Từng là ngành học “bỏ quên" nhưng những năm gần đây, khối ngành chuyên nghiên cứu về tâm lý con người dần được quan tâm và tạo nên "cơn sốt" trong các kỳ tuyển sinh Đại học với mức điểm chuẩn cao ngất ngưởng.
Bất ngờ trở thành ngành HOT, điểm chuẩn tăng phi mã
Khi xã hội càng phát triển, áp lực trong công việc, học tập cũng ngày một gia tăng, kéo theo những căn bệnh liên quan đến cảm xúc như: tự kỷ, trầm cảm, rối loạn hành vi… Vì vậy, nhu cầu tìm đến những phòng khám để điều trị, tham vấn tâm lý của con người có xu hướng tăng vọt.
Trước thực tế đó, để có nguồn lực chuyên môn về mặt tâm lý nhằm chăm sóc sức khoẻ, tinh thần cho mọi người, các trường Đại học, Cao đẳng đã chú trọng phát triển ngành Tâm lý học.
Từ tên gọi của ngành đã một phần thể hiện giá trị cốt lõi hướng đến tâm lý của con người. Ngành học nghiên cứu về các hiện tượng diễn ra trong thế giới nội tâm như suy nghĩ, hành vi, tư tưởng và cảm xúc. Sinh viên được học cách đánh giá ảnh hưởng của môi trường và yếu tố ngoại cảnh đến tâm lý con người. Từ đó, đưa ra kết luận, lời khuyên, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ nút thắt tâm lý của những người cần điều trị về mặt sức khoẻ tinh thần.
Ngày nay, con người dành sự quan tâm đặc biệt đến sức khoẻ tinh thần. Từ đó, các ngành liên quan đến lĩnh vực Tâm lý được chú trọng, đẩy mạnh phát triển.
Những năm gần đây, Tâm lý học trở thành một trong những ngành HOT thuộc tổ hợp khối Xã hội với điểm chuẩn tăng vọt. Hiện nay, ngành học này được nhiều trường Đại học top đầu đào tạo dưới hình thức chính quy như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại hai cơ sở TP.HCM và Hà Nội, trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, trường Đại học Sư Phạm - Đà Nẵng, trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Hutech TP.HCM...
Ngành Tâm lý học nhanh chóng vươn lên trở thành ngành HOT trong mỗi mùa tuyển sinh với điểm chuẩn cao ngất ngưởng, số lượng hồ sơ xét tuyển tăng vọt qua từng năm.
Để theo đuổi khối ngành Tâm lý, học sinh có thể lựa chọn tổ hợp khối thi như: A00 (Toán - Lý - Hoá), A01 (Toán - Anh - Lý), B00 (Toán - Hoá - Sinh), C00 (Văn - Sử - Địa), D01 (Toán - Văn - Anh), D78 (Khoa học xã hội - Văn - Anh)... Năm 2024, điểm chuẩn của ngành dao động từ 25,05 - 28,83 điểm, tăng từ 1-2 điểm so với năm ngoái.
- Trường Đại học Y Hà Nội có điểm chuẩn xét tuyển ngành Tâm lý học cao nhất cả nước với 28,83 điểm ở khối C00, 26,86 ở khối D01 và 25,46 ở khối B00.
- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM điểm chuẩn khối C00 cán mốc 28,3 điểm, các khối còn lại dao động từ 25,9 - 27,1 điểm.
- Trường Đại học Sư phạm TP.HCM ngành Tâm lý học có điểm xét tuyển là 27,1 điểm và ngành Tâm lý học Giáo dục là 26,3 điểm.
Cơ hội việc làm rộng mở, “đổi đời" với thu nhập khủng
Đối tượng nghiên cứu của ngành là con người nên Tâm lý học được chia ra nhiều chuyên ngành như: Tâm lý học giáo dục, tâm lý học tội phạm, tâm lý học hành vi, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học xã hội, tâm lý học quản lý, tâm lý học ứng dụng, tâm lý học phát triển…
Vì thế, cơ hội nghề nghiệp của ngành tương đối rộng mở. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc, hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Giảng dạy và nghiên cứu tâm lý học tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm, viện nghiên cứu; Chuyên viên tư vấn tâm lý tại trường học, cơ quan…; Phân tích tâm lý khách hàng; Chuyên viên trị liệu và tham vấn tâm lý tại bệnh viện...
TS. Lê Thị Mai Liên - Phó trưởng khoa Tâm lý học (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) khẳng định trong tương lai, nhu cầu về nhân lực của ngành vẫn sẽ tăng: “Trong khoảng 10-15 năm nữa, với sự phát triển của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tâm lý học trực tuyến hay nhà tâm lý số, các ứng dụng tâm lý số sẽ trở nên phổ biến để giúp các cá nhân và tổ chức tiếp cận dịch vụ tâm lý học một cách dễ dàng và thuận tiện.
Ngoài ra, với sự phát triển của nền kinh tế, tâm lý học lao động và tổ chức cũng có thể trở nên quan trọng nhằm giúp các tổ chức nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc. Các lĩnh vực ứng dụng của tâm lý học vẫn sẽ cần thiết và không thể bị thay thế. Với sự phát triển của xã hội, các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, stress, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ... tiếp tục gia tăng. Do đó, vai trò của tâm lý học trong giải quyết những vấn đề này vẫn được tăng cường trong thời gian sắp tới”.
Để theo đuổi ngành Tâm lý học, sinh viên cần trang bị khả năng giao tiếp tốt, khả năng quan sát, lắng nghe và thấu cảm. Bên cạnh đó, sinh viên để ra trường có mức thu nhập cao phải tích luỹ nhiều kinh nghiệm, có thời gian dài hoạt động ở các lĩnh vực chuyên môn.
Mức thu nhập của các cử nhân tốt nghiệp Tâm lý học phụ thuộc vào kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn. Với vị trí chuyên viên điều trị tâm lý có hơn 2 năm hoạt động sẽ có mức lương khoảng 12-18 triệu/tháng. Hoặc nếu lựa chọn theo hướng giảng dạy kỹ năng sống hay giáo viên tâm lý, mức thu nhập từ 8-10 triệu/tháng. Đối với các vị trí chuyên viên tâm lý tuyển dụng sẽ từ 10-15 triệu/tháng.
Nếu có lợi thế về ngoại ngữ, sinh viên Tâm lý học hoàn toàn có thể hoạt động tại các công ty quốc tế hoặc sang nước ngoài du học, làm việc với mức thu nhập hàng nghìn USD/tháng. Đặc biệt, với vai trò là nhà tâm lý học, cố vấn tâm lý, tâm lý học pháp y, tâm lý học sinh lý thì mức thu nhập 100 triệu đồng/tháng là điều dễ dàng thực hiện.
Dự đoán với xu thế chung của nhân loại, Tâm lý học vẫn sẽ là ngành học HOT, giữ được sức hút được nhiều sinh viên, phụ huynh quan tâm. Bên cạnh đó, với định hướng đến từ các trường đại học, trong tương lai ngành học này tiếp tục chú trọng phát triển, mở rộng nhiều chuyên ngành để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên.