Khi nhà lãnh đạo tập đoàn lớn Samsung qua đời, những người thừa kế khối tài sản khổng lồ của ông có thể sẽ phải gánh khoản thuế khổng lồ từ tài sản thừa kế.
Khoản thuế khổng lồ từ tiền thừa kế
Khi nhà lãnh đạo tập đoàn lớn Samsung, ông Lee Kun-hee qua đời, những người thừa kế khối tài sản khổng lồ của ông – người vợ Hong Ra-hee, con trai Jae-yong, con gái Boo-jin và Seo-hyun - có thể sẽ phải gánh khoản thuế từ thừa kế lớn kỷ lục, nguồn tin từ ngành thuế nhận định.
Ông Lee Kun-hee, nhà lãnh đạo đại gia tộc lớn hàng đầu Hàn Quốc, tập đoàn Samsung mất trong một bệnh viện ở Seoul hôm 25/10 ở tuổi 78.
Cố chủ tịch Samsung Lee Kun-hee
Cố chủ tịch Lee nắm giữ 4,18% cổ phần của Samsung Electronics. Ông cũng sở hữu 29,76 % cổ phần của công ty bảo hiểm Samsung và 2,88% cổ phần trong công ty Samsung C&T. Cổ phần của ông Lee trong công ty Samsung SDS ước tính khoảng 0,01%.
Theo số liệu của Reuters, doanh thu các công ty con của Samsung trong năm 2019 là 326,7 ngàn tỉ won, tương đương 17% tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc.
Trong khi đó, số liệu ước tính từ Forbes cho thấy tổng tài sản của cựu chủ tịch Lee lên tới 20,9 tỉ USD. Ngoài tài sản khổng lồ từ cổ phần, ông Lee còn sở hữu khối bất động sản rất lớn. Hai tòa nhà ở trung tâm Seoul của ông là những nhà riêng đắt nhất Hàn Quốc với diện tích đất lên tới 1.245 và 3.422 mét vuông. Ước tính giá trị của các ngôi nhà này vào khoảng 40,9 tỉ won và 34,2 tỉ won.
Với tài sản như trên, chỉ tính riêng thuế cho khoản kế thừa từ cổ phần, những người kế thừa của chủ tịch Lee sẽ phải trả khoảng 10,6 ngàn tỉ won tiền thuế thừa kế. Gia đình ông Lee có thể chọn cách trả thuế trong nhiều năm. Theo luật pháp Hàn Quốc, những người thừa kế có thể trả dần khoản thuế thừa kế trong thời gian 5 năm.
Trước đó, những người thừa kế của gia tộc tập đoàn LG, cũng đã chọn cách trả thuế thừa kế trong vòng 5 năm sau khi họ nhận được khoản kế thừa từ nhà lãnh đạo quá cố.
Người vợ, bà Hong hiện đang nắm giữ 0,91 % cổ phần trong công ty Samsung Electronics với tài sản ước tính khoảng 3,2 ngàn tỉ won. Trong khi đó, con trai duy nhất, Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics, Lee Jae-yong nắm giữ 0,7% cổ phần trong công ty này cùng 17,33% cổ phần trong Samsung C&T với tổng giá trị ước tính tới 7,1 ngàn tỉ won.
Những rắc rối nảy sinh
Ngoài việc phải trả khoản thuế khổng lồ, vợ con của người giàu nhất Hàn Quốc còn có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý phát sinh sau khi ông Lee Kun-hee qua đời. Cựu chủ tịch Lee qua đời để lại nhiều vấn đề khó khăn về kế thừa cho thế hệ thứ ba, tờ Business-standard nhận định.
Chủ tịch Lee qua đời sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm đến việc tái cơ cấu của tập đoàn vì những liên quan đến cổ phần của ông Lee trong các công ty chủ chốt của Samsung như Samsung Life và Samsung Electronics.
