Khám phá bộ tộc... cà răng, căng tai

Ngày 26/04/2013 13:56 PM (GMT+7)

Quá trình dùng hòn đá cà 6 cái răng cho cụt đến sát lợi kéo dài hàng giờ đồng hồ trong sự đau đớn tột độ. Vậy nhưng 2 tộc người Bahna và Jrai vẫn có kiểu "hành xác" kỳ quái như thế để "cho giống trâu bò, cho khác con thú".

Được chính phủ bảo hộ (Pháp) lập vào năm 1913 năm nay tròn 100 năm tuổi, tỉnh Kon Tum nằm ở phía tây dãy Trường Sơn, là địa bàn cư trú của nhiều tộc người với 2 tộc người có dân số đông là Gia Rai và Bahna. Qua bao biến chuyển của thời cuộc với những lần tách nhập, người Jrai cư trú phần đông ở tỉnh Gia Lai, riêng người Bahna đến nay vẫn là cư dân cổ trên cao nguyên Kon Tum huyền bí!

Cư trú ở vùng đất xa xôi cách trở nhất Tây Nguyên, Bahna là dân tộc gắn với nhiều huyền bí. Từ những chuyến xuyên sơn, lặn lội giữa đại ngàn Kon Tum huyền ảo, chúng tôi hiểu hơn về họ - tộc người anh em chân chất, hào sảng với nhiều chuyện lạ về văn hóa, phong tục đến ngỡ ngàng!

Lạ kỳ… người tai dài

Xuất phát từ TP HCM, vì Kon Tum là vùng đất cuối của Tây Nguyên nên để đến được cao nguyên huyền hoặc này, chúng tôi buộc phải chinh phục chặng đường gần 600km, đi qua các tỉnh nổi tiếng lắm núi nhiều rừng gồm Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai. Phải nói đây là hành trình bầm dập đến nhớ đời, bởi phải đi qua muôn vàn khúc cua tử thần bên vách núi thăm thẳm, bên vực sâu hun hút.

Sau bao mỏi mệt lẫn háo hức, chúng tôi cũng đến được TP Kon Tum - đô thị trăm năm ẩn giữa rừng già ngút ngàn. Chính tại nơi này, hình ảnh những sơn dân với hàm răng trên bị cà sát và đôi dái tai lòng thòng được xỏ ngà voi đã thu hút không chỉ chúng tôi mà có lẽ với bất kỳ ai chẳng ngại lặn lội đến nơi núi cao rừng thẳm!

Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là làng Kon JơDri - ngôi làng cổ nằm gối đầu bên dòng sông Đắk Bla mà theo ngôn ngữ bản địa có nghĩa "dòng sông ăn thịt người". Làng Kon JơDri thuộc địa phận xã Đắk-Rơ-Wa, TP Kon Tum. Khi rong ruổi vào làng, chúng tôi tình cờ gặp một cụ già có dáng hình rất đặc biệt với đôi dái tai lòng thòng, dài gần chấm vai và đôi khoen kỳ lạ to lớn như ống chỉ. Giọng Kinh lơ lớ, cụ già cho biết cụ tên Rơ-chăm Thị Lệch, ngoài 70 mùa rẫy!

Mùa rẫy là cách tính tuổi của các tộc người Tây Nguyên thuở sơ khai. Một mùa rẫy tương ứng với 1 năm tuổi. Không chỉ đôi dái tai lòng thòng, chúng tôi còn ấn tượng trước hàm răng trên bị mài nhẵn của cụ Thị Lệch. Nhờ được A Sáo, một học sinh người Xơ-đăng vốn là người bản địa giải thích, chúng tôi mới biết đôi tai dài và hàm răng bị cà sát của cụ Thị Lệch là hiện thân của hủ tục cà răng căng tai ngày trước.

Hỏi chuyện, mới rõ cụ Thị Lệch không phải là người Bahna, mà là người Jrai ở huyện vùng cao Chư Pảh thuộc tỉnh Gia Lai. Cụ đến buôn làng của người Bahna để thăm một người bà con đang lâm trọng bệnh. Nói về đôi dái tai quá đỗi lạ kỳ của mình, cụ Thị Lệch giải thích người Jrai xưa quan niệm người có dái tai dài là người quyền sang, quý phái. Vì nghĩ như thế nên từ hồi còn bé, con gái con trai Jrai đã được bố mẹ xỏ lỗ tai, chỉ cho cách nong vành tai cho ngày càng lớn, càng dài để được sang, được đẹp!

- Kỹ thuật nong vành tai như thế nào, có đau lắm không, thưa già?


- Ồ, dễ thôi mà. Lúc nhỏ thì xỏ cọng rơm, quen rồi thay bằng cọng lồ ô, cành lồ ô. Tiếp đến nong tai bằng ống lồ ô. Ống nhỏ nong được rồi thì nong ống lớn hơn!

