Trước những lùm xùm trên mạng xã hội về việc thầy dạy nhạc thân mật quá mức với học viên, nghệ nhân Vĩnh Tuấn đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Nghệ nhân đàn tranh Vĩnh Tuấn: "Mọi người đang nhìn dưới con mắt dung tục"
Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao trước loạt hình ảnh thầy giáo "ăn kem kiểu Ý", ôm nhau tắm bùn giữa người truyền dạy âm nhạc với các học viên. Cụ thể, đó là những bức ảnh chụp nghệ nhân Vĩnh Tuấn ở khu Duyệt Thị Trang (Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai) với cách dạy đàn tranh kiểu mới, khác hẳn phương pháp thông thường. Nhiều cư dân mạng đưa ra một loạt bức ảnh và bình luận rằng nghệ nhân Vĩnh Tuấn đã thân mật quá mức với các học viên, tạo nên những hình ảnh phản cảm. Đó là cảnh các học viên ăn kem kiểu Ý với thầy, ăn mặc thoáng tắm bùn cùng thầy…
Trước những ý kiến trên, nghệ nhân Vĩnh Tuấn cho rằng đó là cách nghĩ, cách hiểu dưới con mắt của mọi người, còn bản thân mình hoàn toàn không cho đó là phản cảm, dung tục. Theo nghệ nhân Vĩnh Tuấn, những người đến học đàn tranh ở Duyệt Thị Trang không phải là người mẫu, hotgirl hay những cô gái quá nổi bật về nhan sắc. Họ chỉ là những người yêu âm nhạc dân tộc cổ truyền, thậm chí là những người có học thức, địa vị trong xã hội. Bởi vậy, chính bản thân họ cũng sẽ biết cái gì đúng, cái gì sai và biết việc nghệ nhân Vĩnh Tuấn dạy học đàn tranh như thế nào.
Một số hình ảnh của nghệ nhân Vĩnh Tuấn khiến dư luận cho là phản cảm.
“Nếu tôi có làm điều gì khuất tất, phản cảm như mọi người nói thì dại gì mà đưa lên mạng xã hội để mọi người biết”, nghệ nhân Vĩnh Tuấn chia sẻ. Theo nghệ nhân này, đa số các hình ảnh ông đưa lên mạng xã hội mọi người đều nhìn thấy 3 thứ: Thứ nhất là tửu (rượu), thứ hai là sắc (phụ nữ), thứ ba là cảnh nghèo khổ (hay còn gọi là "cái bang").
Với những hình ảnh đó, nếu nhìn với con mắt của những người "phàm phu" thì họ sẽ đưa ra nhận xét như trên mạng xã hội. Còn dưới con mắt của "trượng phu" họ sẽ nhìn nhận và hiểu theo cách khác.
Trên trang cá nhân, nghệ nhân Vĩnh Tuấn hay đăng tải hình ảnh uống rượu, phụ nữ và dạy học đàn trong cảnh nghèo khổ.
“Vì nhiều người có cách nhìn như vậy nên tôi vẫn nói cách dạy nhạc của tôi không dành cho người "phàm phu". Chỉ những ai thật sự yêu nhạc dân tộc cổ truyền, hướng đến những người đã đạt đến cõi ngộ mới theo học được. Mà những ai theo được thì họ sẽ theo đến cùng, còn những ai không theo được họ sẽ từ bỏ ngay”, ông nói.
Nghệ nhân Vĩnh Tuấn chia sẻ thêm, với phương pháp dạy âm nhạc này, không chỉ cá nhân ông mà cả vợ, con ông cũng hỗ trợ rất nhiều. Bằng chứng rõ nhất là đến nay đã có hơn 338 học viên (cái bang) về Duyệt Thị Trang học đàn tranh. Trong đó có cả những người nước ngoài cũng đến đây để đăng ký học.
Nghệ nhân Vĩnh Tuấn đang dạy đàn cho một học viên.
"Có người tôi chỉ hướng dẫn 1 ngày đã biết chơi đàn"
Đối với việc nhiều người thắc mắc về phương pháp dạy đàn tranh khác biệt, đi ngược lại với cách hiểu thông thường về nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Vĩnh Tuấn cho rằng, để học được đàn tranh đầy đủ hết từ lý thuyết đến thực hành…thì các học viên cần phải biết nốt nhạc, nhạc lý…như vậy không thể học trong ngày một, ngày hai được.
“Trong khi những người về Duyệt Thị Trang học đàn tranh họ không có thời gian để học nốt nhạc, nhạc lý mà họ chỉ cần biết đàn là được. Vì vậy, đây là cách để các học viên học tắt, để biết cách đàn”, nghệ nhân Vĩnh Tuấn lý giải.
Con người ai cũng biết cách cảm thu âm nhạc theo cách của riêng mình. Tuy nhiên, để học đàn tranh thì cần phải có năng khiếu, vì thế nghệ nhân Vĩnh Tuấn chỉ dạy học viên trong 3 ngày là lâu nhất. Nếu 3 ngày vẫn không biết đàn, chứng tỏ học viên đó không có năng khiếu.
Nghệ sĩ Vĩnh Tuấn cho biết, cách ông làm là để khơi dậy tiềm năng học viên và giúp họ cảm thụ âm nhạc dân tộc tốt hơn.
“Khi đến đây, điều đầu tiên là tôi sẽ khơi dậy những tiềm năng còn tiềm ẩn trong con người họ, để họ tự tin thể hiện mình. Riêng với việc học đàn tranh, đa số mọi người khi quyết định đến đây học, họ đều có điểm chung là yêu nhạc dân tộc, vì thế họ cảm thụ rất nhanh. Có học viên tôi hướng dẫn chưa đến 1 ngày đã biết đàn”, nghệ nhân Vĩnh Tuấn chia sẻ.
Được biết, với tất cả học viên đến học đàn tranh, nghệ nhân Vĩnh Tuấn sẽ không thu học phí, bởi ông muốn nhiều người biết về âm nhạc dân tộc. “Tôi không thu học phí là để nhiều người hiểu và biết về nhạc dân tộc. Loại hình âm nhạc đang ngày càng mai một. Hiện nay, nhiều người sẵn sàng tấu đàn được một bản nhạc của nước ngoài, nhưng nhạc cụ dân tộc lại không hiểu gì. Tôi rất buồn vì điều đó, vì thế tôi muốn làm gì đó cho nhạc dân tộc”, nghệ nhân Vĩnh Tuấn nói.
Tới đây, nghệ nhân Vĩnh Tuấn sẽ vẫn áp dụng phương pháp dạy mà mình đang thực hiện.
Dù có nhiều lời nói thị phi, nhưng nghệ nhân Vĩnh Tuấn vẫn quyết theo đuổi những gì mình gây dựng và sẽ vẫn dạy các học viên theo phương pháp của mình. Ông cho rằng đó là cách để ông giới thiệu và gìn giữ âm nhạc dân tộc cổ truyền cho thế hệ mai sau.
Ông Vĩnh Tuấn là dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, cháu đời thứ 4 của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Từ khi mới lên 3, nghệ nhân Vĩnh Tuấn đã được mẹ rồi ông ngoại truyền dạy về âm nhạc dân tộc. Lớn lên, nghệ nhân Vĩnh Tuấn đi học trường nhạc rồi làm giảng viên dạy đàn tỳ bà và kèn Clarinet tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Sau đó, ông chuyển sang dạy thỉnh giảng về văn học dân gian ở ĐH Sư phạm Huế. Năm 1980, ông vào Sài Gòn, mở một xưởng làm đàn tranh, sau đó lên mua đất, làm trang trại tại Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai và ở đó cho đến bây giờ. Nghệ nhân Vĩnh Tuấn có vợ là bà Phan Thị Thanh Thúy. Hai người có với nhau 3 người con là Tôn Nữ Tần Tranh, Bảo Long và Bảo Thạnh. Ngay từ khi còn nhỏ các con đã được bố mẹ truyền dạy những ngón đàn dân tộc, nhất là nhã nhạc cung đình Huế. |