Ông Lee Jae-yong, “Thái tử Samsung” (người ở giữa) là một trong những người kế vị khối tài sản khổng lồ của cựu chủ tịch Samsung.
Ai sẽ là người kế vị tập đoàn là câu hỏi được giới đầu tư đặt ra: Vợ, hay ai trong số 3 người con?.
Bà Lee Boo Jin, con gái lớn của cố chủ tịch Samsung, hiện đang quản lý chuỗi khách sạn Shilla thuộc Samsung; bà Lee Seo Hyun phụ trách Quỹ phúc lợi Samsung. Người con trai duy nhất của ông Lee, Jae-yong, hiện đang là phó chủ tịch Samsung Electronics. Kể từ khi cha đổ bệnh năm 2014, Jae-yong đã trở thành chủ tịch trên thực tế của cả tập đoàn và được nhiều người gọi bằng danh xưng "Thái tử Samsung".
Tuy nhiên, do hiện chỉ nắm giữ số cổ phần rất nhỏ trong Samsung Life Insurance và Samsung Electronics, những người trong ngành suy đoán ông Jae-yong có thể sẽ chọn thừa kế quyền sở hữu cổ phần của cha ông để nắm chắc hơn tập đoàn.
Có điều người con trai duy nhất của ông Lee lại vướng vào những rắc rối pháp lý liên quan đến việc hợp nhất hai chi nhánh của Samsung. Điều này có thể gây khó khăn cho việc tìm người kế vị cho chủ tịch Lee.
Con trai cựu chủ tịch thậm chí từng phải ngồi tù vì liên quan đến vụ bê bối hối lộ dẫn đến việc luận tội Tổng thống khi đó là bà Park Geun-hye. Vụ án hiện đang được kháng nghị. Một phiên tòa riêng biệt xử tội gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu đã bắt đầu vào tháng này.
Ahn Sang-hee, một chuyên gia về quản trị doanh nghiệp tại viện Nghiên cứu Kinh tế Daishin cho biết: “Với việc ông Lee qua đời, Tập đoàn Samsung hiện đang phải đối mặt với sự thay đổi quản trị lớn nhất kể từ khi sáp nhập giữa Cheil Industries và Samsung C&T” vào năm 2015.
"Đã 6 năm kể từ khi ông Lee Kun-hee nhập viện, nếu vợ và các con của ông ấy đã đạt được sự đồng thuận phân chia tài sản, Samsung sẽ trải qua biến cố này một cách êm thấm. Nếu không, rất có thể sẽ có phát sinh giữa những người ở lại", ông Park Sang In, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul chia sẻ với AFP.
Tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc Ông Lee Kun-hee sinh ra tại Daegu, ở bán đảo Triều Tiên vào ngày 9/1/1942. Cha ông là ông Lee Byung-Chull thành lập Samsung ban đầu chỉ là một công ty xuất khẩu trái cây và cá khô. Ông Lee Kun-hee tốt nghiệp Đại học Waseda ở Tokyo năm 1965 và sau đó theo học thạc sĩ tại Đại học George Washington. Ông Lee Kun-hee đứng đầu danh sách các tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc do Forbes công bố. Ngoài ra, ông xếp thứ hạng 75 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2020 do Forbes công bố. Ông được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2005. Thời điểm ông Lee Kun-hee kế nhiệm cha, Samsung đã đứng ở vị trí trung tâm của nền kinh tế Hàn Quốc với tổng tài sản khi đó khoảng 8 ngàn tỉ Won. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các nước phương Tây chỉ biết bộ phận điện tử của tập đoàn, tức Samsung Electronics, với tư cách là nhà sản xuất TV giá rẻ và lò vi sóng không mấy tên tuổi. Dưới sự dẫn dắt của ông Lee Kun-hee, Samsung từ một tập đoàn địa phương trở thành một tập đoàn toàn cầu, góp phần đưa Hàn Quốc từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá thành nền kinh tế thứ 12 thế giới. |