Bé 12 tháng tuổi tử vong tại trường mầm non thiên thần nhỏ, trẻ 6 tuổi ở Trung Quốc bị bắt cóc móc giác mạc… là một trong những vụ việc khiến dư luận quan tâm nhất trong tuần vừa qua.
Bé 1 tuổi tử vong ở trường mầm non
Lại thêm một sự cố đau lòng xảy ra với trẻ em làm cộng đồng mạng vừa xót xa, vừa bất bình.
Vào hồi 14h chiều ngày 27/8 chị Đậu Thanh Thủy (KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) rụng rời chân tay khi nhận được điện thoại của các cô giáo trường mầm non Thiên thần nhỏ (Số 9, BT6, KĐT Việt Hưng) nói rằng cháu Trần Nhật Hương (12 tháng tuổi), con út của gia đình đang cấp cứu tại bệnh viện Đức Giang. Ngay sau khi nhận được hung tin, chị cùng gia đình tới bệnh viện nhưng đã muộn, các bác sĩ tại đây cho biết cháu đã tử vong trước khi đến bệnh viện.
Đám tang được gia đình tổ chức ở nhà tang lễ bệnh viện Đức Giang, Long Biên.
Nguyên nhân ban đầu được các bác sĩ cho rằng cháu bị sặc cháo. Trước đó chị mới gửi cháu ở trường từ ngày 26/8, tính đến thời điểm cháu mất chưa đầy 2 ngày.
Sự việc đau lòng của cháu Hương làm xôn xao dư luận và thổi bùng lên ngọn lửa về vấn đề an toàn của trẻ khi gửi con đến học tại các nhà trẻ, mẫu giáo hiện nay. Một lần nữa, câu hỏi về vấn đề trách nhiệm và chuyên môn sư phạm của các cô giáo mầm non lại được đặt ra. Cần nhớ, đây không phải là sự việc bê bối đầu tiên của nghành giáo dục mầm non.
Chiều ngày 30/8, bà Hoàng Thị Kim Phương (Phó phòng Giáo dục quận Long Biên) cho biết, Ban giám hiệu nhà trường đã có đơn xin được tự giải thể vì các cán bộ, giáo viên thấy quá áp lực.
Liên quan đến cái chết thương tâm của cháu Trần Nhật Hương – 1 tuổi, trường mầm non tư thục Thiên thần nhỏ đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Phòng Giáo dục quận Long Biên đã kiểm tra, rà soát và phát hiện một số sai phạm như: Tên “trường mầm non” là sai quy định, đúng ra chỉ là “nhóm lớp Thiên thần nhỏ vì chưa đủ quy mô; thứ hai, khi nhập học nhóm lớp đã không yêu cầu phụ huynh trình giấy khám sức khỏe (quy định không bắt buộc) của mỗi cháu, thời hạn 6 tháng để đảm bảo không nhận các cháu có bệnh truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh nguy hiểm...
Bé 6 tuổi bị bắt cóc, móc giác mạc
Tối 26/8, một bé trai 6 tuổi ở Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đang chơi ngoài nhà thì đột nhiên biến mất.
Gia đình đã phát hiện ra em sau 4 giờ tìm kiếm kể từ lúc biến mất bên ngoài khu nhà với một cơ thể dính đầy máu. Đôi mắt của em được tìm thấy gần đó nhưng giác mạc đã bị bóc đi, các báo cáo của giới chức Trung Quốc cho rằng những kẻ buôn nội tạng là thủ phạm của vụ án kinh hoàng này.
Cậu bé trên giường điều trị với băng trắng trên khuôn mặt .
Hiện cậu bé đang được điều trị trong bệnh viện mắt tỉnh Quảng Đông với một tấm băng trắng cuốn trên mắt, trong khi đó các thành viên trong gia đình vẫn chưa hết sốc và khóc lóc xung quanh phòng bệnh.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết, bé trai bị ép nuốt các loại thuốc thần kinh và do đó, bị “mất ý thức” trước khi kẻ tấn công ra tay móc mắt tàn bạo.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, vụ cướp nội tạng tàn nhẫn đang gây "bão" với hàng loạt lời lên án thủ phạm cũng như chia sẻ với nạn nhân.
“Tội ác này vô cùng dã man, cực kỳ tàn bạo. Sao một con người có thể hành động tàn nhẫn, vô nhân tính đến như vậy?”, một thành viên trang mạng xã hội Sina Weibo viết.
“Bé trai quá đáng thương”, một thành viên khác viết.
Hơn 15.000 phạm nhân được đặc xá dịp lễ 2/9
Sáng 29/8, Văn Phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố các quyết định của Chủ tịch nước đặc xá cho hơn 15.000 phạm nhân nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9.
Trong số phạm nhân được Chủ tịch nước quyết định đặc xá dịp Quốc khánh này có 15.446 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và 77 phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện theo quy định.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các phạm nhân ở Trại giam Ninh Khánh, Ninh Bình.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - cho biết, có 4 trường hợp được đặc xá là phạm nhân phạm các tội xâm hại an ninh quốc gia; 1.842 phạm nhân nữ, 16 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài thuộc 6 nước, vùng lãnh thổ (gồm 5 người Trung Quốc, 2 người Đài Loan, 4 người Campuchia, 2 người Malaysia, 1 người Mỹ, 1 người Bỉ và 1 người Úc).
Theo báo cáo từ các trại giam, trại tạm giam, các phạm nhân được hưởng quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đã hoàn thành nghĩa vụ thực hiện các hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp tiền án phí, tiền khắc phục hậu quả, các nghĩa vụ dân sự khác... với tổng số tiền hơn 181 tỷ đồng, hơn 6.000 USD và 9.000 NDT. Trong đó, phạm nhân đã nộp số tiền lớn nhất là gần 3,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Lương giám đốc công ty thoát nước 2,6 tỷ
Tuần qua, thông tin về mức lương khủng của những cán bộ quản lý các doanh nghiệp công ích tại TP.HCM được lan truyền và khiến cộng đồng mạng dậy sóng.
Theo đó, lương cho giám đốc của công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị khiến nhiều người "sốc" nhất, đến 200 triệu đồng/tháng, tương ứng 2,6 tỷ đồng một năm, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty này cũng có tổng thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm, còn Kế toán trưởng 1,67 tỷ, Phó giám đốc 969 triệu đồng. Con số này gấp 41 lần lương lao động trực tiếp, đẩy mức lương bình quân của doanh nghiệp này vượt 22 triệu đồng/tháng, gấp 3 lần mức bình quân của các đơn vị tại TP. Hồ Chí Minh.
Công nhân thoát nước phải làm việc trong môi trường độc hại nhưng chỉ nhận được mức lương đủ ăn
Rất nhiều ý kiến độc giả bày tỏ bất bình khi mức thu nhập cao bất thường này lại xuất phát từ việc chi thưởng sai cho đội ngũ quản lý. "Nước thì liên tục tăng giá, gặp sự cố, đường ngập như sông mỗi khi có mưa, trong khi kinh phí tu sửa không có, phải vận động nhân dân đóng góp. Thế mà doanh nghiệp vẫn có quỹ thưởng hàng tỷ đồng. Căn cứ chia thưởng của lãnh đạo các doanh nghiệp này ở đâu nếu như kết quả công việc của họ không mang lại công ích cho số đông người dân?", một thành viên bày tỏ.
Thông tin trên đăng kèm với bức ảnh trẻ em TP. Hồ Chí Minh đi học trong cảnh lụt lội đã khiến nhiều cư dân mạng bức xúc và cho rằng các cán bộ đã làm việc không xứng với mức lương 2,6 tỷ.
Sữa của Fonterra không nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc
Các quan chức New Zealand ngày 28/8 cho biết các sản phẩm sữa của công ty Fonterra không chứa loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc và không gây nguy hại cho người sử dụng.
Theo đó, Bộ Công nghiệp New Zealand khẳng định hàng loạt xét nghiệm đã cho thấy các sản phẩm sữa của Fonterra không nhiễm vi khuẩn độc hại clostridium botulinum như thông báo ban đầu mà chỉ bị nhiễm vi khuẩn clostridium sporogene không nguy hiểm, không gây vấn đề an toàn thực phẩm nào đáng kể.
Xét nghiệm quốc tế khẳng định sữa của Fonterra không bị nhiễm khuẩn độc
Hàm lượng clostridium sporogene cao chỉ khiến thực phẩm nhanh hỏng chứ không gây ngộ độc chết người như những thông tin đã đăng tải trước đó.
Hiện chính quyền New Zealand đã thông báo kết quả xét nghiệm cho nhà chức trách các nước có liên quan.
“Chúng tôi đã thực hiện các xét nghiệm ở cả các phòng thí nghiệm trong nước và quốc tế. Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều biện pháp xét nghiệm khác nhau. Nhưng mọi kết quả đều cho thấy vi khuẩn clostridium botulinum không có mặt” - Bộ Công nghiệp New Zealand cho biết.
Bà Katherine Rich - Chủ tịch Hội đồng Thực phẩm và hàng tiêu dùng New Zealand cho biết: “Đây là một thông tin tuyệt vời. Các bậc cha mẹ đang sử dụng sữa cho trẻ em trên toàn thế giới sẽ cảm thấy đặc biệt nhẹ nhõm với thông tin này, khi không có bất kỳ nguy cơ nào cho trẻ.
Các công ty thực phẩm đã thu hồi sản phẩm để phòng ngừa cần phải được hoan nghênh về quyết định của họ. Một số người có thể cho rằng kết quả kiểm nghiệm tốt lành này có nghĩa là việc thu hồi để phòng ngừa là một sự lãng phí. Tôi không đồng ý với ý kiến này. Từ quan điểm của ngành công nghiệp thực phẩm, họ đã làm đúng, đặt an toàn của cộng đồng lên trên hết”.