Nguyễn Mạnh Tường dựa vào tình tiết nào để kêu oan?

Ngày 24/12/2014 15:34 PM (GMT+7)

Trong bản kháng cáo, Nguyễn Mạnh Tường cho rằng tòa đã xử không đúng tội danh.

Nội dung đơn kháng cáo của Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú xóm 6, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội - nguyên Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường, nguyên bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, người vừa bị tuyên phạt 19 năm tù về hai tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác") chỉ gói gọn trong vài dòng chữ. Tường cho rằng, việc xét xử là không đúng tội danh, tuyên án quá nặng, cáo trạng truy tố có nhiều điểm không đúng.

Theo các luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội, kháng cáo của Tường là kháng cáo kêu oan, không phải là xin giảm nhẹ hình phạt.

“Kháng cáo kêu oan nghĩa là người đó phủ nhận tội danh mà tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt. Còn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là người đó thừa nhận hành vi phạm tội của mình, thấy mức án nặng nên xin giảm nhẹ” – luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết.

Nguyễn Mạnh Tường dựa vào tình tiết nào để kêu oan? - 1

Nguyễn Mạnh Tường.

Đơn kháng cáo của Tường không đưa ra những lập luận, dẫn chứng cho việc kêu oan, nhưng nhìn lại diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm có thể thấy bị cáo luôn dựa vào tình tiết chưa rõ nguyên nhân cái chết của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền để phủ nhận tội danh bị truy tố: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.

Tường lập luận rằng khó có thể khẳng định bị cáo đã gây ra cái chết cho chị Huyền. Tường cho rằng phương pháp và quy trình phẫu thuật của mình làm là đúng, còn nguyên nhân chị Huyền tử vong không rõ do chăm sóc sau giải phẫu hay sốc thuốc tê hoặc bệnh gì của chị Huyền.

Bào chữa cho Tường, luật sư Chu Thị Trang Vân cũng xoáy vào tình tiết này. Theo quan điểm của luật sư Vân, thời điểm chị Huyền tử vong là khi nào, nguyên nhân chết là gì, chưa rõ thì chưa thể khẳng định được các thủ thuật của Tường làm chết chị Huyền. Khi còn những nghi ngờ chưa được làm sáng tỏ thì phải xử lý theo hướng có lợi cho bị cáo.

Theo nhiều luật sư, với những tình tiết quan trọng trong vụ án mà cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ thì việc Tường kháng cáo kêu oan khó có căn cứ để xem xét.

Theo đó, chị Huyền là người bình thường, nhưng sau khi vào phẫu thuật đã bị tử vong. Mặt khác, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ của Tường chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp phép hoạt động nhưng vẫn hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Sở Y tế Hà Nội cũng đã có công văn trả lời cơ quan điều tra khẳng định phương pháp để cho lắng mỡ không qua ly tâm được Tường áp dụng trong quá trình phẫu thuật không đúng với quy trình chuẩn.

Thời điểm xảy ra vụ án là ngày 19.10.2013, các kỹ thuật khám, chữa bệnh thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc không có kỹ thuật hút mỡ bơm ngực. Thông tư số 41, ngày 14.11.2001 của Bộ Y tế quy định không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, nâng vú, thu nhỏ thành bụng, mông, đùi, lấy mỡ cơ thể...

Theo Lương Kết (Dân Việt)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thẩm mỹ viện Cát Tường