Được mệnh danh là hoàng hậu đẹp nhất châu Âu nhưng cuộc đời của bà lại là những chuỗi ngày bi kịch nối tiếp bi kịch, cuối cùng nhận cái kết đau đớn.
Ngày 25/4/1854, đám cưới của một trong những hoàng gia lớn nhất châu Âu được tổ chức. Đó là đám cưới giữa Hoàng đế của Áo Franz Joseph, 23 tuổi và Công chúa Elisabeth Amalie Eugine, khi ấy mới 16 tuổi, thường được gọi với cái tên Sisi. Đám cưới linh đình của hoàng gia thu hút hàng nghìn người dân đổ xuống đường phố Vienna để xem, mong muốn được nhìn thấy nàng hoàng hậu tuổi teen.
Thế nhưng rất nhiều người đã cảm thấy ngạc nhiên trước biểu cảm của Sisi. Không hạnh phúc giống như những cô dâu khác, trên đường đi tới ngôi nhà mơi của mình là cung điện hoàng gia Hofburg, Sisi mang tâm trạng ngổn ngang và sợ hãi, liên tục khóc nức nở.
Ngày Sisi bước chân vào hoàng gia Áo cũng đánh dấu khởi đầu của những chuỗi ngày bi kịch trong cuộc đời nàng. Trở thành hoàng hậu một cách bắt đắc dĩ, Sisi giống như "chim nhốt lồng son", khao khát tự do nhưng không thể. Nàng bị cô lập trong cung điện, đứa con trai duy nhất cũng tự tử, sau này bản thân bị bệnh tâm thần, đi khắp nơi để tìm kiếm tự do, để rồi cuối cùng chết dưới bàn tay của một kẻ sát nhân.
Tuổi thơ bình dị và cuộc hôn nhân mang tiếng
Công chúa Sisi sinh ngày 24/12/1837 tại thành phố Munich, Đức, lớn lên cùng 7 anh chị em khác. Sisi là con gái của Công tước Maximilian Joseph. Thời điểm đó, ông bị coi là một người lập dị khi ủng hộ lý tưởng dân chủ tiến bộ và chủ nghĩa hòa bình. Mẹ của Sisi là Công chúa Ludovika, một người có tình yêu bao la và thích tham gia hoạt động xã hội. Nhờ thừa hưởng từ bố mẹ, Công chúa Sisi có tính cách phóng khoáng, từ nhỏ đã thích leo núi và cưỡi ngựa.
Năm 15 tuổi, Sisi cùng mẹ và chị gái đã tới Bad Ischl, nơi nghỉ dưỡng truyền thống của hoàng gia Áo, để thăm người anh họ là Franz Joseph, cũng là Hoàng đế của nước Áo. Chính tại đây, Sisi đã lọt vào mắt xanh của Hoàng đế Franz Joseph.
Với vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp và nữ tính, mái tóc màu hạt dẻ dài tới mắt cá chân, Sisi đã khiến nhà vua yêu ngay lần đầu gặp mặt. Không lâu sau đó, Sisi được nhà vua ngỏ lời kết hôn và đương nhiên gia đình nàng không thể từ chối lời đề nghị này. Một năm sau đó, Sisi bước chân vào hoàng gia, chính thức trở thành hoàng hậu khi mới 16 tuổi.
Chỉ có điều trước đó, Hoàng đế Franz Joseph vốn được sắp đặt kết hôn với chị gái của Sisi là Helene. Helene thậm chí còn rèn luyện và giáo dục từ nhỏ để trở thành hoàng hậu. Buổi gặp mặt tại Bad Ischl cũng là để Franz và Helene gặp nhau nhưng cuối cùng chức danh đó lại thuộc về cô em gái. Chính vì thế, Sisi đã từng bị mang danh cướp chồng của chị gái, khiến nàng đau đớn khôn nguôi.
Cuộc sống trong lồng son
Vốn có cuộc sống tự do từ nhỏ, sau khi trở thành hoàng hậu, Sisi như con chim bị mất đi đôi cánh. Không được sống bên người thân, không được làm những gì mình muốn và phải tuân theo hàng nghìn quy tắc nghiêm ngặt, nàng dần trở nên u sầu, nhút nhát và trầm uất hơn.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Sisi với mẹ chồng là Nữ hoàng Bayern Sophie cũng không được tốt đẹp, khiến cuộc sống nơi đất khách quê người càng thêm khó khăn. Trong 4 năm đầu của cuộc hôn nhân, Sisi hạ sinh được 3 người con cho Hoàng đế, người con đầu tiên là Công chúa Sophie. Hoàng hậu Sisi bị chỉ trích là không thể sinh con trai để nối dõi cho hoàng tộc, thậm chí còn không được ở bên để chăm sóc con. Một năm sau đó, Công chúa Sophie chết yểu vì bệnh, khiến Sisi đau đớn khôn nguôi.
