“Phong tục không cho người chết đường chết chợ đi qua đường làng là một cách cư xử rất quá đáng với người chết và làm mất đi cái giá trị nhân bản của con người”, Giáo sư Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa phương Đông chia sẻ.
Từ phong tục biến thành hủ tục
Sự việc một cô gái vừa tốt nghiệp đại học bị chết đuối tại con sông cuối làng, khi tìm thấy thi thể nạn nhân, theo phong tục của người dân nơi đây, người chết bên ngoài phạm vi làng không được đưa qua đường làng, khiến người thân và hàng xóm phải chứng kiến một đám tang rất buồn thảm.
Thi thể của cô gái phải khâm liệm ngoài bờ sông và đặt quan tài lên một chiếc bè chuối kéo trôi sông gần 3km hết phạm vi của làng, ra cánh đồng gần nghĩa trang mới được đưa lên đường.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Phạm Đức Dương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa phương Đông để tìm hiểu thêm về phong tục này.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phong tục không cho người chết đi qua đường làng ở Hoài Đức, Hà Nội?
Đây là một cách cư xử rất quá đáng với người chết và làm mất đi cái giá trị nhân bản của con người. Khi có người chết đã là một nỗi kinh hoàng với người thân trong gia đình, bạn bè, làng xóm. Nhưng cách đưa tang này đã làm cho nỗi kinh hoàng này tăng lên bội phần.
Giáo sư Phạm Đức Dương – Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa phương Đông
Tang lễ là nghi lễ cuối cùng với con người khi ở lại dương gian nhưng người dân bắt quan tài trôi sông, điều này gây ra sự ám ảnh, tang thương với những người còn sống. Đây là một biến thể trong phong tục tang ma của người Việt khiến phong tục biến thành hủ tục, vì vậy nên loại bỏ phong tục này.
Vấn đề người dân sợ hơi lạnh làm ảnh hưởng đến cuộc sống, đến việc chăn nuôi của dân làng. Điều này đúng hay không, thưa ông?
Đây là một quan điểm không thực tế và phi khoa học. Con người khi chết đi, thân nhiệt sẽ hạ thấp và thấp hơn cả nhiệt độ bên ngoài. Đây là một điều bình thường. Trong khoa học chưa có một tài liệu nào nói về vấn đề này. Tuy nhiên, trong quan niệm của người Việt, hơi lạnh của người chết sẽ được xua đuổi bằng hương khói trong lễ tang.
Là một người nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, ông cho biết về cách làm lễ tang của người Việt với những người chết bên ngoài gia đình, hay còn gọi là chết đường chết chợ như thế nào?
Theo quan niệm của người Việt từ xa xưa đến nay, người chết bên ngoài gia đình, bên ngoài ngôi nhà của mình là những cái chết bất đắc kì tử. Những cái chết này mang lại đau khổ cho cả người chết và người còn sống. Cái chết này không chỉ mang lại sự tang thương cho người thân còn sống sót mà còn bị xem là xúi quẩy.
Người chết đường, chết chợ không được phép đưa quan tài vào trong nhà làm tang lễ, chỉ được phép đặt ngoài sân, hoặc ngoài ngõ. Đây là một tập quán từ lâu đời của người Việt Nam. Người thân rất đau lòng nhưng không dám đưa vào trong gia đình làm tang lễ. Một phần họ quan niệm, đưa quan tài vào trong gia đình sẽ gián tiếp gây thêm những cái chết đau lòng đó.
Dù rất muốn đưa thi thể nạn nhân về gia đình mai táng, nhưng "hủ tục" tại xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội đã không cho gia đình chị Mận mang con về, mà phải đóng bè chuối đưa thi thể nạn nhân kéo trôi trên sông, để đến nghĩa trang mai táng
Cái chết đối với con người là một nỗi kinh hoàng, cả với người sống và người bị chết. Lễ tang tuy là chuyện đau buồn nhưng nó thể hiện giá trị nhân bản của con người từ xa xưa. Một số dân tộc còn chôn theo đồ vật và chia của cải cho người chết để cho người chết được sống tiếp cuộc sống ở thế giới bên kia.
Theo phong tục của người Mường tại Hòa Bình, khi người chết người ta còn làm lễ cúng 12 ngày đêm, thầy mo sẽ đưa linh hồn của người chết về thăm người thân, thăm làng bản, trước khi đi sang mường ma, tiếp nối cuộc sống bên Mường ma. Trong khảo cổ học, người ta còn tìm thấy rất nhiều hiện vật được chôn theo người chết. Điều này thể hiện quan niệm của con người, chết không phải là hết mà chết là bắt đầu một cuộc sống mới bên cõi vĩnh hằng.
Tuyên truyền để người dân hạn chế hủ tục
Phong tục kiêng cữ với người chết đường, chết chợ có còn tồn tại ở các địa phương khác hay không thưa ông?
Ngay trong cuộc sống hiện đại vẫn còn dấu ấn của phong tục này. Như tại Hà Nội, khi người chết ở bệnh viện và làm tang lễ ở đây thì trước khi đưa đi mai táng, người thân vẫn đưa quan tài ghé qua một chút về khu phố, ngôi nhà, như đưa họ về nhìn lại nơi mình sinh sống, đưa về nhìn lại người thân, trước khi đi về cõi vĩnh hằng.
Thưa ông, có thể dùng biện pháp nào để hạn chế những hậu quả đau lòng từ phong tục này?
Phong tục của cha ông để lại, con cháu đời sau nên giữ lại, nhưng phải biết chắt lọc cái tốt, bỏ dần đi cái xấu, không còn phù hợp. Phong tục này đã ăn sâu vào cuộc sống của người dân, muốn loại bỏ phải có một quá trình, trải qua từng bước, không thể trong ngày một ngày hai có thể loại bỏ ngay. Biện pháp tốt nhất là đưa vào tuyên truyền cho người thân thông qua các cán bộ phụ trách văn hóa, qua các cuộc hội họp trong làng xóm và đưa vào hương ước của làng.
Để loại bỏ dần dần phong tục này cần có sự vào cuộc rất lớn của cán bộ văn hóa xã phường, không nên làm ngơ để mọi chuyện theo ý của người dân.
Xin cảm ơn ông!