Thi tốt nghiệp: "Lịch thi vẫn bất lợi cho HS"

Ngày 26/02/2014 23:51 PM (GMT+7)

Hiệu trưởng nhiều trường THPT cho rằng, về cơ bản phương án thi tốt nghiệp 4 môn là tốt, giúp học sinh giảm áp lực, căng thẳng trong học tập, thi cử. Tuy nhiên, việc Bộ thay đổi lịch thi từ 3 ngày (năm 2013) xuống còn hai ngày là chưa hợp lý, theo lịch thi đó, nhiều em học sinh có thể phải thi 3 môn

Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2014 với 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ Văn, hai môn thi tự chọn sẽ nằm trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ. Thí sinh sẽ được tự chọn 2 môn thi theo nguyện vọng cá nhân.

Thi 4 môn giảm áp lực cho học sinh

Cô Trần Thị Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Minh Khai, huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết, về cơ bản thi tốt nghiệp 4 môn là một phương án tốt, đồng thời giảm được áp lực học hành và thi cử cho học sinh. Ngoài ra, với phương án này học sinh có thêm nhiều sự lựa chọn, học sinh học giỏi khối C ngoài hai môn bắt buộc có thể chọn thêm Địa lý, hoặc Lịch sử. Học sinh giỏi khối A cũng có thể chọn thêm môn Hóa học hay Vật lý trong số các môn tự chọn.

Tuy nhiên theo cô Thủy, điều cô chưa hài lòng ở phương án vừa công bố, trong môn thi bắt buộc không có môn Ngoại ngữ. “Bây giờ là thời đại đất nước hội nhập quốc tế, mọi người sử dụng tiếng Anh để giao tiếp rất phổ biến, nếu Bộ GD không dùng môn Ngoại ngữ là môn bắt buộc mà chuyển sang thành môn tự chọn thì học sinh sẽ không chịu khó học, việc giao tiếp bằng ngoại ngữ đối với học sinh lại là một điểm hạn chế. Do đó, tôi thấy học sinh học, thi môn Ngoại ngữ là cần thiết”, Cô Thủy chia sẻ.

Thi tốt nghiệp: quot;Lịch thi vẫn bất lợi cho HSquot; - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2013

Cô Thủy cho biết thêm, học sinh ở vùng đồng bằng lại càng cần học môn Ngoại ngữ hơn bởi sau khi tốt nghiệp ở các trường chuyên nghiệp đi xin việc ở cơ quan, công ty họ đều đòi hỏi phải thông thạo tiếng Anh, tin học và nó gần như là tiêu chí bắt buộc cần phải có. Còn nếu Bộ để môn Ngoại ngữ là môn tự chọn thì chỉ phù hợp với học sinh ở vùng sâu, vùng sa, bởi các em học sinh ở đó điều kiện học chưa tốt, nhiều em còn hạn chế về mặt nhận thức.

Kết quả thi tốt nghiệp năm nay sẽ được đánh giá bằng 50%, còn lại 50% từ kết quả học tập của học sinh trong 3 năm học. Cô Thủy cho rằng về cơ bản thì phương án tốt, với phương án này học sinh sẽ phải chú trọng rèn luyện trong quá trình học phổ thông. Tuy nhiên, nếu nhà trường không làm gay gắt thì rất dễ nảy sinh tiêu cực trong nhà trường bởi có thể thầy, cô nhân nhượng mà cho học sinh điểm cao, hoặc học sinh lại xin điểm…

Sau khi biết phương án thi 4 môn, trường của cô Thủy đã lên kế hoạch ôn thi hai môn Văn, Toán cho học sinh toàn khối 12, mỗi lớp 4 tiết/1 môn/1 tuần.

Thầy Trần Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Trần Thánh Tông, Hà Nội cho hay, so với phương án 5 môn trước đây Bộ GD đưa ra thì phương án thi tốt nghiệp 4 môn là tốt. Rõ ràng phương án này đã có sự thay đổi lớn, khắc phục được việc quá sức, áp lực đối với học sinh. Việc Bộ bỏ quy định miễn 20% thi tốt nghiệp hay chuyển môn Ngoại ngữ từ bắt buộc sang tự chọn là hợp lý. Đối với học sinh thì phương án này ổn, thuận lợi, đỡ gây áp lực và giúp các em dễ đậu hơn.

“Lịch thi chưa hợp lý”

Như vậy với lịch thi này có thể một lượng không nhỏ học sinh phải thi 3 môn/ngày, gây mệt mỏi, căng thẳng cho học sinh và người nhà.

Ví dụ, nếu là một học sinh theo khối A, ngoài hai môn bắt buộc ra sẽ có xu hướng chọn Vật lý và Hóa học là môn thi tốt nghiệp. Trong khi đó, lịch thi tốt nghiệp ngày thứ nhất, bên cạnh môn Ngữ văn (bắt buộc), môn Vật lý và Hóa học thi cùng ngày.

Theo GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội, lịch thi này vẫn chưa thực sự tốt cho học sinh, các em vẫn bị ảnh hưởng tâm lý bởi cùng một thời gian ngắn huy động quá nhiều lượng kiến thức.

GS Cương đề xuất, cũng với lịch thi như vậy nếu Bộ GD ra quy định các môn tự chọn nhưng vẫn yêu cầu thêm điều kiện thì sẽ tốt hơn. Cụ thể trong các môn tự chọn sẽ được phân chia thành hai nhóm, nhóm 1 gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm hai gồm Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ.

Khi học sinh chọn hai môn tự chọn, Bộ sẽ yêu cầu thêm điều kiện là học sinh phải chọn 2 môn ở hai nhóm khác nhau (học sinh bắt buộc phải chọn ở mỗi nhóm 1 môn).

Như vậy đến ngày thi thứ nhất, buổi sáng học sinh sẽ thi Toán, buổi chiều thi Văn. Ngày thi thứ hai, 7h sáng học sinh có thể thi môn Vật lý, Hóa học, Sinh học song song cùng một lúc (tức là mỗi học sinh chỉ được chọn 1 trong 3 môn ấy). Học sinh thi môn nào thì tự vào phòng đó và làm theo hướng dẫn của giám thị thi cử bình thường. Đến 9h, học sinh lại thi song hành tiếp môn Sử, Địa lý, Ngoại ngữ.

“Làm theo cách trên học sinh sẽ không bị trùng 3 môn trên/1 ngày thi. Mỗi mỗi thi tự chọn chỉ có 60 phút, học sinh vẫn có thời gian chuẩn bị. Mặt khác kỳ thi cũng chỉ kéo dài trong vòng một ngày rưỡi là xong”, GS Cương nói.

Theo Đức Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan