Lấy lý do ngày cận Tết, nhiều bãi gửi xe tự phát, hàng quán ăn uống ra sức “chặt chém” khách hàng.
Giá gửi xe tăng gấp 7 lần ngày thường
Những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nhu cầu đi lại mua sắm của người dân ở Hà Nội tăng cao. Từ sáng đến tối, đường phố lúc nào cũng tập nấp. Cùng với đó, nhiều bãi gửi xe tự phát mọc lên ở nhiều nơi và thỏa sức “chặt chém” khách hàng. Ngày thường, giá gửi xe máy theo quy định là 3.000 đồng/xe, nay được nâng lên từ 15.000 – 20.000 đồng/xe.
Theo ghi nhận của phóng viên, cạnh chợ hoa Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội), một bãi gửi xe tự phát mọc lên để phục vụ người bán hoa và người dân đi chợ mua sắm hoa ngày Tết. Hàng trăm chiếc xe máy được gửi tại đây với giá 20.000 đồng/xe.
Các bãi gửi xe ở Hà Nội ra sức “chặt chém” khách hàng với giá 20.000 đồng/xe máy.
Trên khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, giá trông giữ xe cũng được “hét” cao hơn ngày thường. Bãi trông xe ở cuối đường Đinh Tiên Hoàng ngày thường có giá là 5.000 đồng nay lên 15.000 đồng.
Một bãi gửi xe khác nằm trên phố Đinh Liệt (Hoàn Kiếm) cũng mọc lên trên vỉa hè. Chỉ với những tấm vé tự chế cắt từ bìa cốt-tông ghi số thứ tự và số điện thoại, chủ bãi xe lấy mỗi khách hàng 20.000 đồng/xe máy.
Một điểm gửi xe ở phố Đinh Liệt (Hoàn Kiếm), vé gửi xe được làm rất sơ sài.
Giá trông giữ xe ô tô cũng cao gấp đôi giá quy định với mức từ 50.000-80.000 đồng/xe. Thậm chí, một số nơi như Phủ Tây Hồ còn “hét” giá 100 ngàn đồng/xe.
Vẫn biết là bị "chặt chém" nhưng người dân vẫn phải chấp nhận gửi vì không biết để xe đâu khi muốn mua sắm, đi chơi. Hoặc nếu có thắc mắc, hầu hết các chủ bãi xe đều giải thích: “Ngày Tết mà, đắt hơn ngày thường cũng là chuyện bình thường. Không gửi thì đi ra cho người khác còn gửi”.
Các điểm trông giữ xe gần các bệnh viện cũng chớp cơ hội ngày Tết để tăng giá. Giá gửi xe ở cổng bệnh viện Việt Đức ở mức 10 ngàn đồng/chiếc.
Bún, phở, trà đá… đồng loạt tăng giá
Những ngày cận Tết, hầu hết cửa hàng, quán ăn uống ở Hà Nội đều đóng cửa. Chỉ còn một vài hàng quán nhỏ lẻ vẫn duy trì để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, giá cả bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với ngày thường.
Giá một bát bún gà ở đường Hoàng Cầu (quận Đống Đa) ngày thường có giá 20.000 đồng/bát, nay được đẩy lên giá 35.000 đồng. Thắc mắc thì chủ quán cho biết: “Ngày Tết mà em. Riêng ngày mai, em có muốn ăn cũng chẳng có”.
Giá bún riêu cua của một cửa hàng trên phố Nguyễn Khuyến ngày thường 25.000 đồng/bát nay tăng lên 40.000 đồng/bát. Miến trộn trên phố Bà Triệu tăng từ 30.000 lên 50.000 đồng/bát.
Không chỉ các cửa hàng, quán ăn tăng giá mà ngay cả các quán trà đá ở Hà Nội cũng ra sức “chặt chém” khách hàng với lý do ngày Tết.
Nước chè cũng tăng từ 3.000 đồng lên 10.000 đồng/cốc với lý do ngày Tết.
Chị Nguyễn Phương Thanh (quê Hải Phòng) cho biết, ngày 6.2 (tức 28 tháng Chạp Âm lịch), chị ra bến xe Giáp Bát để bắt xe về quê ăn Tết. Chị có ngồi uống một cốc trà đá ở bến xe nhưng khi thanh toán chủ quán “hét” giá 10.000 đồng.
“Ngày thường tôi uống trà đá với giá 3.000 đồng/cốc, nay thấy tăng giá 10.00 đồng/cốc. Tôi kêu đắt thì chủ quán phản ứng lại “ngày Tết chị vẫn không được về quê ăn Tết để ngồi đây phục vụ em mà còn kêu đắt cái gì”, chị Chi chia sẻ.