Chưa nói dứt câu, cụ Thị Lệch đưa tay tháo cho chúng tôi xem chiếc hoa tai kỳ lạ của mình. Cụ bảo đấy là gai-ngai, là hoa tai bằng ngà voi, là vật quý truyền đời, chỉ người giàu có mới mua được vì giá rất đắt. Một ống hoa ngà như thế phải đổi bằng một con trâu mộng.

"Chỉ dùng gai-ngai khi làng có hội vui như đám cưới, cúng Yang (thần linh-PV). Cái này không bán, chỉ là mẹ truyền cho con thôi" - cụ Thị Lệch khẳng định.

- Nếu không có trâu để đổi lấy gai-ngai thì lấy gì xỏ tai trong ngày vui ngày lễ, thưa già?

- Dùng ống tre, ống lồ ô nè. Hay dùng sừng trâu sừng bò nè!

Bí ẩn liên quan đến đôi dái tai "khủng" của cụ Thị Lệch là thế. Bí ẩn này chỉ gắn với các bà, các chị người Jrai. Riêng với các bóng bồng Bahna, tục căng tai là khái niệm hoàn toàn xa lạ.

Khám phá bộ tộc... cà răng, căng tai - 1
Một góc dòng Đắk bLa chảy qua địa phận xã Kon Rơ Wa

Những lời kể rùng rợn quanh hủ tục cà răng…

Chẳng như người Jrai, người Bahna không xem trọng việc nong vành tai để làm đẹp. Tộc người này chỉ chú trọng đến nghi thức thổi-xỏ lỗ tai cho trẻ em cả trai lẫn gái. Bởi họ tin một đứa trẻ khi chào đời chưa thật hoàn toàn là người, có khi chỉ là loài chim, khỉ. Chỉ khi được thổi tai, được xỏ lỗ tai với lời khấn của bà mụ "Hôm nay tao thổi lỗ tai cho mày để mày làm người" thì đứa trẻ mới được xem là người và có trí tuệ.

Đó là lý do mà xuyên suốt làng Kon Kri, chúng tôi chẳng thấy ai khác ngoài cụ bà Thị Lệch có đôi tai dài. Dầu vậy, tuy khác nhau về hình dáng và quan niệm liên quan đến đôi tai nhưng giữa 2 tộc người Jrai và Bahna có điểm chung về những chiếc răng bị mài cụt với 6 chiếc răng giữa ở hàm trên "rụng" đến tận lợi. Những người làng ở độ tuổi từ 50 trở lên mỗi khi cười đều khoe "hàng tiền đạo" trống rỗng như thế!

Vì sao lại có sự lạ như vậy?!


Thắc mắc này của chúng tôi được nhiều người già Bahna mỗi người có câu trả lời khác nhau. Già làng K'Bớt, ngoài 70 mùa rẫy cười khoe hàm trên mà theo lời kể của già bị "thổi bay" khi còn trẻ: "Cà bằng đá, cà đau lắm".

Ghi chép của các nhà dân tộc học người Pháp vào thập niên 40 thế kỷ trước khi "thám hiểm" tại Kon Tum cho biết con trai, con gái người Bahna khi ở tuổi 15-16 đều phải cà răng với kỹ thuật rất dễ sợ: Quỳ gối phía trên đầu, hai gối kẹp chặt lấy 2 bên tay người có răng, người thợ cà răng tay cầm hòn đá nhám cà qua cà lại 6 cái răng cửa cho đến khi mòn sát nướu răng mới thôi trong cảnh máu me tung tóe!

"Phải trả công người cà răng những gì, thưa già" - chúng tôi hỏi già làng K'Bớt và câu trả lời là "nếu không phải một con gà thì ghè rượu"!

Cà răng theo kiểu dùng đá mài qua mài lại như thế theo chia sẻ của các cụ già đau đớn vô cùng. Những ngày đầu chẳng thể ăn uống gì được do miệng sưng to. Thường thì phải sau một tuần kể từ lúc cà răng thì sự đau đớn mới chấm dứt. Lúc này người "thợ" cà răng tiến hành việc nhuộm răng cho "Thượng đế" bằng một thứ nhựa đặc biệt được chiết xuất từ một loại cây rừng chẳng mấy ai biết được.

- Thưa già, già có biết đó là cây gì không?


- Ồ, là  cây long pơnek, người Kinh gọi là cây rang!

Nói theo già K'Bớt, để nhuộm răng, người ta đốt cây long pơnek cho chảy ra thứ nhựa đen như hắc ín (dầu hắc) và quệt bôi ở khu vực răng bị cà mòn và những chiếc răng còn lại. Cứ mỗi ngày sau bữa ăn bôi một lần, bôi liên tục từ 20-30 ngày thì hàm răng sẽ bóng chắc, và chỗ bị cà mòn từ đây trở về sau không bị đau nhức, sưng tấy.

"Nhựa cây long pơnek nhuộm răng tốt, chữa đau răng rất hay. Ai được bôi nhựa long pơnek về già không bị đau răng" - già K'Bớt và nhiều người già khác, khẳng định!

Khám phá bộ tộc... cà răng, căng tai - 2
Người Jrai và Bahna cà răng cho giống loài trâu mà họ nhận làm thú tổ?

Hành xác cho giống “thú tổ”?

Kỹ thuật cà răng của người Jrai cũng tương tự người Bahna. Quá trình dùng hòn đá cà 6 cái răng cho cụt đến sát lợi như thế kéo dài hàng giờ đồng hồ đau đớn tột độ, vậy nhưng vì sao 2 tộc người Bahna lẫn Jrai lại có kiểu cà răng kỳ quái như thế? Như già K'Bớt, câu trả lời của già làng Rơ-chăm Bul ở xã Ia M'nông huyện Chư Pảh (Gia Lai) mà chúng tôi gặp sau khi rời tỉnh Kon Tum, rất giản đơn: "Cà răng cho giống trâu bò, cho khác con thú".

- Ý nghĩa cụ thể hơn là sao, thưa già?


Già Rơ-chăm Bul đáp lại câu hỏi này với đại ý khi chưa cà răng, hàm răng của người ta chẳng khác gì răng cá sấu, răng chó. Để khác loài thú ăn thịt đó, phải cà răng cho giống trâu, bò…

Vì sao lại phải chấp nhận đớn đau cà răng cho giống trâu bò thì các già làng không giải thích được. Sau này khi đọc tư liệu khảo cứu của ông G.H.Hoffet về các dân tộc vùng cao ở dãy Trường Sơn với suy đoán rằng các dân tộc đất Tây Nguyên thuở trước nhận trâu làm thú tổ, chúng tôi tạm đoán định có thể người Jrai và Bahna cà răng để được giống loài thú tổ của mình.

Cứ cho là người Bahna cà răng cho giống "thú tổ" thì đâu là căn nguyên của việc họ chấp nhận đớn đau, chấp nhận hành xác cho giống "thú tổ". Ghi chép của các nhà dân tộc học người Pháp lẫn người Việt mà chúng tôi tiếp cận đều không thấy giải thích thấu đáo điều này.

Khám phá bộ tộc... cà răng, căng tai - 3
Nụ cười trống "hàng tiền đạo" của già K'Bớt

Điều khá bất ngờ là trong quá trình tìm kiếm chìa khóa giải mã cội nguồn của tục cà răng, chúng tôi ghi nhận giải thích khá có lý của một số người già rằng thuở xưa, tổ tiên họ cho rằng với hàm răng sắc bén như dao cạo, cọp sấu giết hại con người nên chúng là loài ác thú. Để tỏ rõ sự căm phẫn chúng cũng như sự khác biệt giữa người và thú, tổ tiên người Bahna đã quyết định cà răng cho giống loài thú hiền lành, thân thiện như trâu bò?!

- Còn có lý do gì khác để giải thích cho tục cà răng không, thưa già?

- Cà răng đau nhưng phải chấp nhận thôi. Con trai con gái đến tuổi không chịu cà răng dân làng chê cười, mọi người khinh thường. Chẳng ai chịu lấy làm chồng, làm vợ!

Đó là câu trả lời của một già làng tên Nhol mà chúng tôi gặp ở cuối làng Kon K'Tu. Theo già Nhol, bên cạnh lý do giống thú tổ, tổ tiên người Bahna khai sinh và duy trì tục cà răng còn nhằm ý nghĩa sâu xa, rèn luyện cho dân làng tính can trường, không sợ đau đớn, không sợ chết.

Già Nhol nói cà răng đau đớn tột cùng nhưng khi trải qua rồi, chẳng có đớn đau nào khiến một người đã qua giai đoạn cà răng khiếp sợ. Và chỉ có sự can đảm, xem thường đớn đau, xem thường cái chết ấy thì anh ta mới có đủ dũng khí chống lại mọi sự xâm hấn của kẻ địch hay thú dữ để bảo vệ sự an nguy cho người thân hay buôn làng của mình.

Trong tất cả những giải thích về ý nghĩa, ngọn nguồn của tục cà răng, có lẽ chia sẻ này của già Nhol dễ chấp nhận nhất. Nếu đặt ở bối cảnh của hàng trăm năm trước, sẽ thấy rằng cuộc sống giữa rừng sâu rất khốc liệt vì thường xuyên xảy ra cuộc chiến giữa những bộ tộc. Nên nếu không rèn cho dân làng tính can đảm, kiên cường, không sợ đau đớn, nguy cơ bộ tộc hèn yếu bị bộ tộc hùng mạnh tiêu diệt là điều khó tránh khỏi.

Hẳn nhiên đó chỉ là suy luận của chúng tôi. Để có câu trả lời trọn vẹn, thuyết phục, cần có sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về dân tộc học. Riêng chúng tôi chỉ dừng lại ở việc phản ánh chuyện lạ liên quan đến luật tục mà nhiều người cho là quái dị, có khi là hủ tục man rợ… nay chỉ còn tồn tại qua nụ cười của những người già và trong vài thập niên nữa thôi sẽ vĩnh viễn khép lại!

(Còn tiếp)

Theo N.Thành Dũng (An ninh Thế giới)
Nguồn:

Tin liên quan