Trong một lần anh Hoàng đón con muộn, cậu bé đã tự động đi bộ 5 cây số về nhà. Đến trường không thấy con, anh Hoàng tá hỏa thông tin khắp nơi là con bị... bắt cóc.
Hiện nay, hình ảnh học sinh dùng điện thoại di động trở nên quá quen thuộc do nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn có nên cho trẻ dùng sớm, dùng vào khi nào và sắm smartphone hay "cục gạch?"... bởi chiếc điện thoại để lại nhiều hệ lụy khôn lường. Báo điện tử Khám phá xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài về vấn đề này. Bậc phụ huynh có thể đưa ra quan điểm của mình bằng cách bình luận trực tiếp dưới bài viết. |
Nhiều phen hú vía vì con
Nhiều phụ huynh còn nhớ câu chuyện dở khóc dở cười về chuyện thất lạc con vào trưa ngày 26/11/2013 tại huyện An Dương, Hải Phòng. Khi đó người dân xung quanh cây xăng ở chân cầu An Đồng (huyện An Dương) phát hiện một bé trai mếu máo tìm bố mẹ nên đã báo cho cảnh sát 113 đến. Cháu bé được đưa về trụ sở công an xã để tìm người thân.
Chiều cùng ngày, ở thôn Quan Trang, xã An Đồng, anh Hải, 31 tuổi đến trường đón con nhưng cô giáo thông báo con không đến lớp. Lúc này anh Hải mới ngớ người ra vì buổi sáng lúc đưa con đi học có ghé vào cây xăng và bỏ quên con ở đó. Rất may khi đến đồn công an xã trình báo sự việc thì anh gặp ngay cậu bé đang ngồi ở đây.
(Ảnh internet)
Một trường hợp khác, không phải là ông bố đãng trí quên con nhưng sự... mất tích bất ngờ của đứa con trai học lớp 1 cũng khiến cho gia đình anh Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) tá hỏa. Chuyện là trong một lần đón con muộn mà không kịp thông báo trước, anh Hoàng hốt hoảng phi vội xe đến trường. Anh tìm con khắp trường, gọi điện hỏi không biết bao cuộc từ người thân cho đến cô giáo và cả phụ huynh của bạn con đều không thấy.
Công cuộc tìm kiếm gần 1 tiếng đồng hồ không đạt kết quả, anh Hoàng nghĩ đến tình huống con trai bị... bắt cóc. Anh Hoàng quyết định nhờ đến công an. Trước đó, anh không quên gọi điện nhờ một chương trình trên VOV phát thông tin tìm bé.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, anh Hoàng thở phào nhẹ nhõm vì gia đình gọi điện thông báo, cậu bé đã về nhà an toàn bằng phương tiện... hai chân. Chẳng là đứng chờ bố trước cổng trường lâu trong khi các bạn không còn ai, cậu bé quyết định tự đi bộ 5km về. Nhà cũng thẳng đường nên không quá khó để cậu bé vừa đi đủng đỉnh vừa vô lo ngắm cảnh.
Con dùng điện thoại sớm: quyết định không phải dễ
Trên đây là hai trong số rất nhiều trường hợp cha mẹ vô tình để thất lạc con. Thực tế cho thấy, không ít sự cố xảy ra như bậc phụ huynh thì bận công việc đột xuất, đường tắc... trong khi đó, lúc đến trường tan học thì quá đông, tìm mãi không thấy con đâu, hoặc con chưa kịp ra khỏi lớp. Để khắc phục tình trạng này, nhiều cha mẹ nghĩ ngay đến phương án sắm ngay cho "cậu ấm, cô chiêu" một chiếc điện thoại.
Trong thời đại số hiện nay thì việc mua một chiếc điện thoại quá dễ dàng. Với điện thoại với chức năng nghe-gọi và nhắn tin có giá từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Để duy trì liên lạc thì bậc cha mẹ mỗi tháng mất thêm khoảng 50.000-100.000 đồng tiền nạp thẻ.
Học sinh dùng điện thoại trở nên phổ biến trong trường (Ảnh: internet)
Chị Nguyễn Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái học lớp 7 trường THCS N.T. Vì làm về quản lý nhân sự nên thỉnh thoảng chị Hà gặp việc bận quá giờ đón con, đồng thời mỗi lần đón 2 mẹ con mãi mới tìm thấy nhau nên chị quyết định cho con dùng điện thoại từ năm lớp 6.
Riêng đối với anh Đức Cường (Hoàng Mai, Hà Nội) lại dùng điện thoại để... quản lý cậu con trai. Cậu bé Đức Dương học lớp 5, do ở gần nhà nên bố mẹ để cậu tự đi học. Tuy nhiên, thói quen ham chơi khiến cho con anh tan học toàn la cà quán sá hoặc đến nhà bạn. Không ngần ngại, anh sắm ngay cho con chiếc "dế" để mỗi lần chuông reo là cậu bé chạy về ngay lập tức.
Dẫu vậy, việc cho con dùng điện thoại sớm không phải cha mẹ nào cũng đồng tình. Anh Mạnh Linh, một chuyên viên công nghệ thông tin kịch liệt phản đối việc con dùng điện thoại dù vợ đôi lần gợi ý. Anh quát vợ: "Mẹ mày đừng vẽ đường cho hươu chạy. Con không việc gì phải dùng điện thoại hết".
Hay như chính trong gia đình chị Hà cũng có nhiều tranh cãi. Hai vợ chồng không sao, nhưng mỗi lần sang nhà ông bà nội, ngoại chơi, anh chị đều... đau đầu nghe ông bà chỉ trích. Anh chị cho biết, ông bà sợ dùng điện thoại không tốt cho não, khiến cháu bị bệnh tâm lý hay thậm chí là bị cướp giật.
------------------------------------------------
Mời các bạn đón đọc Kỳ 2: HS dùng điện thoại: "Mánh khóe" học đường lúc 0h ngày 2/10 trên Eva.vn