Không lâu sau, Công chúa Gisela chào đời và Sisi tiếp tục bị chỉ trích. Tới năm 1858, cuối cùng nàng cũng hạ sinh một người con trai là Thái tử Rudolf, tuy nhiên lúc này mối quan hệ giữa Hoàng hậu Sisi với nhà vua cũng đã nhạt dần.
Mặc dù sở hữu nhan sắc vạn người mê, được mệnh danh là "Hoàng hậu đẹp nhất châu Âu" nhưng Sisi lại luôn bị ám ảnh với ngoại hình của mình. Nàng dành hàng giờ mỗi ngày để làm đẹp: 3 tiếng làm tóc, 1 tiếng tập luyện cho vòng eo 50 cm. Sisi cũng duy trì chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và thói quen tập thể dục quá sức, cuối cùng dẫn tới chứng chán ăn. Có thời gian, nàng chỉ ăn một ít nước súp, sữa tươi, cam và trứng mỗi ngày. Sisi tập thể dục hàng giờ mỗi ngày như đấu kiếm, cưỡi ngựa, đi bộ nhanh và một số bài tập trong rạp xiếc để tiêu tốn nhiều năng lượng.
Năm 1862, Hoàng hậu Sisi dành nhiều thời gian hơn để ra ngoài, rời khỏi cung điện Hofburg, nơi nàng hay gọi là "pháo đài nhà tù" để đến Hy Lạp, Anh, Ireland, Thụy Sĩ và Hungary nghỉ dưỡng. Sisi từng nói: "Tôi luôn luôn muốn di chuyển. Mỗi con tàu mà tôi nhìn thấy đều lấp đầy sự khát khao được ở trên đó".
Hoàng hậu Sisi cũng quan tâm đến chính trị, đặc biệt là mối quan tâm sâu sắc dành cho Hungary. Nàng tin rằng người dân Hungary xứng đáng được tự do và tôn trọng hơn, do đó đã hợp tác với nhà chính trị, cũng là người bạn thân Gyula Andrássy để giúp thúc đẩy việc tách Hungary thành một đất nước độc lập. Năm 1867, Hungary được trao tự do và trở thành đối tác bình đẳng với Áo. Năm 1868, người con gái cuối cùng của Hoàng hậu Sisi với Hoàng đế Franz Joseph là Marie Valerie chào đời tại thủ đô Budapest, Hungary. Sau đó, Hoàng hậu Sisi vẫn thường xuyên quay lại Hungary để nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội tại đây.
Cái kết cuối đời đáng buồn
Đến đầu những năm 1880, Hoàng hậu Sisi bắt đầu có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Marie kể rằng đã từng nhìn thấy mẹ mình cười điên loạn trong bồn tắm. Bà thường xuyên nói về chuyện tự tử khiến hoàng gia phải đưa đi điều trị tâm lý. Lúc này, cuộc hôn nhân giữa bà với hoàng đế chỉ còn trên danh nghĩa.
Năm 1898, người con trai duy nhất của Hoàng hậu Sisi là Thái tử Rudolf đã qua đời cùng với tình nhân của mình trong lúc đang đi săn bắn, khiến bà càng rơi vào hố sâu tuyệt vọng.
Từ sau đó, Sisi bắt đầu đi lang thang. Bà chỉ mặc những bộ đồ đen tang tóc, đi xuyên lục địa đến tận Bắc Phi, từ chối sự bảo vệ của cảnh sát, muốn đi khắp thế giới cho đến khi chết đi hoặc bị quên lãng. Ở tuổi 51, bà có một hình xăm mỏ neo trên cánh tay.
Ngày 10/9/1898, Hoàng hậu Sisi đến thăm thành phố Geneva, Thụy Sĩ bằng một cái tên giả. Tại đây, có một kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ người Ý tên là Luigi Lucheni. Hắn luôn muốn ám sát những người trong hoàng gia và đã từng đến Thụy Sĩ để ám sát Hoàng tử Henri xứ Mitchéans. Nghe tin Hoàng hậu Sisi tới đây, Luigi đã chờ cơ hội. Khi thấy Sisi đang đi bộ trên bến tàu, Luigi đã dùng dao đâm vào ngực bà. Hoàng hậu Sisi nhanh chóng được đưa đi cấp cứu nhưng cuối cùng đã qua đời vì chảy máu trong. Hoàng hậu Sisi được chôn cất trong hầm mộ của Hoàng gia ở Vienna.
Cái chết của bà đã khiến Hoàng đế bị sốc nặng, đồng thời cũng khiến người dân Áo thương tiếc suốt nhiều năm về sau. Cuộc đời nhiều đau thương của bà đã được đưa vào nhiều tác phẩm sau này của hậu thế.