mua nguyên liệu làm vàng mã về kiếm thêm. Sống trong thiếu thốn và ảnh hưởng bệnh thần kinh của bố nên Hiểu Ly không được tinh ranh. Mỗi ngày rảnh rỗi không đến trường, em cũng biết ngồi giúp mẹ dán giấy vàng.

"Một ngày cháu làm được 500 đồng cho mẹ cháu cô nhé. Cháu biết nhà cháu nghèo, bố lại bị bệnh nên cháu chỉ biết cố gắng phụ mẹ việc nhà, giúp mẹ kiếm thêm thu nhập để nuôi bố và các em"- Ly tươi cười khoe.

Hỏi chuyện học ở lớp, con bé Hiểu Ly chỉ cười và không nói gì. Chị Hằng bùi ngùi: "Nó học không khá lắm, ở nhà có ai dạy nó đâu. Các cô giáo thương còn chú ý đến nó. Hình như ở trên lớp, cũng hay bị các bạn trêu ghẹo nên nó càng ngày càng nhát".

Chị Bùi Thị Thanh Hường, cô giáo của bé Ly kể: "Ở trường cũng biết đến hoàn cảnh của Ly, nhà trường cũng hết sức tạo điều kiện cho em đi học. Miễn giảm toàn bộ các khoản đóng góp, học phí cũng chỉ đóng một nửa.

Ly là học sinh đặc biệt của tôi. Em có sức khỏe kém, học sinh chậm phát triển trí tuệ, nhưng có ý thức học tập và ý chí vươn lên. So với các em học sinh khuyết tật thì Ly xếp loại khá theo từng năm tiến bộ".

Chia tay chúng tôi, bé Ly nói khẽ, sau này muốn làm bác sĩ để kiếm tiền nuôi mẹ, chữa bệnh cho bố. Nghe được câu nói của con gái, chị Hằng khóc không thành tiếng: "Sống chết gì tôi cũng phải cho hai đứa học đến nơi đến chốn, để chúng nó có thể viết được tên cho chính những đứa con của mình cô chú ạ".

Theo Phong Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h