Khoảng 2.143 đơn đăng ký kết hôn với trẻ em được nộp lên các tòa Shariah ở 7 bang của Malaysia giai đoạn 2012 - 2016 nhưng chỉ có 10 trường hợp bị bác.
Là đôi bạn rất thân, 2 cô bé Norazila (14 tuổi) và Ayu (11 tuổi) thường chia sẻ mọi điều với nhau. Tình bạn đẹp này đột ngột chấm dứt hồi cuối tháng 6-2018 khi Norazila hay tin Ayu trở thành... người vợ thứ 3 của cha mình.
Bi hài tảo hôn
Vừa lướt Facebook xem lại hình cũ của cả hai, Norazila vừa nói: "Bạn thân nhất nay lại là mẹ kế của cháu. Cháu không hiểu gì cả". Cuộc hôn nhân giữa Ayu và Che Abdul Karim Che Abdul Hamid - cha của Norazila - đã châm ngòi cuộc tranh luận tại Malaysia về việc duy trì truyền thống Hồi giáo bảo thủ trong nền dân chủ hiện đại, đa sắc tộc này.
Ông Che Abdul Karim, một thương nhân cao su 41 tuổi giàu có, khăng khăng mình yêu Ayu và nhấn mạnh sẽ không "đụng chạm" cho đến khi cô bé 16 tuổi. Ayu cũng nói qua tin nhắn rằng em "yêu" người chồng mới cưới bất chấp tuổi tác quá chênh lệch và việc ông ta đã có 2 vợ, 6 người con. Dù vậy, không ít người đã phẫn nộ kêu gọi chính quyền can thiệp và chỉ trích ông Che Abdul Karim là "kẻ ấu dâm".
Bản thân những người trong cuộc cũng không khỏi bị sốc. Bà Siti Noor Azila, vợ thứ hai của ông Che Abdul Karim, nói với báo The Star (Malaysia) rằng ban đầu chồng bà còn khẳng định không bao giờ lấy trẻ em và phủ nhận những tấm ảnh chụp lúc cả hai thực hiện thủ tục kết hôn. "Tôi không bao giờ chấp nhận điều này. Thậm chí, tôi còn cố làm mai cho chồng mình với một phụ nữ khác nhưng ông ta từ chối. Điều khiến tôi giận dữ là ông ta cưới bạn của con tôi" - người phụ nữ này bức xúc.
Bà Siti Noor còn than thở chồng bà chưa bao giờ trợ cấp tiền để chăm sóc 4 đứa con của cả hai và bà phải làm bánh để trang trải chi phí sinh hoạt. Không chấp nhận cuộc hôn nhân mới của chồng, 2 người vợ đã có ý định ly dị ông Che Abdul Karim.
Theo luật dân sự Malaysia, những người không theo đạo Hồi không thể kết hôn cho đến 18 tuổi trừ khi có sự chấp thuận đặc biệt từ chính quyền. Trong khi đó, đa số người dân theo đạo Hồi phải tuân theo luật Hồi giáo. Phải có sự cho phép từ tòa Shariah thì trẻ dưới 16 tuổi mới được kết hôn. Tuy nhiên, nếu một người nhận được sự chấp thuận từ tòa Shariah thì họ không bị giới hạn tuổi kết hôn.
"Theo quy định của đạo Hồi, miễn là cô dâu đồng ý, cha mẹ chấp thuận và cô ấy đã có kinh nguyệt thì có thể kết hôn" - ông Sayed Noordin, giáo sĩ tại nhà thờ Kuala Betis (nơi ông Che Abdul Karim thường đến cầu nguyện), giải thích. Tòa án Shariah ở bang Kelantan hồi tháng trước đã phạt thương nhân này 450 USD vì kết hôn với Ayu ở nước láng giềng Thái Lan khi chưa có sự cho phép của tòa.
Ông Che Abdul Karim chụp ảnh cùng vợ mới cưới 11 tuổi và mẹ cô dâu tại làng Sugai Golok ở Thái Lan Ảnh: TWITTER
Chia rẽ
Các nhà hoạt động về quyền trẻ em Malaysia cho biết khoảng 15.000 bé gái dưới 15 tuổi đã kết hôn ở nước này năm 2010. Trên thế giới, theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), khoảng 650 triệu thiếu nữ kết hôn trước 18 tuổi.
Nhiều trường hợp trẻ em kết hôn ở Malaysia diễn ra mà không được bất kỳ tòa án nào công nhận hợp pháp. Tuy nhiên, các cặp đôi cố đăng ký kết hôn lại không gặp nhiều trở ngại. Một nghiên cứu của Văn phòng UNICEF tại Malaysia cho thấy có 2.143 đơn đăng ký kết hôn với trẻ em được nộp lên các tòa Shariah ở 7 bang của Malaysia từ năm 2012 - 2016 nhưng chỉ 10 trường hợp bị từ chối.
Trong một số trường hợp, trẻ em gái buộc phải kết hôn với người đàn ông đã cưỡng hiếp mình. Hồi năm 2015, một người đàn ông ở bang Sarawak, phía Đông Malaysia, bị buộc tội cưỡng hiếp bé gái 14 tuổi. Vụ việc nhanh chóng khép lại bằng đám cưới giữa hai bên - được một tòa án Shariah cho phép - bởi cưỡng hiếp trong hôn nhân không bị xem là có tội ở Malaysia.
Theo báo cáo của UNICEF, tòa Shariah còn chấp nhận hôn nhân vị thành niên nhằm hợp pháp hóa việc mang thai ngoài giá thú. Ngoài ra, một số vụ tảo hôn còn xuất phát từ sự nghèo khó của gia đình cô dâu. Trường hợp của Ayu - một công dân Thái Lan - là ví dụ điển hình.
Gia đình Ayu chuyển từ Thái Lan tới bang Kelantan để thuận tiện cho công việc thu hoạch mủ cao su của người cha. Ayu lớn lên trong một ngôi nhà gỗ tồi tàn, khác xa với cuộc sống giàu có của ông Che Abdul Karim trong biệt thự và xe sang. Bà Nuraini Che Nawi, người vợ cả, sở hữu quán ăn và tiệm tạp hóa bên cạnh - nơi mẹ của Ayu làm thuê và cô bé cũng thường theo mẹ tới đây vì không đi học.
"Cô bé chắc chắn là nạn nhân. Tại sao chúng ta lại chần chừ bảo vệ một đứa trẻ? Điều này thật đáng lo ngại" - bà Latheefa Koya, luật sư về quyền con người, thắc mắc.
Vụ việc của Ayu cũng phơi bày rạn nứt sâu sắc về vấn đề tảo hôn trong lòng quốc gia Đông Nam Á này. Theo báo The New York Times (Mỹ), ông Mohamad Amar Nik Abdullah, Phó Chủ tịch Đảng Hồi giáo Malaysia, nhấn mạnh tảo hôn là hợp pháp trong đạo Hồi và đất nước còn nhiều vấn đề xã hội cấp bách hơn cần giải quyết.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Hồi giáo Mujahid Yusof Rawa cho biết bộ này đã bắt đầu nỗ lực ban hành lệnh cấm tảo hôn đối với người Hồi giáo nhưng cũng cảnh báo sẽ tốn không ít thời gian để biện pháp này có hiệu lực.