Vụ án TMV Cát Tường từng gây bao bức xúc cho dư luận tưởng chừng đã khép lại sau khi TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường 19 năm tù, nhưng thông tin từ TAND TP. Hà Nội cho biết, chiều 22/12, cơ quan xét xử này đã nhận được đơn kháng cáo của Nguyễn Mạnh Tường - chủ TMV Cát Tường.
Trong đơn, bác sỹ vứt xác bệnh nhân phi tang kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Trước đó, vợ của tên bác sỹ đồ tể này cũng đã làm đơn kháng cáo xin lại một nửa chiếc xe tang vật trong vụ án. Xung quanh thông tin này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, bác sỹ “đồ tể” Tường không có cơ hội thoát tội hoặc giảm án nếu không đưa ra được tình tiết mới.
Đơn kháng cáo chỉ có... 5 dòng
Trước thông tin bị cáo Nguyễn Mạnh Tường làm đơn kháng cáo gửi TAND TP.Hà Nội vào ngày 23/12, PV báo Đời sống và Pháp luật tìm cách liên lạc với luật sư Chu Thị Trang Vân (bào chữa cho bị cáo Tường tại phiên toà sơ thẩm) để có cái nhìn đa chiều. Tuy nhiên, luật sư Trang Vân không bắt máy nghe điện thoại một cách khó hiểu. Ở đây sẽ xảy ra hai trường hợp, một là luật sư Trang Vân không được gia đình bị cáo Tường mời tham gia bào chữa ở phiên toà phúc thẩm nên không muốn dính vào vụ án này nữa. Hai là luật sư Trang Vân tiếp tục được mời tham gia bào chữa, do vậy phải giữ kín thông tin đến khi phiên toà phúc thẩm được mở ra.
Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường chỉ có 5 dòng.
Trở lại đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường gửi TAND TP. Hà Nội, theo ghi nhận của một cán bộ TAND TP. Hà Nội, đây là một tờ đơn kháng cáo độc nhất vô nhị, bởi nội dung chỉ vỏn vẹn 5 dòng chữ viết nguệch ngoạc, thể hiện tâm trạng không được tốt của người viết. Bị cáo Tường kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng toà (TAND TP. Hà Nội) xử chưa thoả đáng, khiến tội chồng tội, cáo trạng có nhiều điểm chưa đúng và mức án với Tường là quá nặng.
Điều đáng nói, bị cáo Tường không đưa ra được căn cứ pháp lý hay tài liệu chứng minh cho những lời kháng cáo của mình. Phải chăng, trong tâm trạng bất an trước bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 19 năm tù về 2 tội (Vi phạm quy định về khám chữa bệnh: 14 năm tù; Xâm phạm thi thể, mồ mả: 4 năm tù) và mức bồi thường dân sự “khủng” lên đến 585 triệu đồng cho gia đình bị hại, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường làm đơn kháng cáo theo quán tính?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Trần Văn An- Trưởng Văn phòng luật sư Dân An, kiêm Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang phân tích: Bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội đã tuyên đúng người, đúng tội. Hồ sơ vụ án thể hiện, TMV Cát Tường không đủ điều kiện thực hiện các ca làm thẩm mỹ, nhưng Tường vẫn làm chui. Trong khi thực hiện việc hút mỡ cho chị H., bác sỹ Tường đã thực hiện một loạt các thao tác (thể hiện rõ trong bản án sơ thẩm) không đúng quy trình làm thẩm mỹ, thậm chí còn tắc trách, để nạn nhân bị sốc trong khi mình chạy ra ngoài làm việc khác. Nếu lúc đó Tường ngồi cạnh bệnh nhân, thì có thể chị H. đã không chết một cách tức tưởi như vậy. Xuất phát từ các Vi phạm về trình tự, thủ tục làm thẩm mỹ, bác sỹ Tường đã gây ra hậu quả chết người cho bệnh nhân. Toà đã xử Tường đúng về tội Vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh, luật sư An nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Trần Văn An, bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội không có chuyện tội chồng tội như đơn kháng cáo của Tường. Bởi khi bệnh nhân chết là kết thúc tội vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh. Sau đó, Tường tiếp tục thực hiện chuỗi hành vi phi tang xác nạn nhân. Hành vi này cấu thành tội xâm phạm thi thể, mồ mả. Hai tội danh của Tường mắc phải hoàn toàn độc lập, tách rời nhau. Luật sư An nêu quan điểm cá nhân: Trong phiên toà phúc thẩm tới đây, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường khó có cơ hội thoát tội. May chăng, việc giảm hình phạt sẽ được HĐXX xem xét nếu có căn cứ pháp lý chính đáng.
