Không ít tình huống “dở khóc dở cười” xuất hiện khi các hot girl xinh đẹp chia sẻ thông tin nhầm lẫn, sai hẳn về kiến thức bóng đá khi xuất hiện trên sóng chương trình bình luận về World Cup.
Một trong những chương trình không thể thiếu vào các mùa bóng đá EURO hay World Cup của VTV là phần bình luận bên lề trận đấu, có sự xuất hiện của nhiều hotgirl xinh đẹp, nóng bỏng. Mùa World Cup năm nay, VTV tổ chức casting kỹ càng để chọn ra 32 cô gái sáng giá nhất đại diện cho 32 đội tuyển tham dự.
Tuy nhiên, ngay từ những trận đấu đầu tiên, các hot girl này bị nhận xét là có kiến thức bóng đá “tỷ lệ nghịch” với nhan sắc, liên tục có những phát ngôn gây tranh cãi trong dư luận.
Dàn hot girl tham gia chương trình bình luận World Cup 2022 của VTV
"Chelsea đá World Cup 2022" (?) còn Pele thi đấu World Cup vào những năm 2000 (?)
Hot girl xuất hiện trong phần bình luận trận đấu giữa Anh và Iran trong khuôn khổ World Cup 2022 tối 21/11 có tên Cao Thị Thu Trang. Cô nàng gây chú ý khi sở hữu nhan sắc ưa nhìn nhưng những chia sẻ lại khiến dân mạng "dậy sóng". Tại World Cup 2022, Thu Trang đại diện cho đội tuyển Brazil.
Thu Trang cho biết là fan của CLB Chelsea, khi được hỏi về màn trình diễn của các cầu thủ tại World Cup 2022, hot girl này trả lời: “Các đại diện thi đấu cho Chelsea đã thể hiện rất tốt vai trò của mình và giúp cho Chelsea có một thế trận chơi hoàn toàn chủ động”.
Biết Thu Trang nói hớ, BLV Khắc Cường sau đó đã “chữa cháy” khi sửa lại câu từ đúng phải là “...giúp cho đội tuyển Anh có một thế trận chơi chủ động”. Sau sự cố này, Thu Trang giải thích vì lên sóng trực tiếp nên hơi run dẫn đến nói sai.
Thu Trang gọi nhầm đội tuyển Anh thành CLB Chelsea đá World Cup 2022 gây xôn xao mạng xã hội
Tại kỳ World Cup 2018, một hot girl cũng đại diện cho Brazil là Cao Diệp Anh cũng từng bị phản ứng vì sai kiến thức bóng đá cơ bản trên sóng trực tiếp. Cụ thể trong trận đấu giữa Thụy Sĩ và Brazil. Cao Diệp Anh đã có phát biểu hoàn toàn vô lý rằng: “Đã xem đội Brazil đá từ khi còn học cấp 1, vào những năm 2000, 2002. Thế hệ của Ronaldo, Ronaldinho, Pele…”.
Trên thực tế, Pele đúng là một huyền thoại của bóng đá Brazil được người hâm mộ toàn thế giới biết đến. Tuy nhiên danh thủ này đã giải nghệ từ năm 1977. Có vẻ như Cao Diệp Anh chỉ mới tìm hiểu sơ về bóng đá Brazil và biết đến cái tên Pele nên đưa vào chia sẻ một cách hồn nhiên như vậy.
Sự cố nhầm Pele thi đấu vào những năm 2000 của hot girl Cao Diệp Anh được nhắc lại nhiều lần
Bên cạnh việc sai kiến thức bóng đá, nhiều hot girl còn có những phát ngôn "hồn nhiên" trên sóng truyền hình quốc gia. Như chia sẻ của Thúy Nga - Đại diện đội tuyển Bỉ tại World Cup 2022: “Làm cầu thủ nói chung cũng nhàn. Ochoa mà biết tiếng Việt thì Ochoa sẽ nhờ em ship ngay một cái võng để đỡ mỏi chân”.
Hoàng Giang - Đại diện đôi tuyển Pháp tại World Cup 2022: "Em là Giang Korean, đại diện của đội tuyển Pháp, góp mặt bình luận trong trận đấu giữa Hà Lan và Senegal".
Hoàng Giang - Hot girl đại diện đội tuyển Pháp tại World Cup 2022
Đặng Ngân - Đại diện đội tuyển Pháp tại World Cup 2018 thì chia sẻ khá "khó hiểu": "Em thích Salah và mong anh ấy ra sân. Nhưng em mong Uruguay chiến thắng...Thực ra em hâm mộ đội tuyển Pháp”.
Trương Hoàng Mai Anh - Đại diện đội tuyển Peru tại World Cup 2018: "Ấn tượng của em về trận đấu này là các anh cầu thủ của đội tuyển Serbia đều tên là Vích".
Hot girl tham gia bình luận World Cup thường bị nghi ngờ về kiến thức bóng đá
Tại sao không mời những nữ cầu thủ chuyên nghiệp lên sóng mà phải là hot girl mạng xã hội?
