Ho gà khó bùng phát thành dịch

Ngày 28/01/2015 14:05 PM (GMT+7)

Các chuyên gia khẳng định, các ca ho gà đang điều trị tại BV Nhi Trung ương hiện nay là các ca bệnh rải rác, chưa phải dịch.

Đã ghi nhận 9 ca bệnh

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, theo dự báo của các chuyên gia bệnh ho gà sẽ không bùng phát thành dịch lớn vì tỷ lệ tiêm chủng ho gà đạt cao, trên 90%. 

Ho gà khó bùng phát thành dịch - 1

Bệnh nhi mắc ho gà biến chứng suy hô hấp đang điều trị tại khoa Hô hấp, BV  Nhi Trung ương (Ảnh BV)

PGS.TS Hiển cũng cho biết thêm, năm 2014 cả nước ghi nhận 107 ca mắc ho gà, tập trung chủ yếu Năm ngoài cả nước ghi nhận 107 ca mắc ho gà, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội 23 ca, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng.... Các ca bệnh ghi nhận tản phát, không thành dịch lớn.

Bài liên quan:

* Bài thuốc giúp trị ho gà

Nhiều trẻ nhỏ nguy kịch vì ho gà

Mỹ: 20.000 trường hợp bị nhiễm ho gà trong năm nay

Số trẻ nhập viện do tiêu chảy, hô hấp tăng vọt

“Việc ghi nhận các ca bệnh ho gà điều trị tại BV Nhi Trung ương hiện nay là điều bình thường trong bối cảnh chúng ta chưa thanh toán được bệnh và từ trước đến nay năm nào bệnh cũng xuất hiện rải rác vài ba ca”, PGS.TS Hiển nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng khẳng định người dân không nên quá hoang mang trước thông tin ca bệnh ho gà hiện nay. Theo điều tra, số trẻ mắc ho gà điều trị tại BV Nhi Trung ương đều là những trẻ chưa được tiêm hoặc không tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh.

Việc gián đoạn vắc xin có 2 nguyên nhân: những cháu lớn là do thời gian trước vắc xin Quinvaxem bị gián đoạn trong một thời gian, một số cháu không được tiêm chủng đầy đủ.

Trường hợp những trẻ nhỏ, thời gian qua do khan hiếm vắc xin dịch vụ, các bà mẹ cố chờ vắc xin dịch vụ không cho con đi tiêm chủng.

Tiêm vắc xin cần phải đủ và đúng lịch

“Bất cứ ai chưa tiêm đều có khả năng mắc ho gà. Những trẻ đã qua tuổi tiêm mà chưa tiêm thì vẫn có thể tiêm lại để phòng bệnh”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ, nhiều bà mẹ khi được hỏi cho biết chưa cho con đi tiêm vì thời gian qua khan hiếm vắc xin dịch vụ 6 in 1, 5 in 1, có chứa thành phần phòng bệnh ho gà. Tôi khuyên các bà mẹ không nên quá trông chờ vào vắc xin dịch vụ, khi hết vắc xin nên cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ hai tháng tuổi, đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà, nếu không được tiêm, trẻ hết miễn dịch từ mẹ sẽ có nguy cơ mắc bệnh sớm. Bài học của dịch sởi năm ngoái đã xảy ra, nhiều trẻ mắc bệnh và tử vong do không được tiêm vắc xin”.

Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay đang là mùa đông xuân, thời điểm nhiều bệnh nguy hiểm như sởi, rubella, ho gà ... Do đó, cách phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất là cho trẻ đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng lịch.

“Tôi xin nhấn mạnh, trẻ không chỉ cần được tiêm chủng đầy đủ mà cần phải đúng lịch để hiệu quả phòng bệnh được cao nhất. Mỗi bà mẹ khi sinh con ra cần phải ý thức được rằng con cần được tiêm chủng vắc xin, con cần tiêm vắc xin gì và khi nào cần tiêm”, PGS.TS Phu nói.

Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ được tiêm vắcxin phối hợp để phòng 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Trong đó, tiêm mũi một khi 2 tháng tuổi, mũi hai khi 3 tháng và mũi ba khi 4 tháng và trẻ tiêm thêm mũi thứ 4 nhắc lại khi được 18 tháng tuổi. Để phòng tránh mắc ho gà trẻ cần được tiêm phòng đẩy đủ vắc xin 5 trong 1 theo đúng lịch trình.

Tại BV Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị 9 ca ho gà, trong đó có 5 ca tại Hà Nội, còn lại các ca bệnh đến từ Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc.

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một ca ho gà vào điều trị và đã được xuất viện.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan