Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một bệnh nhân (31 tuổi) phải chạy thận nhân tạo, lọc máu chu kỳ suốt 7 năm vừa sinh con khỏe mạnh ở tuần thứ 30. Đây là bệnh nhân suy thận thứ 2 được mẹ tròn con vuông trong vòng 40 năm qua.
Bệnh nhân đặc biệt này là chị N.T.N (31 tuổi). Theo chị N., cách đây khoảng 7 năm, khi đó chị mang thai được 4 tuần thì bị suy thận, phải định kỳ lọc máu tại Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai và bị sảy thai.
Đầu năm 2015 may mắn đã đến với chị khi biết tin mình có thai ở tuần thứ 15. Tuy nhiên, do đang phải lọc máu và bị suy thận nên các bác sĩ phải hội chẩn. Sau khi hội chẩn, chị N. đã vui mừng khi các bác sĩ cho phép được giữ thai.
TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo cho biết, sau khi hội chẩn, căn cứ tình trạng bệnh nhân, bệnh viện đã cho phép chị N. giữ thai nhưng phải thay đổi phác đồ điều trị để bảo đảm an toàn cho sức khỏe cả mẹ và thai nhi.
Sau khi sinh, bệnh nhân tiếp tục chạy thận nhân tạo chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Người lao động)
Theo đó, thay vì lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần, bệnh nhân được lọc máu 6 lần/tuần, thuốc điều trị cũng được điều chỉnh liều cho phù hợp. Suốt thời gian có bầu chị được các y bác sĩ của bệnh viện theo dõi sức khỏe sát sao.
Sau khi thay đổi phác đồ điều trị được 15 tuần (từ thai nhi ở tuần thứu 30), chị N. có dấu hiệu chuyển dạ sớm nên được phẫu thuật bắt con vào ngày 7/9. Khi sinh ra, cháu bé nặng 1,5 kg. Do sinh thiếu tháng nên ngay sau khi ra đời, cháu bé được đưa vào Khoa Nhi của bệnh viện chăm sóc.
Hiện tại, sau hơn 1 tháng nuôi dưỡng, chăm sóc đặc biệt, cháu bé đã nặng 2kg và dự kiến sẽ được xuất viện trong tuần này. Trong khi đó, thai phụ sức khỏe ổn định, tiếp tục chạy thận nhân tạo.
Đánh giá về ca bệnh này, TS Dũng cho biết, trường hợp của chị N. là kỳ tích 40 năm bệnh viện mới gặp có 1 lần. Thực tế trong 40 năm qua, khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai từng điều trị cho 5 trường hợp bệnh nhân thận nhân tạo có thai nhưng chỉ 2 trường hợp mẹ tròn con vuông. Trong đó, trường hợp của chị N. là bệnh nhân duy nhất lọc máu thai kỳ tại bệnh viện, được theo dõi và chăm sóc thai nghén từ đầu đến khi sinh.