Nhiều khán giả đam mê bóng đá đặt câu hỏi về việc “Liệu những người đẹp không am hiểu về bóng đá, chỉ có nhan sắc có thực sự cần thiết trong các chương trình bình luận?”.
Không thể phủ nhận các bóng hồng khiến những chương trình bình luận bóng đá có chất hấp dẫn hơn, mang tính giải trí, nhẹ nhàng sau những phút giây căng thẳng. Tuy nhiên, có thể thấy, khi World Cup lên sóng, những chủ đề bình luận về các cô gái được giới thiệu là đại diện cho quốc gia tham dự không xoay quanh bóng đá mà đa phần chỉ quan tâm bình phẩm về ngoại hình và tranh cãi về phát ngôn thiếu kiến thức của các hot girl này.
Có những người mặc định hot girl lên bình luận bóng đá chỉ để quảng bá hình ảnh, không thực sự hiểu biết. Khán giả ngày nay có những góc nhìn và đánh giá khắt khe hơn với những nội dung trên truyền hình, không phải chỉ đẹp, ăn hình là có thể xuất hiện bất cứ đâu. Sự phù hợp và chính xác là điều được đặt lên hàng đầu, đặc biệt ở những chương trình trực tiếp và có tính chuyên môn về thể thao cao, cụ thể là bóng đá như bình luận World Cup.
Khán giả không hài lòng khi VTV để các hotgirl thiếu kiến thức bóng đá lên bình luận World Cup
Thậm chí những phát ngôn hời hợt, thiếu chính xác và kém hiểu biết của các hotgirl này vô tình tạo ra cách nhìn nhận sai của số đông về phụ nữ không am hiểu thể thao hay xinh đẹp thì không thông minh.
Nhiều người cho biết, họ ủng hộ việc nữ giới lên VTV bình luận bóng đá, nhưng đó nên là các cầu thủ nữ, nhà báo - BTV thể thao nữ, huấn luyện viên nữ chứ không phải là hot girl mạng xã hội.
Trên thực tế, nhà đài có thể cân nhắc việc mời những nữ cầu thủ của đội tuyển Việt Nam hoặc các câu lạc bộ trong nước đến tham gia phần bình luận để có tính chuyên môn cao hơn. Trong dàn cầu thủ nữ Việt không hiếm loạt bóng hồng tài năng như: Trần Thị Duyên (CLB Phong Phú Hà Nam); Nguyễn Thị Thảo Anh, Hoàng Thị Loan, Trần Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Tú Anh (CLB Hà Nội I Watabe)... Những cái tên này đủ sức thu hút người xem cũng như đáp ứng chuyên môn về bóng đá.
Việt Nam không thiếu những bóng hồng trên sân cỏ, vừa xinh đẹp vừa có kiến thức chuyên môn bóng đá
Trên trang facebook, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (Phó Giáo sư tại Đại học Kinh doanh quốc tế Amsterdam (AMSIB) thuộc Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam) bày tỏ quan điểm, thay vì chọn 32 cô gái xinh đẹp đại diện cho 32 quốc gia dự World Cup thì nên mời 32 tuyển thủ Việt Nam. Họ là những cô gái vàng, những chiến binh thực thụ trên sân cỏ, đem nhiều vinh quang về cho bản thân, đội tuyển và quê hương.
"Làm như thế vừa văn minh, vừa có ý nghĩa, vừa tôn vinh tài năng của các tuyển thủ, vừa góp phần phá bỏ khuôn mẫu định kiến về phụ nữ và thể thao, vừa tạo niềm cảm hứng cho những cô gái nhỏ khác vươn lên theo đuổi đam mê sở thích của bản thân.
Nó cũng không vô tình coi sắc đẹp phụ nữ như một thứ để trang trí cho bóng đá và hấp dẫn đàn ông. Nó cũng tránh được cơ hội để vô số các bình luận thô bỉ, tục tĩu đổ vào quấy rối tình dục, zoom vào tận ngực từng cô gái, phát tán thông tin cá nhân và xâm phạm đời tư của các cô" - PGS.TS Nguyễn Phương Mai chia sẻ.
Thay vì các hotgirl trên mạng xã hội, các chương trình bình luận World Cup nên mời các cầu thủ nữ?
Nhu cầu về sự đổi mới, giúp các chương trình bình luận bóng đá mới mẻ, hấp dẫn hơn là điều cần thiết. Tuy vậy, việc cố nhồi nhét các cô gái có ngoại hình đẹp nhưng chưa đủ kiến thức về bóng đá là điều không thực sự phù hợp, có thể gây khó chịu với những khán giả yêu mến bộ môn thể thao vua.
Những câu chuyện bên lề bóng đá vẫn luôn sôi động, đặc biệt là trong các giải đấu lớn như World Cup hay EURO. Chính vì vậy, việc những cô hot girl có sức trẻ, ngoại hình bắt mắt lên sóng bình luận được dân mạng quan tâm bàn tán cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nội dung chính thu hút khán giả yêu bóng đá vẫn là các trận đấu hấp dẫn, tình huống trên sân cỏ và những phân tích có tính chuyên môn cao.