Điện thoại di động giúp phụ huynh và học sinh tiện liên lạc với nhau, tuy nhiên, nhiều người sẽ phải nhói tim khi thấy bạn trẻ cầm "dế" quay lại cảnh bạn đánh nhau, thay vì ra sân trường chơi các em ngồi trong lớp lướt điện thoại.
Hiện nay, hình ảnh học sinh dùng điện thoại di động trở nên quá quen thuộc do nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn có nên cho trẻ dùng sớm, dùng vào khi nào và sắm smartphone hay "cục gạch?"... bởi chiếc điện thoại để lại nhiều hệ lụy khôn lường. Báo điện tử Khám phá xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài về vấn đề này. Bậc phụ huynh có thể đưa ra quan điểm của mình bằng cách bình luận trực tiếp dưới bài viết hoặc email tới tòa soạn toasoan@khampha.vn |
Giới trẻ thêm lạnh lùng
Chiếc điện thoại vô cùng tiện ích trong việc liên lạc và kiểm soát con cái của phụ huynh. Tuy nhiên, hậu quả của việc học sinh dùng điện thoại trái mục đích ban đầu đang thể hiện rõ và mức độ nghiêm trọng ngày càng nâng cao.
Nhìn chung học sinh tiểu học "ngoan" hơn khi đa số các em đều tắt máy khi ở trong lớp. Ở học sinh cấp 2 có thể thấy nhiều trường học sử dụng điện thoại trong giờ, lướt facebook, quay clip trêu trọc nhau. Nhưng đến học sinh cấp 3, nhiều bậc cha mẹ sẽ phải "sốc" khi chiếc "dế cưng" không đơn thuần là vật liên lạc.
Học sinh thản nhiên quay video bạn đánh nhau trong lớp.
Nguyễn Hoàng Minh, một học sinh lớp 7 ở Thanh Xuân, Hà Nội có niềm đam mê "ôm" điện thoại mỗi khi rỗi rãi. Nhất là khoảng thời gian từ 17-19h, lúc này bố mẹ chưa làm về, Minh ở nhà với cô giúp việc. Cậu bé dán mắt vào màn hình điện thoại với đủ trò: facebook, chơi game, nhắn tin cho bạn. Buổi tối, khi vào phòng riêng học bài, cậu cũng tranh thủ lôi điện thoại ra... thư giãn. Mới đây nhất, trong ngày sinh nhật của mình, cậu bé năn nỉ mẹ mua cho iPhone để cho bằng bạn bằng bè.
Thêm một trong những mối nguy hại của việc học sinh dùng điện thoại chính là quay clip đánh nhau. Trong 2 năm trở lại đây, rất nhiều clip vụ đánh nhau được quay lại bởi chính các học sinh trong trường. Chứng kiến cảnh bạo lực học đường, các em không hề có biện pháp can thiệp nào như can ngăn, gọi người lớn... mà chủ động, lạnh lùng đứng quay video lại. Thậm chí, không ít bạn tổ chức đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng.
Còn nhớ năm 2012, nữ sinh Nguyễn Thị Hà (lớp 12 huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị tuyên phạt 30 tháng tù với hành vi cướp tài sản chỉ vì ghen với tình địch đang học lớp 11. Hà cùng 5 bạn khác chặn đánh, xé áo nữ sinh này rồi quay video phát tán cho bạn bè xem.
Đầu tháng 4/2014, lãnh đạo trường THPT Trần Phú (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã xử phạt nhóm học sinh đánh nhau và học sinh chứng kiến quay clip tung lên mạng.
Trong đó, nặng nhất là em Ng.Th.Th. H - học sinh lớp 10B3 bị buộc thôi học vì đã trực tiếp đánh và xúc phạm bạn. Đặc biệt là kỷ luật em M.H – học sinh lớp 10B4 dùng điện thoại quay phim, không báo cáo nhà trường việc bạn đánh nhau.
Cân nhắc trước việc... chuốc nỗi lo
Do nhu cầu cuộc sống nên việc học sinh dùng điện thoại trở nên tất yếu. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh cũng như nhu cầu mà các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước việc con học lớp mấy sẽ cho dùng, mua smartphone hay "cục gạch", chỉ được nhắn tin, gọi điện hay thêm cả phần mềm tiện ích cho việc học Ngoại ngữ...
Cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho con dùng smartphone hay "cục gạch".
Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM Huỳnh Minh Thuận cho biết: "Việc học sinh sử dụng điện thoại cũng như mang điện thoại đến lớp là việc chúng ta nên quản lý thay vì cấm đoán. Nhà trường có thể đưa ra những quy định như tắt máy hoặc để chế độ rung trong lớp. Xét ở góc độ khác, điện thoại di động cũng là một phương tiện cần thiết để gia đình và học sinh có thể liên lạc với nhau bất cứ lúc nào. Vì vậy không phải vì một số vấn đề bất cập mà bỏ đi cả một nhu cầu quan trọng này".
Đại diện trường tiểu học Ban Mai, Hà Nội chia sẻ: "Dùng điện thoại chung quy là mang đến an toàn cho các em. Tuy nhiên, khi điện thoại được dùng vào việc gây rối hay quá mê điện thoại để ảnh hưởng đến học tập hoặc chính học sinh bị thiếu an toàn bởi nạn trộm cắp, cướp giật... thì lúc này phụ huynh nên thay đổi bằng biện pháp an toàn khác".
Theo chuyên gia tâm lý, trẻ học từ lớp 4 trở lên các bậc phụ huynh mới nên trang bị điện thoại cho con. Do độ tuổi này chưa nhận thức được giá trị sức lao động, dễ bị cám dỗ bởi trò chơi, xem phim trên điện thoại ảnh hưởng đến học tập và đặc biệt dễ trở thành đối tượng của cướp giật nên phụ huynh chỉ mua cho con loại điện thoại "cục gạch", ít tính năng và rẻ tiền. Cha mẹ không nên vì quá chiều con mà sắm smartphone để chuốc thêm nỗi lo vào người.