Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Quyết định phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công thương vừa ban hành sẽ kết thúc "giấc mơ" độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện, còn doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi với giá điện hợp lý
Kết thúc "giấc mơ" độc quyền của EVN, doanh nghiệp, người dân hưởng lợi
Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 8266/QĐ-BCT phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Theo đó, các công ty phát điện đang tham gia thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được bán điện cho 5 Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Nam, miền Trung, TP. Hà Nội, TP.HCM, thay vì chỉ bán cho EVN như trước đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc EVN phải 'nhả' độc quyền từ năm 2019.
"Trong thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp phát điện cạnh tranh để bán cho người mua duy nhất là EVN. Sau đó, EVN sẽ bán lại 5 tổng công ty làm nhiệm vụ phân phối-bán lẻ (Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).
Khi chuyển sang Thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện sẽ được tự do lựa chọn bán điện cho 5 tổng công ty phân phối. Bên cạnh các tổng công ty phân phối , các đơn vị phát điện còn được bán cho các đơn vị mua buôn bán lẻ mới thành lập trên thị trường điện.
Và đặc biệt các đơn vị phát điện còn được bán điện trực tiếp cho các khách hàng lớn như các khu công nghiệp, nhà máy xi măng, thép... đấu nối trực tiếp vào luới điện truyền tải", ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương phân tích sâu hơn xoay quanh Quyết định này.
Cũng theo ông Tuấn, khi áp dụng thị trường bán buôn điện cạnh tranh thì phạm vi cạnh tranh trong ngành điện đã được mở rộng, không chỉ trong khâu phát điện mà còn mở rộng sang khâu mua buôn điện.
Việc hình thành thị trường bán buôn điện sẽ tạo động lực để các Tổng công ty Điện lực sẽ phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
"Khi đó, doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện với mức giá điện hợp lý, minh bạch", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, trong thị trường bán buôn điện, EVN sẽ không còn độc quyền mua buôn điện trong như trong Thị trường phát điện cạnh tranh.
Như vậy, việc đưa Thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành sẽ bỏ vai trò độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển tiếp lên cấp độ thị trường bán lẻ điện, đưa cơ chế cạnh tranh vào tất cả các khâu của ngành điện.
Với thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công thương vừa ban hành sẽ kết thúc "giấc mơ" độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp lớn sẽ có cơ hội mua điện giá rẻ
Một trong những vấn đề mà người dân đang quan tâm nhất hiện nay là giá điện. Khi áp dụng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết các khách hàng lớn tham gia thị trường bán buôn điện (như các doanh nghiệp xi măng, sắt thép. các khu công nghiệp, nhà máy... ) sẽ mua điện theo giá thị trường.
Còn đối với các khách hàng là cá nhân, hộ dân sẽ tiếp tục mua điện từ các Tổng công ty điện lực theo biểu giá bán lẻ điện thống nhất toàn quốc như hiện tại.
"Trong thị trường điện cạnh tranh, giá điện sẽ phản ánh đúng quy luật cung cầu trên thị trường. Cũng như ở thị trường phát điện cạnh tranh, trong thị trường bán buôn điện, các đơn vị phát điện phải cạnh tranh, tối ưu hoá chi phí, chào giá thấp đến mức có thể để được huy động nhiều hơn.
Trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các đơn vị phân phối cũng phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, các thành phần chi phí này sẽ được phản ánh một cách minh bạch và hiệu quả trong biểu giá bán lẻ điện của khách hàng sử dụng điện", ông Tuấn nói.
Còn với giá điện bán lẻ sẽ phản ánh theo qui luật cung cầu trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đồng thời Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ chính sách.