Gia đình nạn nhân lên tiếng
Ngay sau khi có thông tin về việc bị cáo Tường làm đơn kháng cáo, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh H. để hỏi về quan điểm của họ. Bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ chị H. cho biết, gia đình cũng mới nghe thông tin vợ chồng Tường làm đơn kháng cáo.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường tại phiên xử sơ thẩm.
Khi được hỏi về quan điểm của gia đình, mẹ nạn nhân H. cho rằng: “Thực ra, ngay khi TAND TP.Hà Nội đưa ra bản án đối với Tường, gia đình tôi đã không thấy thoải mái rồi. Chúng tôi vẫn muốn tòa tuyên anh ta tội Giết người vì nó có liên đới đến nhiều người khác. Tuy nhiên, theo như luật sư và một số người phân tích thì mức độ ảnh hưởng đến dư luận của vụ án này là rất lớn nên gia đình cũng đành chấp nhận để dư luận lắng xuống, Xã hội ổn định. Tôi cũng nghĩ vụ án khép lại thì gia đình cũng đỡ đau buồn, chuyện cũ không bị xới lại. Tuy nhiên, không hiểu sao Nguyễn Mạnh Tường lại làm đơn kháng cáo.
Nhưng riêng với trường hợp của Tường thì chúng tôi thấy việc kháng án kêu oan là không thỏa đáng. Sắp tới, chúng tôi xem tòa phúc thẩm sẽ xử như thế nào. Nếu Tường được giảm án thì cũng phải có đủ căn cứ lý lẽ. Phải nói là hợp lý, thích đáng với tội của anh ta, còn mức án mà không thỏa đáng, gia đình chúng tôi sẽ có ý kiến, thậm chí chúng tôi sẽ gửi đơn lên cấp cao hơn”.
Tuy nhiên, về vấn đề dư luận cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, bà Hiền cho biết: “Quá trình xảy ra vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, tôi thấy Lê Thị Thúy Mai (Phó Giám đốc TMV Cát Tường) là một người rất quan trọng trong quá trình Tường làm phẫu thuật thẩm mỹ đối với con tôi cũng như hàng loạt hành động của chị ta sau này như thủ tiêu vật chứng. Việc Mai không liên đới thì rất khó hiểu. Mai nhìn thấy H. trong tình trạng nguy kịch mà không đưa đi cấp cứu thì cũng là điều đáng trách.
Ngoài ra, Mai cũng nhờ hai người lạ mặt là bạn của Mai đến TMV Cát Tường khi con gái tôi xảy ra chuyện, để nhờ lo giải quyết. Hoặc vợ Tường cũng ngồi trên xe khi đi ném xác con tôi xuống sông... Lẽ ra những người đó phải chịu trách nhiệm trước cái chết của H., chứ không chỉ riêng Tường và Khánh. Chính bản thân gia đình tôi cũng rất thắc mắc nhưng không hiểu sao phía Cơ quan điều tra và tòa án đã không làm rõ vấn đề đó. Tại tòa sơ thẩm, không đối chất các lời khai “đối lập” nhau...”.
Trước khi kết thúc cuộc trao đổi với PV, bà Hiền cũng thở dài: “Trước dư luận xã hội như thế, gia đình tôi cũng cân nhắc rất kỹ, không muốn vụ án gây ảnh hưởng lớn đến dư luận. Sau khi xử xong phiên sơ thẩm, gia đình tôi chấp nhận nhịn đi một bước để cho yên ổn, cho xong chuyện. Nhưng nay lại nghe tin Tường kháng cáo toàn bộ bản án, kêu oan thì chúng tôi thấy không hài lòng. Hiện tại, sức khỏe tôi cũng không được tốt, tôi vẫn phải uống thuốc đều đều, vì vậy tôi rất sợ, cứ yên yên một chút lại xới lại nỗi đau. Tôi thấy mệt mỏi quá...”.
Vợ bị cáo đòi chia lại giá trị nửa chiếc xe tang vật là không có căn cứ Một diễn biến khác, vợ bị cáo Tường là bà Nguyễn Thị Hằng (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) cũng có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội. Theo đó, bà Hằng yêu cầu được chia lại nửa giá trị chiếc xe ô tô mà chồng mình chở thi thể nạn nhân đi phi tang. Lý do, chiếc xe ô tô này là tài sản chung của vợ chồng bà. Theo luật gia Hồng Minh, yêu cầu kháng cáo của bà Hằng rất khó được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận. Bởi lẽ, chiếc ô tô này là tang vật của một vụ án, sau này sẽ giao cho cơ quan thi hành án để đảm bảo việc thi hành án cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường. So với số tiền 585 triệu đồng mà bị cáo Tường phải thi hành (trả cho gia đình bị hại), thì giá trị của chiếc ô tôvẫn chưa đáp ứng đủ số tiền này. |