Phương án thi tốt nghiệp 2 ngày được nhiều hiệu trưởng, học sinh các trường trung học phổ thông đồng tình. Họ cho rằng, với phương án này, học sinh đi lại đỡ vất vả hơn, chi phí ít hơn.
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo 4 phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT gửi tới các sở giáo dục & đào tạo trong cả nước để lấy ý kiến đóng góp. Theo dự thảo, phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ vừa đưa ra, các thí sinh có thể hoàn thành kỳ thi nhanh nhất trong 2 ngày và chậm nhất là 4 ngày.
Cô Lê Nguyên Hương, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, nhà trường đồng tình với phương án 1, thi tốt nghiệp diễn ra trong 2 ngày. Với phương án này, nhà trường, học sinh sẽ bớt được kinh phí. Các em học sinh đi lại đỡ mệt mỏi, vất vả hơn.
“Một số ý kiến cho rằng nếu thi như vậy, thời gian nghỉ giữa các môn thi sẽ chỉ khoảng 75 phút, tâm lý học sinh dễ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi thấy lập luận đó cũng không hẳn đúng bởi kiến thức các em đã được rèn luyện trong suốt 3 năm học, đến ngày thi các em chỉ việc vận dụng vào bài làm thôi. Thời gian nghỉ giữa các môn nhiều hay ít không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng bài làm của các em”, cô Hương chia sẻ.
Cô Hương cho biết thêm, ở trường cô, mỗi khi kiểm tra, thi, học sinh thường xuyên phải làm nhiều môn thi khác nhau trong thời gian ngắn nên phương án thi 2 ngày không ảnh hưởng gì tới chất lượng bài thi của các em.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
Ngay sau khi biết phương án thi tốt nghiệp 4 môn mà Bộ GD-ĐT công bố, cô Hương và học sinh trường Nguyễn Huệ khá phấn khởi. Cô Hương chia sẻ rằng, về cơ bản phương án là tốt, học sinh có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, với việc tự chọn 2 môn trong số 6 môn còn lại, nhiều học sinh sẽ chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi mình yêu thích. Như vậy, ngoài hai môn bắt buộc là môn Văn, Toán, học sinh theo khối C sẽ chọn thêm Sử hoặc Địa. Hay học sinh khối A có thể chọn thêm môn Lý, Hóa.
“Sau khi biết dự thảo, phần lớn học sinh trường tôi đều nghiêng về phương án 1, thi trong 2 ngày. Tinh thần các em đều phấn chấn, sẵn sàng cho việc ôn và thi tốt nghiệp sắp tới”, cô Hương nói.
Thầy Phạm Trọng Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cũng đồng tình với phương án thi tốt nghiệp trong 2 ngày. Ông nói rằng, có rất nhiều học sinh phải đi xa hơn 10 km mới tới được trường học. Do vậy, việc rút ngắn thời gian thi, vừa giúp các em học sinh đi lại đỡ vất vả, vừa giảm chi phí cho gia đình các em.
“Với phương án này, học sinh sẽ không bị ảnh hưởng gì về tâm lý, hay kiến thức. Trước kỳ thi, học sinh đều được thầy cô ở trường ôn luyện rất kỹ kiến thức, nội dung thi. Nếu như khi đi thi, các em chỉ coi đó như một kỳ kiểm tra học kỳ thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn, làm bài cũng tốt hơn”, ông Đạt bày tỏ.
Ông Đạt cho rằng, với phương án thi 3 hoặc 4 ngày mà Bộ đưa ra, về cơ bản học sinh có nhiều thời gian chuẩn bị hơn, nhưng rất có thể một số em sẽ rơi vào trạng thái hồi hộp, lo lắng. Các hội đồng thi hoạt động thêm một ngày cũng mệt mỏi, tốn kém hơn.
Ông Dương Minh Thông, Hiệu trưởng trường THPT Ứng Hòa A, huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho hay, bản thân ông và nhiều học sinh đều nghiêng về phương án thi tốt nghiệp 2 ngày.
“Về cơ bản thì học sinh không có ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, phương án thi 2 ngày vẫn chưa hoàn hảo bởi lịch thi như vậy giáo viên sẽ phải luôn chuyển đổi ca trong ngày thi. Thời gian nghỉ giữa các ca ít nên khó tránh khỏi giáo viên căng thẳng trong việc thu bài, giám sát thi”, ông Thông nói.
Em Nguyễn Duy Hải, học sinh lớp 12, trường THPT Trương Định, Hà Nội khá vui khi biết thông tin thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có hai môn tự chọn. Hải kể, khi đi thi đại học em sẽ chọn thi khối D. Hiện tại, ngoài hai môn thi tốt nghiệp bắt buộc, Hải dự định sẽ chọn thêm môn Hóa, Anh.
“Em cũng đã xem qua dự thảo về lịch thi tốt nghiệp các môn. Nhìn chung, em thấy lịch thi tạo thuận lợi cho học sinh nhiều. Tuy nhiên, em vẫn nghiêng về phương án thi 2 ngày. Bởi em nghĩ kỳ thi mà kéo dài 4 ngày sẽ rất lâu, tâm lý chúng em dễ bị tác động, phân tán”, Hải bộc bạch.
Dự thảo 4 phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT như sau: Phương án 1: Tổ chức thi trong 2 ngày: Ngày 2/6: Buổi sáng thi Ngữ văn từ 7h15-9h15, thi Vật lý từ 10h30-11h30. Buổi chiều thi Sinh học từ 13h30-14h30, thi Lịch sử từ 15h45-17h15. Ngày 3/6: Buổi sáng thi Toán từ 7h15-9h15, thi Ngoại ngữ từ 10h30-11h30. Buổi chiều thi Hóa học từ 13h30-14h30, thi Địa lý từ 15h45-17h15. Phương án 2: Tổ chức thi trong 5 buổi (2,5 ngày). Ngày 2/6: Buổi sáng thi Ngữ văn từ 8-10h. Buổi chiều thi Lịch sử từ 13h30-15h, thi Vật lý từ 16h15-17h15. Ngày 3/6: Buổi sáng thi Toán từ 8-10h. Buổi chiều thi Địa lý từ 13h30-15h, thi Hóa học từ 16h15-17h15. Ngày 4/6: Buổi sáng thi Ngoại ngữ từ 8h-9h, thi Sinh học từ 10h15-11h15. Phương án 3: Tổ chức thi trong 6 buổi. Ngày 2/6: buổi sáng thi Toán từ 8h - 10h. Chiều thi Vật lý từ 13h30 - 14h30, thi Địa lý từ 15h45 - 17h15. Ngày 3/6: buổi sáng thi Ngữ văn từ 8h - 10h. Buổi chiều thi Hóa học từ 13h30 - 14h30, thi Lịch sử từ 15h45 - 17h15. Ngày 4/6: buổi sáng thi Ngoại ngữ từ 8h - 9h. Buổi chiều thi Sinh học từ 13h30 - 14h30. Phương án 4: Kỳ thi diễn ra trong 4 ngày, mỗi buổi học sinh sẽ dự thi 1 môn. Theo dự thảo trên, môn Toán và Ngữ văn thi tự luận với thời gian 120 phút. Môn Lịch Sử, Địa lý thi tự luận với thời gian 90 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm trong 60 phút và môn Ngoại ngữ (cả phần tự luận và trắc nghiệm) thi 60 phút. |